"Bình thường, tôi hay đi nhầm đường. Giờ đám cưới cũng đi nhầm nhà thì quá tai hại. Nếu có lần sau, tôi sẽ tra định vị kĩ càng", chú rể chia sẻ.
Nói về sự cố trong đám hỏi, cưới xin thì có vô số. Thực ra, ai coi đó là chuyện không hay còn tôi lại nghĩ khá đơn giản. Quan trọng buổi lễ hôm đó vẫn diễn ra tròn đầy, cô dâu chú rể và quan khách hài lòng là được, còn những chuyện vặt vãnh phát sinh không đáng để mình lo lắng, bận tâm. Cưới nhau về ở chung có biết tôn trọng, cùng vun vén để giàu có và hạnh phúc hay không là nằm ở bản thân chúng ta chứ không phải do hình thức, lễ nghi hôm cưới xin. Đúng không mọi người?
Mới đây, tôi đọc trên Vietnamnet thấy có một đám cưới ở nước ngoài gặp sự cố dở khóc dở cười. Theo như báo đăng tải thì chú rể trong câu chuyện có tên là Trương Dương. Hôm đám cưới, anh đi trước dẫn đường cho họ nhà trai đi theo. Có lẽ vì hôm đó là ngày tốt nên nhiều cặp đôi khác cũng tổ chức hôn lễ. Trùng hợp thay, gần nhà cô dâu cũng có một đám cưới khác đang diễn ra và cô dâu nhà đó cũng đang chờ chú rể đến rước.
Vì không nhớ rõ đường nên chú rể Trương Dương đành đi theo linh cảm mách bảo. Khi trông thấy một ngôi nhà có dựng rạp cưới rộn ràng, anh mừng rỡ chắc mẩm đã tìm ra nhà nàng nên cứ vậy mà tiến vào. Anh không biết rằng mình đã nhầm. Thấy xe hoa đến, cô dâu và họ hàng của cô ấy cũng tưởng đàng trai của họ đã đến nên kéo ra, có bao nhiêu nghi thức chuẩn bị sẵn đều đem hết ra chào đón.
Lúc đang cao trào, chú rể giật mình phát hiện phía sau đoàn của mình là một đoàn nhà trai khác kéo đến. Phải đến bây giờ, anh mới biết mình đi nhầm nhà. Nhà gái té ngửa vì đã xài hết các thứ đã chuẩn bị để đón đàng trai "thật" của họ. Tuy nhiên, do ngày vui nên họ không hề tỏ ra khó chịu mà còn tiến lại gần bắt tay, gửi lời chúc phúc đến gia đình chú rể Trương Dương. Dĩ nhiên, thiệt hại lần này là sự cố mà có lẽ rất nhiều người hôm đó sẽ chẳng thể nào quên.
(Ảnh: Vietnamnet)
Anh Trương Dương chia sẻ với giới truyền thông rằng: "Bình thường, tôi hay đi nhầm đường. Giờ đám cưới cũng đi nhầm nhà thì quá tai hại. Thật may là tôi chưa đón nhầm cô dâu lên xe hoa. Nếu có lần sau, tôi sẽ tra định vị kĩ càng". Tôi thấy chú rể còn khá may mắn vì gặp được gia đình kia dễ tính, không trách phạt gì khi rước dâu nhầm nhà khiến họ chịu thiệt hại. Hơn nữa, gia đình cô dâu "thật" cũng hạnh phúc vì cuối cùng chú rể cũng đến đúng giờ làm lễ.
Đấy, cuộc sống hay xảy ra những điều bất ngờ, không lường trước được. Thay vì cứng nhắc hoặc khó chịu, trách phạt, sao không đối đãi tử tế, bao dung, vui vẻ với nhau, biến họa thành phúc để mọi thứ được nhẹ nhàng, tươi đẹp.
Chuyện đi rước dâu nhầm nhà vô tình khiến tôi nhớ đến những đám cưới vô tình "đụng nhau" trên đường ở Việt Nam. Chẳng hạn, mạng xã hội từng nhiều lần xuất hiện hình ảnh trao đổi hoa cưới của các cặp dâu rể. Khi trên đường đưa/đón dâu mà có đám cưới khác đang di chuyển cùng hoặc ngược chiều thì thay vì đi luôn, họ sẽ ngừng lại để dâu rể chúc mừng nhau và tiến hành đổi hoa cưới cho nhau.
Cặp đôi trao đổi hoa giữa đường. (Ảnh: Vietnamnet)
Theo tôi tìm hiểu, hành động đổi hoa cưới không phải chỉ để cho vui mà còn mang ý nghĩa. Theo quan niệm dân gian ở một số tỉnh miền Bắc thì khi hai đám cưới gặp nhau, việc trao hoa giúp xua đuổi vận xui, giúp tình duyên vợ chồng bền chặt. Chính vì vậy mà hành động trao hoa cưới đa phần diễn ra ở miền Bắc.
Xong rồi họ lên xe, tiếp tục hành trình của mình. (Ảnh: Vietnamnet)
Dưới đây là một số đám cưới vô tình gặp nhau và trao hoa trong sự vui vẻ, hân hoan. Có thể nói, việc trao hoa có xua đuổi vận xui được hay không thì chưa biết nhưng trước mắt thì 2 đám cưới gặp nhau là ít xảy ra, thôi thì cứ chào nhau một chút cũng không tốn bao nhiêu thời gian mà còn vui, có chút dấu ấn tốt đẹp trong ngày trọng đại.
Giống như họ trao cho nhau sự may mắn (Ảnh: Vietnamnet)
Thật ra, quan niệm mỗi vùng miền mỗi khác và không có đúng có sai. Trao hoa cưới cũng chỉ là hình thức thêm phần vui vẻ chứ vợ chồng sống có hợp nhau hay không còn tùy thuộc rất lớn vào 2 người. Dù có trao hoa mà trong quá trình chung sống không biết nhường nhịn, không thành thật với nhau thì sớm muộn cũng "toang".