Vật giá leo thang nên khi đi chợ chị em thường tính toán kỹ lưỡng để làm sao tiết kiệm nhất có thể. Và phương pháp được áp dụng phổ biến, đó chính là mua với số lượng lớn để được giá tốt hơn. Chẳng hạn như với dầu ăn, chị em thường mua chai có dung tích lớn, tính ra lợi hơn nhiều so với chai nhỏ. Thế nhưng, vì dùng trong thời gian dài nên chị em thường làm bong tróc nhãn trên chai dầu ăn, không biết chắc ngày hết hạn. Từ đây, chị em lo lắng việc dùng tiếp có gây hại không, mà cũng không đành đổ bỏ vì thấy hoang phí. Vậy thì dưới đây là thông tin dành cho chị em, không cần biết chính xác ngày hết hạn, chỉ cần nhắm chừng kể từ ngày mua dầu ăn về là sẽ có câu trả lời đấy ạ.
Thông thường, dầu ăn có hạn sử dụng trong khoảng 18-24 tháng kể từ ngày sản xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích chị em hãy dùng hết dầu ăn trong vòng 3 tháng kể từ ngày mở nắp, vì đó là khoảng thời gian đảm bảo được chất lượng, không biến mùi, biến vị cũng như không mất đi chất dinh dưỡng.
Ảnh minh họa - Nguồn: Bachhoaxanh
Sau khoảng thời gian đó, với dầu ăn không được bảo quản trong đồ đựng thủy tinh, lại không được đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát hay để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thì sẽ dễ sản sinh nấm mốc, không đơn thuần làm hỏng hương vị của món ăn, mà một số trường hợp còn khiến người ăn vào bị chóng mặt, ói mửa, đó là dấu hiệu của ngộ độc, nếu không được đưa đi cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Dấu hiệu nhận biết dầu ăn hỏng
Thực ra không khó để nhận biết dầu ăn hỏng, mọi người chỉ cần xem xét các yếu tố, gồm: màu sắc, độ trong, mùi, vị của dầu. Cụ thể, dầu ăn hỏng sẽ có màu đậm hơn nhiều so với lúc mới mua, độ trong cũng không còn, kèm theo đó là có mùi hôi, vị chua do ảnh hưởng từ chất béo trong dầu.
Cách tái sử dụng dầu ăn thừa đúng cách
Với dầu ăn không bị cháy khét và không bị làm nóng quá lâu thì mọi người có thể tái sử dụng, đây cũng là cách tiết kiệm hiệu quả.
Bước 1: Mọi người đặt 1 tờ giấy thấm dầu lên rây lọc rồi đổ dầu thừa qua đó để lọc bỏ hết cặn thức ăn. Có thể lọc đi lọc lại vài lần để loại bỏ hết cặn.
Bước 2: Đợi dầu ăn nguội, đổ vào lọ thủy tinh có nắp đậy để bảo quản trong tủ lạnh hoặc để ở nơi thoáng mát.
Lưu ý: Nếu để dầu ăn ở bên ngoài, mọi người nên ngửi xem có bị ôi thiu hay không trước khi tái sử dụng cho các món chiên, xào sau đó và cũng chỉ nên tái sử dụng duy nhất một lần.
Cách xử lý dầu ăn thừa
Ảnh minh họa - Nguồn: Bachhoaxanh
Sau khi chế biến món ăn xong, mọi người cũng cần biết cách xử lý dầu ăn thừa, đó là nguội hẳn rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh cho đông đặc lại. Kế đến, đổ chúng vào túi nilon buộc kín và bỏ vào thùng rác là xong. Tuyệt đối không được đổ dầu ăn ra bên ngoài, vì các loại dầu mỡ thường có nguồn gốc từ động vật có thể gây hại cho một số con vật nếu chúng ăn phải. Tương tự, dầu mỡ thừa cũng dễ ảnh hưởng đến thực vật, một khi thấm vào đất nơi có cây trồng sẽ làm hỏng phân bón, ảnh hưởng đến độ ẩm của đất và không khí. Ngoài ra, mọi người cũng không được đổ dầu ăn thừa xuống cống, không khéo tắc nghẽn thì tốn bộn tiền thông tắc đấy nhé.