Cô dâu miền Tây lên hội nhóm hỏi xin đồ cũ để mặc trong ngày vui, cái kết nhận được ngoài sức mong đợi. 

Gần đây, mình đọc được câu chuyện dễ thương về đám cưới của chị Minh Dung (sinh năm 1989, đang là giáo viên can thiệp cho các bé có rối loạn phổ tự kỷ tại quận 7, TP.HCM). Thay vì tự sắm sửa hoặc đi thuê trang phục cưới, cô dâu đã có cách vô cùng tiết kiệm cũng như “xin vía” hạnh phúc của người đi trước. 

Theo đó, chị Dung đã đăng bài vào một nhóm để hỏi xin mọi người đồ cưới vào đầu tháng 9 vừa rồi. "Không phải vì sợ tốn kém mà tôi không đi thuê hay mua, nhưng là để tiết kiệm, cũng như xin vía gia đình hạnh phúc của chị em đi trước", chị viết.

Chị ghi đầy đủ thông tin về số đo ba vòng, cân nặng, chiều cao và mong muốn xin áo dài cưới màu đỏ hoặc trắng. Kèm theo đó, chị cũng hứa sau khi mặc xong sẽ giặt ủi sạch sẽ và đăng lên nhóm để tặng lại cho bạn khác có nhu cầu như mình. 

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Bài đăng của chị Dung bất ngờ nhận được sự quan tâm của đông đảo thành viên trong nhóm. Nhiều chị em đã nhiệt tình để lại bình luận ngỏ ý tặng lại đồ cưới cho Minh Dung. 

Nhờ được tặng đồ cưới nên hôn lễ của cô dâu quê Tiền Giang tiết kiệm được kha khá. Theo lời chị Dung, hai vợ chồng chỉ tốn 300 nghìn đồng để thuê vest cho chú rể. 

"Một chiếc áo dài cưới, chiếc đầm cưới khi mua giá không hề rẻ, và thường chỉ mặc một lần vào dịp cưới hoặc lâu thiệt lâu mới mặc lại vào dịp kỷ niệm đặc biệt, nhưng có thể đã không vừa.

Lý do tôi quyết định xin đồ từ các chị em đã cưới là tiết kiệm chi phí không nhỏ cho bản thân và gia đình nhỏ của mình. Tôi cũng muốn giúp cho người tặng được kéo dài vòng đời của những món đồ họ yêu thích", chị Dung chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online. 

Mình thấy ý tưởng này của cô dâu rất độc đáo, vừa tiết kiệm được kha khá chi phí lại tận dụng những bộ quần áo còn mới tinh bởi người tặng chỉ mặc một lần duy nhất rồi cất tủ. Sau bài đăng trong nhóm, chị Dung xin được một chiếc đầm, áo dài và đôi giày cưới màu hồng còn mới tinh và đẹp mắt. 

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Điều đặc biệt là những người gửi tặng đồ rất tử tế “của cho không bằng cách cho”. Theo chị Dung kể, mọi người đã gói đồ rất kỹ khi gửi tới, thậm chí có bạn còn thanh toán luôn phí gửi. 

"Các món quà dường như dành sẵn cho tôi. Tôi không cần sửa gì cả, chỉ cần giảm 1-2kg nếu chật. Chồng chỉ biết rằng tôi được tặng áo dài cưới và đầm cưới từ những người bạn và sẵn sàng chở đi nhận", chị kể thêm.

Có người cho rằng đám cưới là dịp đặc biệt, cả đời người chỉ có một lần nên tiếc làm gì chuyện sắm sửa trang phục. Sau khi mặc xong, cô dâu có thể cất làm kỷ niệm hoặc bỏ tiền ra thuê sẽ được trang phục phù hợp với số đo lại hợp thời, đẹp mắt. 

Tuy nhiên, chị Dung lại nghĩ khác vì cho rằng dùng lại váy cưới cũ là kéo dài tuổi thọ của vật dụng cũng như không để lãng phí. Trước khi nhận váy cưới từ người cho trong nhóm, chị đã tìm hiểu về lịch sử chiếc váy cũng như cặp đôi vừa cưới. 

"Ba mẹ, mẹ chồng và mọi người đều biết rằng tôi được tặng đồ. Điều đó chứng tỏ cô dâu được yêu thương nên ai cũng vui, cũng mừng vì giá trị quà tặng quy ra vật chất không hề rẻ.

Nếu như chiếc đầm cưới ngày hôm đó đi thuê, chắc tôi phải đền cho tiệm vì mưa và sình làm đầm lấm bẩn. Nhưng chiếc đầm này, tôi sẽ trân trọng và cố gắng tẩy nó cho thật mới để mang đến cho người nhận sau một cảm nhận hạnh phúc như tôi vào ngày được tặng", chị cho biết.

hình ảnh

(Ảnh Vietgiaitri)

Đám cưới của cô dâu Tiền Giang còn đặc biệt là mọi người ở quê cùng chung tay tự làm nhiều thứ, từ tự cắm hoa, chưng bàn đến tự làm sổ ký tên. Nhờ đó, mọi người càng thêm gắn kết và không khí ngày cưới thêm nôn nao, thành kỷ niệm khó quên. 

Câu chuyện về cô dâu xin quần áo để làm đám cưới quả là rất đặc biệt phải không ạ? Không khuyến khích mọi người phải làm theo nhưng mình nghĩ đây sẽ là một gợi ý dành cho những ai có chung quan điểm như cô dâu trong câu chuyện trên. 

hình ảnh

Mình để ý ngày càng có nhiều bạn trẻ tổ chức tiệc cưới gói gọn, vừa tiết kiệm lại vừa ấm cúng, gần gũi. Trước đây, có cặp đôi đã tổ chức hôn lễ ở đường sách tại TP.HCM. Đôi vợ chồng trẻ cũng không nhận tiền mừng, thay vào đó họ xin sách cũ từ những người đến dự đám cưới để quyên góp số sách này cho trẻ em vùng cao. Có người sẽ rất cầu kỳ, đầu tư cho đám cưới nhưng cũng có những trường hợp như vừa kể ở trên.