Chồng sản phụ nhiều lần phản ánh đến lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, yêu cầu giải thích lý do nhưng chưa nhận được trả lời thỏa đáng.
Người phụ nữ chưa từng trải qua sinh nở sẽ không biết rằng, sinh xong đâu hẳn đã xong. Sẽ còn rất nhiều vấn đề sau sinh mà người mẹ phải đối mặt. Bởi vậy các cụ ngày xưa thường bảo rằng, phải luôn cẩn trọng với bà đẻ, nếu không, có cơn hậu sản cũng khó lường. Mới đây, em đọc trên Tuổi Trẻ Online thì có cả chuyện sản phụ sau sinh mổ phát hiện rạn xương sườn, và đọc trên các diễn đàn thì cũng kha khá trường hợp tương tự như vậy đó các mẹ.
Theo nội dung em đọc được từ tuoitre thì chồng chị L.T.T.T. (29 tuổi) là anh Phạm Anh Tuấn trú xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), cho biết đã có đơn gửi các cơ quan chức năng việc vợ mình sinh mổ tại bệnh viện này nhưng sau khi về nhà thì bị gãy xương sườn. Vợ anh vào Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột vào sáng 9/4 và được chỉ định mổ lấy thai trong buổi sáng cùng ngày. Sau khi sinh mổ, vợ anh lưu lại bệnh viện để được chăm sóc, đến ngày 14/4 xuất viện về nhà. Tuy nhiên, sản phụ liên tục kêu đau vùng ngực, gia đình nghĩ là bình thường vì mới mổ nên đau. Mấy hôm sau, chị T. vẫn kêu đau nên người nhà đưa đi siêu âm, chụp phim, phát hiện bị gãy xương sườn số VIII.
Về nhà thì chị T. kêu đau gia đình nghĩ mới mổ nên đau, cho rằng bình thường (Ảnh Tâm An, Tuổi Trẻ Online)
Sau đó anh Tuấn chồng sản phụ T. có báo cho Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột để được giải đáp lý do, chịu trách nhiệm. “Họ nói chở vợ tôi lên để kiểm tra, sau đó hứa sẽ đến nhà thăm hỏi, động viên", anh Tuấn thuật lại. Chờ mãi không thấy bệnh viện xin lỗi, chịu trách nhiệm nên anh đưa câu chuyện lên mạng xã hội. Ngay sau đó nhiều người 'anh em xã hội' ở Buôn Ma Thuột, Cư Kuin gọi nói gỡ bài, bệnh viện sẽ gặp làm việc. Anh Tuấn tạm hạ bài nhưng chờ mãi không thấy nên đăng lại bài viết lên mạng vì quá bức xúc. Sau đó có hai người của bệnh viện thông qua một "anh lớn" gặp anh Tuấn, mời cơm anh.
"Họ nói do bệnh viện mới thành lập, đội ngũ chuyên môn có thể có sai sót. Chưa biết đúng sai cụ thể nhưng bệnh viện sẽ họp, xin ý kiến ban giám đốc, hội đồng quản trị, đưa ra hướng xử lý. Họ đề nghị tôi gỡ bài đăng lần 3, sau lễ 30-4 sẽ giải quyết."
Đến hết lễ mấy ngày, anh Tuấn không thấy ai đến gặp, làm việc như đã hứa nên tối 4/5, anh Tuấn đến bệnh viện yêu cầu gặp lãnh đạo bệnh viện để hỏi trực tiếp vì bị "thất hứa quá nhiều". Nhưng tìm khắp nơi không thấy bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện, hỏi ai cũng bị lảng tránh nên phát trực tiếp sự việc lên mạng.
Chồng sản phụ xác nhận gia đình đã gửi đơn tới cơ quan chức năng đề nghị xử lý trách nhiệm Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột về việc vợ anh bị gãy xương sườn khi sinh mổ tại bệnh viện này (Ảnh VTC)
Đúng là một sự việc mà không ai có thể ngờ đến khi sản phụ sinh mổ lại gặp chuyện không mong muốn. Thương người mẹ sau sinh vừa đau vết mổ, vừa gặp tình huống ngoài mong đợi. Nhiều mẹ trải qua kinh nghiệm sinh mổ lẫn sinh thường đã chia sẻ những trường hợp mà mình gặp phải:
“Em nghĩ mổ gây tê tủy sống. Thì trường hợp gãy cũng hơi lạ nhỉ. Chỉ có đẻ thường ấn bụng trợ giúp cho ra thì có khả năng đó”
“Ấn cũng không thể gãy được, mà tận 2 tuần sau sinh cơ mà. Mình nghĩ không ra luôn đó”
“Em sinh mổ đây, con đầu cao hai bác sĩ hai bên dồn còn ấn từ ngực luôn đó”
“Lúc mổ lấy em bé ra thì đúng là có khó chịu thật, khó thở này nọ. Có thể trong quá trình thao tác hoặc sao đó làm rạn xương sườn. Mà theo em biết á mom, rạn xương sườn nó ko cần điều trị thật, nó tự lành lại thật. Chỉ mong là bệnh viện nói câu xin lỗi cho thoả đáng thôi”
“Có nha các mom, em sinh mổ và cũng bị rạn xương như chị này. 10 ngày sau khi xuất viện, em vào bệnh viện do vết mổ nhiễm trùng, siêu âm vết mổ lại. Mà suốt thời gian đó đau mạn sườn phải nên em có nhờ bác sỹ siêu âm lại phần đó, và được kết luận nứt xương sườn. Đau hơn nửa tháng, nằm, ngồi, đi đứng và chăm sóc bé rất khó khăn. Em chỉ nhận được câu trả lời qua loa rằng sẽ tự lành, không cần điều trị”
“Mình cũng sinh mổ, nhưng nghĩ không ra mổ tận dưới mà rạn xương sườn ta. Mà khi xuất viện là có đi siêu âm và khám tổng quát trước khi về nhà mà.”
“Tui cũng mổ 1 đứa năm 2012 mà nghĩ không ra, sao gãy xương sườn. May mà đợt đó mổ an toàn. Sợ thật!”
Đi sinh mà lại “bonus” thêm việc rạn xương sườn thì cũng đáng lo quá. Mới đây, em đọc trên báo Phụ Nữ TP.HCM thì đại diện bệnh viện cũng lên tiếng. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Buôn Ma Thuột, ngày 9/4 chị T. nhập viện khi đang thai 39 tuần 5 ngày, vết mổ cũ 8 năm. Chiều cùng ngày, chị T. được ê kíp bác sĩ Khoa Phụ sản mổ lấy thai, trong quá trình đó có người nhà bên cạnh. Ngày 14/4, chị T. cùng cháu bé ổn định và được bác sĩ chỉ định xuất viện. Trong suốt thời gian nằm viện, chị T. được các bác sĩ Khoa Phụ sản thăm khám hằng ngày vết mổ, tình trạng sức khỏe, ghi nhận trong bệnh án không có triệu chứng khó thở và đau vùng ngực. Ngày 19/4, bệnh viện nhận được thông tin chị T. bị rạn xương sườn khi đi khám ở phòng khám tư nhân. Ngay khi nhận được thông tin, bệnh viện đã mời bệnh nhân lên bệnh viện để thăm khám và điều trị. Đến ngày 20/4, người nhà sản phụ sinh mổ xong rạn xương đã trực tiếp lên bệnh viện. Giám đốc bệnh viện cho mời bác sĩ điều trị và các bộ phận liên quan cùng gặp gỡ. Ngày 23/4, chị T. cùng người nhà đã lên Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột, suốt quá trình khám, chụp phim, lấy thuốc đều được phòng chăm sóc khách hàng hướng dẫn chi tiết. Toàn bộ chi phí đều được bệnh viện hỗ trợ miễn phí. Sau khi về nhà, bác sĩ điều trị đã gọi điện thăm hỏi tình trạng chị T. 2 lần và được phản hồi tình trạng ổn định.
Cũng theo thông tin em đọc được trên báo Phụ Nữ TP.HCM thì chiều 27/4, người nhà chị T. đăng bài trên trang cá nhân với nội dung bệnh viện không có trách nhiệm hay thăm hỏi tình trạng chị T. Đến tối 4/5, người nhà chị T. không thông báo trước đã trực tiếp tới bệnh viện, quay phim, chụp hình, yêu cầu gặp giám đốc, sự việc này làm hoang mang bệnh nhân đang điều trị và cộng đồng mạng. Khoảng 30 phút sau, ban giám đốc mới có mặt và gặp trực tiếp người nhà chị T.
Trong suốt quá trình theo dõi thông tin vụ việc này thì em có một thắc mắc là sao người nhà cứ đăng lên mạng, rồi lại gỡ bài, rồi lại đăng, lại gỡ…, chả biết có uẩn khúc chi không. Nhưng lướt báo Người Lao Động thì cũng có nguyên cớ của nó. Trước đó, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột nói: "Anh này đến tống t.iền nhưng bên này không chịu". Đồng thời, trên trang cá nhân của bác sĩ Quách Hữu Hợi, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột cũng đăng tải cho rằng chồng sản phụ yêu cầu: "Bệnh viện phải chi tiền và trong một tuần phải có lãnh đạo gọi để đáp ứng… Sau động thái quá đà trên, với tinh thần minh bạch, không thỏa hiệp với các đòi hỏi quá đáng khi chưa rõ nguyên nhân và bảo vệ cán bộ nhân viên đang làm việc tại bệnh viện, bộ phận pháp chế của bệnh viện đang làm việc với cơ quan chức năng về các nội dung sai sự thật và nhờ pháp luật bảo vệ". Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã được gỡ bỏ.
Nói về vấn đề trên, anh Phạm Anh Tuấn chồng sản phụ vô cùng bức xúc cho rằng phía bệnh viện đã đưa ra thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự của gia đình. Khi tiếp nhận thông tin việc bệnh viện tố ngược người nhà, chồng sản phụ, bức xúc nói: "Tôi chả thừa hơi đưa vợ con mình ra làm cái trò đó".
"Lúc vợ tôi nhập viện, hồ sơ bệnh án có lưu số điện thoại, nếu muốn giải quyết vì sao họ không liên hệ mà phải thông qua "anh em xã hội" can thiệp? Có tới 5 lần tôi nhận được điện thoại của những người "có số má" can thiệp gỡ bài, hẹn gặp làm việc, không có lần nào bệnh viện tự giác. Thậm chí, tối 4-5, tôi đã làm việc với lãnh đạo bệnh viện nhưng đến sáng 5-5, phía bệnh viện cũng nhờ một người tại Buôn Ma Thuột hẹn gặp để xin lỗi về việc bệnh viện đăng thông tin tôi làm căng là để tống tiền."
Tối 5/5, ông Hợi, cho biết sau khi làm việc, gặp gỡ và hiểu nhau thì không có chuyện người nhà bệnh nhân tống tiền, đòi tiền bệnh viện. "Thông tin này là hiểu nhầm, đã được đính chính, bác bỏ". Bác sĩ Hợi cho rằng, không thể khẳng định vết thương không liên quan đến ca mổ vì không thể chủ quan. Tuy nhiên, về lý thuyết, việc gãy xương sườn do sinh mổ rất khó xảy ra. Xương sườn số 8 nằm ở vùng ngực. Khi sinh mổ, bác sĩ thường ấn ở vùng dưới chứ không tác động đến vùng ngực. Việc này phải nhờ Sở Y tế kiểm tra, kết luận.
Theo em được biết thì cơ quan chức năng đã vào cuộc. Từ khi chị T. sinh đến nay cũng đã gần một tháng, nhưng vụ việc lằng nhằng như thế này, chưa cần biết đúng sai thế nào, cũng ảnh hưởng đến người mẹ rất nhiều. Ai cũng biết là sau sinh, sản phụ rất cần nghỉ ngơi để sữa mau về, tâm trạng thư thái để chăm con không bị stress. Vậy nhưng chị T. vừa bị cái đau do rạn xương, sinh chưa đầy một tháng đã gặp phải những lấn cấn như vậy thì cũng thương cho người mẹ quá. Mong rằng phía bệnh viện có câu trả lời thỏa đáng cho người nhà yên tâm.
Tổng hợp từ TT, TN, NLĐ…