Kỳ thi tốt nghiệp THPT là căn cứ quan trọng để đánh giá tuyển sinh đại học, cao đẳng, không thể bỏ.
Chắc phụ huynh cũng biết là kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, một số học sinh bị ảnh hưởng do Cô Vy đã được đặc cách không cần thi. Dù biết điều này là bất khả kháng nhưng cũng có người thắc mắc. Một số người sẽ cảm thấy không công bằng cho những học sinh phải thi, trong khi những em khác không cần thi vẫn được xét thẳng.
Thông tin từ Thanh Niên, đại biểu đề xuất với Bộ GDĐT là có thể đã đến lúc bỏ kỳ thi này đi. Nhưng Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là kỳ thi quan trọng và cần thiết, sẽ không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Điều này mọi người thấy đúng không, học hành mà không có thi cử thì sẽ rất thiếu sót. Nếu bỏ đi kỳ thi tốt nghiệp THPT, không biết các em học sinh có còn đủ động lực để phấn đấu học tập hay không. Chẳng có thi cử, điểm số thì sẽ lấy gì để đánh giá, ghi nhận công sức học tập của các em.
Thi tốt nghiệp THPT quan trọng, khó khăn mấy cũng không thể bỏ
Khi được đại biểu hỏi tình hình Cô Vy kéo dài gây bất ổn tâm lý xã hội, ảnh hưởng chất lượng, tâm lý học sinh, sinh viên, có thể đã đến lúc bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Ví dụ như vừa qua Bộ GDĐT đã áp dụng một số tỉnh thành bị ảnh hưởng cho học sinh được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.
Thí sinh kết thúc kỳ thi THPT 2021, đợt 1. Ảnh minh họa, nguồn: thanhuytphcm.vn
Theo ý kiến của vị đại biểu này thì cùng một quốc gia mà nơi thi, nơi không sẽ tạo ra sự không công bằng. Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết năm ngoái đã chia kỳ thi tốt nghiệp thành nhiều đợt. Ở các tỉnh phía Nam do giãn cách nên có khoảng 2000 thí sinh được đặc cách.
Tuy nhiên Bộ trưởng khẳng định: "Do tình hình mới bất đắc dĩ theo cách này nhưng tôi khẳng định việc thi THPT vẫn là cần thiết”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được luật hóa, bên cạnh đó kỳ thi giúp đánh giá chất lượng học tập của học sinh.
Đây là căn cứ để xét tuyển đại học, cao đẳng cho nên thi tốt nghiệp là cần thiết. Trong năm học 2021 – 2022 và những năm tới, Bộ GDĐT đang lên phương án thi linh hoạt hơn.
Bộ sẽ xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn để có thể thi nhiều lần, thậm chí đủ cho mỗi tỉnh một kế hoạch thi. Căn cứ vào tình hình từng địa phương, sẽ có kế hoạch thi linh hoạt.
Năm 2022 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra theo phương án của giai đoạn 2022 - 2025. Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Niên online
Liên quan đến việc có 165 thí sinh vừa qua thi được 27 điểm vẫn trượt đại học. Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ ra nguyên nhân thứ nhất là do các em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng.
Thứ hai là do các trường đại học hiện nay có hiện tượng đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Bộ sẽ tiến hành rà soát lại, không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho thí sinh đăng ký.
12 năm đèn sách cần có một kỳ thi để khẳng định
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kết quả đánh giá, ghi nhận 12 năm đèn sách. Đây là kỳ thi lớn và là quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh. Đồng thời cũng là căn cứ để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa, nguồn: Người Lao Động
Trước đây, ngoài thi tốt nghiệp thì còn kỳ thi đại học, hiện đã bỏ kỳ thi đại học, chỉ còn kỳ thi tốt nghiệp, nói nôm na là 2 trong 1. Không phải trường nào cũng tổ chức thi đánh giá năng lực nên nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển.
Nếu bây giờ bỏ cả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì thật sự khó có căn cứ để đánh giá cho đúng năng lực của học sinh. Vì nếu xét học bạ thì như phụ huynh thấy đó, mỗi trường mỗi cách cho điểm, học bạ đẹp xấu chênh lệch khá nhiều.
Xét tuyển đại học, cao đẳng chỉ dựa vào học bạ sẽ rất thiệt thòi cho những em học giỏi nhưng điểm trong lớp không cao vì nhiều lý do “trời ơi”. Điều này sẽ vô tình làm mai một nhân tài, học sinh dễ vuột mất đi tương lai chỉ vì điểm số học bạ không phản ánh đúng thực lực.