Những khi con ăn vạ khóc lóc, mẹ càng yếu lòng, trẻ sẽ càng “được đà lấn tới”.
Ăn vạ, khóc lóc để đòi được thứ mình muốn là vấn đề khiến rất nhiều bố mẹ có con nhỏ phải đau đầu suy nghĩ. Một số trẻ được nuông chiều, chỉ cần thấy có việc gì không vừ ý sẽ lập tức “lăn đùng ra”, nghiêm trọng hơn, một số lại còn đe d ọa bố mẹ nếu không thực hiện mọi việc đúng ý sẽ tự làm đ au chính mình. Giáo sư Tâm lý học Lý Mai Cẩn – Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc đã chia sẻ, có 3 điều các mẹ tuyệt đối không nên làm khi gặp phải trường hợp trên. Nếu làm được, trẻ sẽ không còn tính ăn vạ, khóc lóc và chắc chắn sẽ biết suy nghĩ cho mọi người xung quanh hơn trong tương lai.
Không đòn roi
Dù từ trước đến nay, chúng ta đã quá quen thuộc với những câu như “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Thực tế đúc kết của cha ông ta không phải là sai, nhưng giữa đời sống hiện đại như ngày nay, khoa học đã chứng minh đòn roi không phải là giải pháp tối ưu để dạy con mà bên cạnh đó, vẫn còn có những cách dạy con văn minh, hiệu quả hơn nhiều mà lại không làm tổn thương đến con.
Giáo sư Tâm lý học Lý Mai Cẩn chia sẻ với các bố mẹ cách xử lý khi con ăn vạ. Ảnh: Sohu
Khi con ăn vạ, nếu bị bố mẹ sử dụng đòn roi thì một số trẻ lại càng phản ứng dữ dội hơn, một số thì lại chỉ biết sợ lúc đó chứ thực sự không học được bài học gì. Sử dụng đòn roi khi dạy dỗ trẻ nhỏ sẽ dễ khiến trẻ bị tiêm nhiễm thái độ này, luôn muốn giải quyết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống bằng những hành vi bạo lực mà điều này lại cực kỳ đáng sợ.
Không la mắng
Mắng con khi ăn vạ sẽ càng khiến trẻ cảm thấy “không phục” và bày tỏ thái độ chống đối dữ dội vì thực chất con chưa hiểu được cốt lõi vấn đề nằm ở đâu. Hơn nữa, những lời nói khi nóng giận của bố mẹ có thể làm tổn thương tinh thần của trẻ nhỏ và suốt đời có thể con cũng sẽ chẳng bao giờ quên được.
Không ngon ngọt dỗ dành
Ngon ngọt dỗ dành con lúc này chỉ khiến trẻ thêm đắc ý và đã đạt được ý nguyện của mình. Càng thỏa hiệp khi con ăn vạ, khóc quấy, mẹ sẽ càng dễ khiến con ăn vạ nhiều hơn trong tương lai. Trẻ có tính ăn vạ không được uốn nắn, sửa đổi khi lớn lên thường ích kỷ và không tôn trọng người khác. Đứa trẻ sẽ luôn coi mình là trung tâm và mọi người xung quanh phải tích cực phục vụ và làm theo ý chúng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Brightside
Vậy thì khi con ăn vạ khóc quấy mẹ nên làm gì? Câu trả lời đó là hãy thực sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Không cần nói quá nhiều, chỉ cần thông báo với đứa trẻ là hãy cứ khóc nếu như chúng muốn, nhưng việc này là hoàn toàn không đúng, sau đó… ngồi chờ.
Chỉ cần con không có những hành động gây nguy hiểm đến mình và những người xung quanh, mẹ hãy cứ kiên nhẫn, im lặng chờ đợi. Cho đến khi khóc quấy thấm mệt mà vẫn không có được “thành quả” gì, trẻ sẽ tự nhận ra việc làm của mình là vô ích, là không có tác dụng và hoàn toàn sai. Chỉ khi con thực sự bình tĩnh lại, mẹ mới nên nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, giải thích điều con đang làm là không đúng, chắc chắn sau vài lần như vậy bé sẽ hiểu ra thôi.