- Con nói cô nghe nè, cô biết bây giờ đang dịch không?
- Tại đang ăn cơm ở đằng kia...
- (Ngắt lời) Không, giờ con hỏi cô nè, cô có biết đang dịch không?
- Biết.
- Biết vậy tại sao cho bé đi ra xin quà không cho nó đeo khẩu trang?
- Tại đang ăn cơm đằng đó đó cô...
- Khi mà dịch bệnh, cô phải biết là căn bệnh này nó đâu có thuốc trị đâu. Sau này á, cho bé ra ngoài đường thì làm ơn cho bé đeo khẩu trang vô. (…)
Đoạn clip cô gái trẻ sa sả mắng 2 mẹ con nhận quà từ thiên đang được lan truyền trên mạng khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Thật buồn khi những điều đẹp đẽ trong cuộc sống lại khoác lên mình tấm áo xấu xí, nhẫn tâm đến như vậy, đặc biệt là sân si với cả một đứa trẻ.
Đoạn clip cho quà từ thiện khiến mạng xã hội dậy sóng
Khi một người đi nhận quà từ thiện nghĩa là họ đã vứt hết liêm sỉ, mặt mũi. Miếng ăn là miếng tồi tàn, của cho không bằng cách cho. Điều này lại càng đúng khi trong những ngày Sài Gòn giãn cách, bên cạnh nhiều hoạt động thiện nguyện lặng lẽ thì nhiều cá nhân làm từ thiện đã không tiếc lời sỉ vả, chê trách người nghèo. Ai bảo Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Những giọt nước mắt ấy đến từ cách con người đối xử với đồng loại chứ Sài Gòn nào có tội tình chi. Và cái cách cho rằng người béo, sơn móng tay … là người nghèo đương nhiên chưa bao giờ là cách nghĩ của người dân gắn bó nhiều năm nơi mảnh đất giàu tình người này. Khuôn mặt ấy, tiếng nói ấy không đại diện cho bất kỳ người làm từ thiện hay người ở đâu, đó chỉ là mặt xấu xí nhất khi người ta nghĩ cho là có quyền mạt sát người khác.
Khi người dân ở nhà để chấp hành chỉ thi, một bộ phận những người nghèo, người lao động bị tổn thương mạnh mẽ. Nếu trước đây họ vẫn được những phần cơm phần quà đắp đổi qua ngày thì bây giờ, miếng cơm manh áo dẫu có nhận từ người có lòng cũng khó khăn biết bao nhiêu. Đoạn clip do một cô gái trẻ hay làm từ thiện, như lời cô nói, đăng tải đã phải gỡ xuống bởi 2 thái cực đối lập trong một khung hình. Trong đoạn clip, thấy cô gái đến phát quà từ thiện, em bé đang ăn cơm chạy vội ra cùng mẹ mà quên đeo khẩu trang.Ngay lập tức, cô gái này đã yêu cầu bé quay lại nhà và đeo khẩu trang mới cho quà. Em bé vừa ra đến nơi, cô gái lớn giọng với mẹ em. Đoạn đối thoại đầy trịch thượng, trong khi người mẹ với khuôn mặt sương gió lí nhí trả lời, đứa trẻ đứng nhìn đầy nhẫn nhục. Cái nhẫn nhục của đứa con phải chứng kiến người ta sa sả mắng mỏ 2 mẹ con, cái nhẫn nhục trong cái níu tay của đứa con như ngầm bảo rằng “Mẹ ơi, đi nhanh thôi, không thì nước mắt con sẽ rơi”
Cô gái vừa nói vừa vung tay khoát chân, liên tục chỉ vào người em bé. Khi em bé bị ho, người mẹ bối rối ôm con vào lòng. Cô gái trẻ tặng quà vẫn ngồi trên xe và lên lớp. Sau đó, cô này đưa quà cho em bé. Đón nhận món quà từ cô, người mẹ nhắc con gái "Cảm ơn cô đi con", nhưng chưa để em bé kịp nói thì cô gái trẻ đã hơi giằng lại túi bánh, lớn tiếng quát em bé: "Khoan, khi nhận được quà con phải biết nói tiếng cảm ơn nghe". Em bé ngước mắt lên nhìn cô gái, nói rành rọt "Con cảm ơn cô" rồi cầm túi bánh quay đi. Tiếng lanh lảnh phía sau vẫn như chờ chực chồm lên 2 mẹ con: "Cô phải dạy lại con bé cho nó mai mốt lớn lên...".
Chắc chắn cô gái này chưa có con, và cũng chưa từng làm mẹ. Bởi khi người ta làm mẹ, nhìn bất cứ đứa trẻ nào người ta cũng nghĩ tới con mình. Khi đã làm mẹ, không ai lớn tiếng bảo một người mẹ phải dạy dỗ con mình như thế nào. Và khi làm mẹ, không ai nỡ làm tổn thương một đứa trẻ. Đừng ai nói rằng họ chỉ nhắc nhở đeo khẩu trang, bởi giữa nhắc nhở và giọng điệu bố thí khác nhau rất nhiều.
Trong dáng diệu gượng gạo của 2 mẹ con, có thể thấy khuôn mặt đầy chịu đựng của bé gái sau lớp khẩu trang. Đứa trẻ nghĩ gì sau khi đưa 2 tay nhận lấy túi bánh đó, sự tổn thương mà người mang danh từ thiện phủ lên người đứa trẻ, ai sẽ trả lại sự ngây thơ cho em?
Em học được điều gì từ cô gái ấy, rằng lòng tự trọng của 2 mẹ con bị chà đạp nhẫn tâm. Âu cũng là miếng ăn là miếng nhục.
Em thấy mẹ mình lớn tuổi bị một cô gái nhỏ tuổi dạy dỗ, lên lớp. Chứng kiến cảnh đó, đứa con nào mà không buồn.
Có thể em nghĩ rằng, những kẻ từ thiện ai cũng như cô gái ấy, một nhân cách méo mó được khoác lên người chiếc áo từ thiện quá rộng. Và suy nghĩ “không ai cho không thứ gì” sẽ dần hình thành.
Em sẽ không bao giờ tin vào những điều tốt đẹp trên cuộc đời này nữa. Bởi người ta cho mẹ con em một túi bánh mà trịch thượng lên lớp hết lần này đến lần khác. Nếu mẹ em không dạy em thì lớn lên em làm sao, có lẽ 2 mẹ con quay đi kịp lúc những từ ngữ dơ bẩn đã ở lại phía sau. Ai cho cô gái trẻ ấy phán xét về tương lai em bé nhỏ, khi cô chỉ thấy em vội chạy đến nhận quà nên không đeo khẩu trang.
Trong nhiều đoạn clip phát quà từ thiện, cô gái thường chỉ tay vào người nghèo và nói chuyện trống không
Nhiều cư dân mạng vô cùng bức xúc trước đoạn clip:
Có bọc bánh mà mắng người ta vậy. Đây là má thiên hạ mẹ thiên nhiên luôn hay gì?
Miếng ăn là miếng nhục, ai mà lớn tiếng với mẹ tui như vậy là tui không có để yên đâu. Hồi nhỏ có lần mẹ tui bán rau, cái bà bán kế bên ỷ ma cũ cứ ngồi chửi mà mẹ tui hiền lắm. Mẹ tui bán rẻ nên người đi chợ toàn ghé chỗ mẹ không ghé chỗ bả. Ngày nào bả cũng chửi mà tui đâu có biết, hôm đó học thêm được ra về sớm tui ghé phụ mẹ, trời ơi tui tốc váy tui chửi từ trên xuống dưới, chửi có lớp có lang đàng hoàng, chửi mà không ai bênh bả kể cả chồng bả nha. Ai đụng tới mẹ tui thì biết, bữa đó về tui bị mẹ quánh 2 roi không phải vì tui chửi bà kia, mà là trong lúc chửi tui có chửi thề nữa.
Gớm cho 1 túi bánh đáng mà kêu người ta dạy lại con, không mai mốt này nọ. Chị gái ơi tiền từ thiện đó chị về mua dũa để dũa lại cái nết nha chị
Sau khi nhận mưa gạch đá, “mẹ thiên hạ” đã xóa clip chửi sa sả 2 mẹ con nhận quà từ thiện trên trang cá nhân của mình. Nhưng những clip đi phát quà từ thiện khác, cũng cùng một cách thức lái xe ra đường, ngồi trên xe vẫy người nghèo ra nhận, và nói trống không bất chấp đó là những người đáng tuổi cha tuổi ông mình “Có khẩu trang không, không có khẩu trang, không đưa".
Chẳng biết cô gái có nhận thức để thay đổi tông giọng của mình những lần từ thiện sau này hay không. Nhưng hãy nhớ rằng, người nghèo có lòng tự trọng, và trẻ con cũng vậy.