Nhiều người nghĩ rằng nên cho trẻ học trước bài ở nhà, thậm chí học trước khi vào năm học mới như vậy con mới nhanh và giỏi hơn các bé khác.
Cha mẹ hay tranh thủ lúc con nghỉ hè dạy trước cho con bài vở của năm học tới, như vậy khi con đi học đã biết làm bài, hiểu bài, học sẽ nhanh và giỏi hơn các bạn cùng lớp, kỳ nghỉ hè của con cũng không trôi qua vô ích. Tuy nhiên với những cha mẹ nhìn xa trông rộng, họ thường không dạy con trước kiến thức của năm sau, nguyên nhân thì mọi người xem nhé.
Hiệu ứng lớp 3 khi dạy con học trước kiến thức năm học mới
Cụm từ “tiền tiểu học” chắc quá quen với các mẹ rồi, là một bước chuẩn bị cho các con chuyển từ mẫu giáo sang học tiểu học, làm quen với viết, đọc, đếm số, và cách học trước khi con vào tiểu học. Việc để con học tiền tiểu học là vì sợ con vào sẽ theo không kịp các bạn, không kịp với bài giảng trên lớp của cô, sợ con điểm kém, sợ mất căn bản…
Ảnh: aiziw
Chưa dừng lại ở đó, khi con chuẩn bị lên lớp 2, lớp 3, cha mẹ vẫn tranh thủ kỳ nghỉ hè để dạy trước cho con kiến thức năm sau. Tuy nhiên, đôi khi sự cố gắng của cha mẹ không thu lại được hiệu quả như mong muốn. Như chuyện của một phụ huynh dạy con biết chữ, học vần, đọc rành rọt trước khi vào lớp 1, sau đó cả lớp 1, lớp 2 điểm số con rất tốt. Nhưng lên lớp 3 học kém hẳn đi.
Cô giáo nhắn tin báo phụ huynh là bé vào lớp rất hay mất tập trung, chẳng chịu nghe cô giảng, làm bài thì qua loa, cẩu thả, càng ngày càng chán học, hỏi sao con không làm bài thì bé bảo mấy cái này con làm qua hết rồi. Tất cả là do hè cha mẹ đã dạy trước hết, vào lớp con học lại một lần nữa nên đâm ra chán.
Đây gọi là “hiệu ứng lớp 3”, khi mà lớp 1 và lớp 2 trẻ tiếp thu như nhau, lớp 3 phần hóa và lớp 4, 5 chênh lệch. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do các em học trước kiến thức và bỏ qua bài giảng của cô giáo. Các bậc phụ huynh vì quá chú trọng vào điểm số, không nhìn ra vấn đề ngay từ lớp 1, lớp 2, bỏ qua việc xây dựng thói quen học tập của con, chỉ chăm chăm cầm đèn chạy trước ô tô.
Ảnh: mamaclub
Do đó, việc để con học trước kiến thức của năm học mới không cần thiết. Thay vào đó những bậc phụ huynh nhìn xa trông rộng sẽ phát triển kỹ năng, khả năng tập trung cũng như rèn thói quen học tập nghiêm túc cho con.
Cải thiện khả năng tập trung và thói quen học tập cho con
1. Tạo không khí học tập
Để cải thiện khả năng tập trung học tập của trẻ cần giảm tác động của các yếu tố gây mất tập trung xung quanh và duy trì một môi trường học tập nhất quán. Bàn học, chỗ học tập của con cần được đặt cố định, xung quanh chỗ con học chỉ nên có dụng cụ học tập, sách vở, không để những thứ linh tinh, đồng thời đảm bảo đủ ánh sáng, yên tĩnh cho con học.
Ảnh: UC
2. Trau dồi kỹ năng quan sát cho trẻ
Kỹ năng quan sát và ghi nhớ giúp ích rất nhiều trong việc luyện khả năng tập trung cho con, đồng thời rất tốt cho việc học. Ví dụ mẹ có thể đặt những câu hỏi đơn giản như hôm nay nhà mình đã ăn những món gì, bố đi làm mặc áo màu gì, nhà bên cạnh có đặc điểm gì… đều sẽ kích thích trí tò mò, óc quan sát và khả năng tập trung ghi nhớ cho con.
3. Chọn nội dung học, ôn luyện phù hợp với con
Đối với một đứa trẻ, khi nội dung trẻ muốn học quá đơn giản hoặc quá phức tạp, nó sẽ làm giảm sự tập trung học tập của trẻ ở một mức độ nhất định, vì vậy cha mẹ phải chọn những nội dung phù hợp cho con. Đừng tùy tiện ép con học bài mới hoặc làm bài tập nâng cao sẽ chỉ khiến con nhanh chán nản.
Bên cạnh đó cần cho con có thời gian chơi vui vẻ đúng lứa tuổi. Trẻ con dưới 8 tuổi thường chỉ tập trung được không quá 13 phút, do đó mẹ có ép con học lâu hơn thì chẳng đi vào đầu nổi. Bên cạnh đó, mùa hè là mùa để con thư giãn chứ không phải học tăng cường, nếu muốn mẹ có thể cho con ôn bài cũ, đừng lôi hết kiến thức năm học mới ra bắt con học trước.