Người thân, bạn bè mượn xe thật nhiều lúc cũng khó xử lắm bà con à. Mình không cho mượn thì bị bảo là keo kiệt, ích kỷ không biết san sẻ giúp đỡ, nhưng cho họ mượn rồi ai biết được có xảy ra chuyện gì không, nên mỗi lần cho người khác mượn xe em cũng lo lắng lắm ạ.

Trước đó, theo em tìm hiểu thì được biết, việc cho người khác mượn xe mà người này không đủ điều kiện khi lái xe, chẳng hạn như chưa đủ tuổi lái xe, không có giấy phép lái xe hoặc say xỉn khi lái xe lỡ như người ấy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, mình là chủ xe cũng có một phần trách nhiệm.

Căn cứ Điều 264 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, trong trường hợp đấy, chủ xe sẽ phải chịu án phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra, còn phải áp dụng hình thức phạt tiền bổ sung với mức từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Đó là chưa nói đến khoản đền bù thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và vật chất (nếu có) cho nạn nhân và gia đình.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. 

Hiểu được điều đó nên nhỡ có người quen mượn xe, em cũng suy xét đến yếu tố này để hạn chế việc cho mượn, vừa là để an toàn cho họ, vừa tránh gây rắc rối phiền hà cho mình sau này.

Tuy nhiên, nếu người mượn xe không thuộc nhóm không đủ điều kiện lái xe nêu trên, chẳng hạn như có bằng lái xe, không đang trong tình trạng say xỉn... thì mình khó có lý do từ chối. Và lúc này nhỡ họ vi phạm giao thông và cảnh sát gửi biên bản phạt nguội về nhà thì bà con sẽ làm sao? Em đoán là ít ai biết cách giải quyết như thế nào cho thỏa đáng lắm. Đây này, để em trình bày cho bà con rõ nhé rồi gặp tình huống này cứ thế mà giải quyết nhé. 

Về nguyên tắc, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đề cập, trường hợp vi phạm giao thông được phát hiện qua camera mà cơ quan chức năng chưa thể dừng ngay được để xử lý thì họ sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ xe đến trụ sở giải quyết.

Nhận được thông báo này, chủ xe dù không phải là người trực tiếp điều khiển xe cũng có trách nhiệm phải đến trụ sở để cùng hợp tác với cơ quan chức năng xác định người lái xe vi phạm và giải quyết.

Biên bản phạt nguội bao gồm hình ảnh trích xuất từ camera và thời gian vi phạm. Do đó, nếu chủ xe không phải là người trực tiếp lái xe vào thời điểm đó thì cần có bằng chứng để chứng minh thời gian đó mình đã cho mượn hoặc cho thuê xe... chẳng hạn như hình ảnh, tin nhắn mượn xe hoặc hợp đồng cho thuê hoặc tài liệu khác để chứng minh đã cho mượn, thuê xe.

Dựa trên bằng chứng này, cơ quan chức năng sẽ có thông báo đến người mượn xe để cùng đến trụ sở xử lý. Trong trường hợp xác định rõ người mượn xe đã lái và vi phạm sẽ tiến hành yều cầu người này nộp phạt tương ứng với lỗi gây ra.

Ngược lại, nếu chủ xe không chứng minh được việc cho mượn xe vào thời điểm đó hoặc không chịu hợp tác để phối hợp điều tra, cố ý bao che hành vi hoặc không giải trình rõ được vấn đề thì toàn bộ trách nhiệm sẽ thuộc về chủ xe. Chủ xe có trách nhiệm nộp phạt thay số tiền tương ứng với lỗi mà người mượn xe đã gây ra theo đúng quy định của pháp luật. 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đề cập rõ mức phạt mà Nghị định quy định là mức phạt dành cho cá nhân, do đó, trong trường hợp chủ xe là tổ chức thì sẽ áp dụng mức phạt gấp đôi với mức quy định.

Bởi thế mới nói, cho mượn xe dù ở trong trường hợp nào cũng gây ra không ít rắc rối, phiền phức cho chủ xe. Thực tế có muôn hình vạn trạng điều xảy ra mà khó ở chỗ có trường hợp mình có thể từ chối được, nhưng cũng có trường hợp không thể từ chối được. Nên thôi cứ vận dụng những gì mình đã hiểu biết để xử trí, nếu khó quá thì cũng tìm cách dự phòng xử lý tình huống không may (nếu có) nha.

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Luật VN và báo Thanh Niên. 

Biết chủ xe là người có thể sẽ phải đối diện với rắc rối, phiền hà nếu không may người lái xe vi phạm giao thông, vì lẽ đó nếu bà con là người mượn thì nên chú ý đi cẩn thận, chấp hành đúng luật lệ giao thông, vừa là để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đi cùng trên xe, vừa là để tránh gây rắc rối cho mình và chủ xe.

Trên đây là chia sẻ về cách xử lý khi không may bà con gặp tình huống cho người khác mượn xe và sau đó nhận về biên bản phạt nguội do lỗi từ phía người mượn xe. Em hy vọng với những chia sẻ này sẽ giúp bà con đỡ lúng túng và biết cách giải quyết thấu đáo trong trường hợp gặp tình huống rắc rối như thế này. Chúc bà con lái xe an toàn nhé!