Mẹ phải biết cho con bú đúng cách, bởi nếu sai có thể khiến con sặc sữa, nặng có thể nguy hiểm tính mạng.

Một trong những thông tin quan trọng mẹ cần tìm hiểu trước khi sinh đó là cho con bú đúng cách. Việc mẹ cho con bú đúng, bú đủ quyết định đến sự phát triển và lớn khôn của trẻ sơ sinh. Đặc biệt, những mẹ lần đầu sinh con nhất định phải biết cách cho con bú. Để đảm bảo con không bị sặc, tránh hậu quả khôn lường ảnh hưởng tính mạng con.

Hướng dẫn tư thế cho con bú đúng cách

Tùy theo thể trạng, thói quen bú của con và sức khỏe của mẹ mà có những tư thế cho con bú sữa mẹ khác nhau. Thường sẽ có 3 kiểu cơ bản khi cho con bú là tư thế ngồi, nằm và cho bú song sinh.

1. Tư thế ngồi cho con bú đúng cách

Tư thế cho con bú đúng cách theo kiểu mẹ ngồi rất phổ biến. Dễ nhất là mẹ bế bé nằm ôm vào lòng, 2 tay tạo thành vòng cung chắc chắn nâng đỡ con. Mẹ cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía đỡ bé làm trụ nâng chính.

cho con bú đúng cách

Tư thế cho con bú đúng cách theo kiểu mẹ ngồi rất phổ biến

Khi cho con bú theo kiểu ngồi, mẹ phải bảo đảm 3 điểm đầu, lưng, mông nằm trên đường thẳng. Nghĩa là không để con nằm co người hay cụp đốt sống. Nên cho bé nằm nghiêng, đối diện với bầu ngực mẹ. Bụng con chạm bụng mẹ, mặt con chạm ngực mẹ.

Lưu ý:

Để tránh bị mỏi, mẹ nên chọn chỗ ngồi cho con bú vững chắc, thoải mái, có điểm tựa vì thường một lần bú có thể kéo dài đến 30 phút. Nơi cho con bú thoải mái thường là trên giường, ghế ngồi có tựa.

Về tư thế ôm bé thì mẹ có thể chọn tư thế sao mẹ thấy thoải mái nhất, miễn đảm bảo đầu, lưng, mông của con thẳng. Cần chú ý để con nằm nghiêng quay về phía mẹ cả người.

Sai lầm các mẹ dễ gặp phải là cho con cả người nằm ngửa rồi, chỉ để mỗi đầu của con nghiêng vào trong để bú. Một là con thấy không thoải mái, hai là ảnh hưởng đến cổ của con.

2. Tư thế nằm cho con bú

Tư thế cho con bú đúng cách thứ hai là nằm cho con bú. Cách này thường dùng cho các mẹ vẫn chưa hồi sức sau sinh. Hoặc mẹ đang mệt mỏi, buổi tối khi đang ngủ, mẹ cũng có thể nằm cho con bú.

mẹ cần cho con bú đúng cách

Tư thế cho con bú đúng cách thứ hai là nằm cho con bú

Tuy nhiên, mẹ phải nhớ, nằm cho con bú cần chú ý để đầu con cao hơn thân người. Tránh con bị trào ngược khi bú sữa. Lúc bú cũng cần chú ý dùng tay nâng đỡ bầu vú để tránh chèn mũi con hoặc dòng chảy quá mạnh khiến con sặc.

3. Tư thế cho bú song sinh

Với những mẹ sinh song thai thì thay vì cho từng bé bú lần lượt có thể áp dụng cách bú song sinh. Để cho hai bú cùng lúc, mẹ thực hiện như sau:

cách cho con bú đúng

Với những mẹ có song thai thì thay vì cho từng bé bú lần lượt có thể áp dụng cách bú song sinh

  • Mẹ đặt 2 bé song song hai bên hông của mẹ, phần đầu hướng về trước, mặt áp vào đầu ngực mẹ. Hai chân của hai con để hướng về phía sau lưng mẹ.
  • Mẹ dùng gối hoặc khăn lót để hỗ trợ nâng đỡ các bé cho mẹ đỡ mỏi tay. Tuy nhiên, mẹ không được để các con nằm hoàn toàn dưới gối vì con không thể bú được hoặc rất dễ bị sặc.
  • Đưa đầu vú vào lần lượt cho từng bé, bên này bắt đầu bú ổn định thì đến lượt bé còn lại. Thứ tự nên bắt đầu từ bé bú yếu trước rồi mới đến bé bú mạnh hơn.
  • Mẹ có thể thay đổi qua lại 2 bé để sữa tiết ra đều nhau, tránh bị lệch đầu vú và bảo vệ mắt con được hoạt động cân đối, không bị nghiêng lệch.
  • Việc mẹ cho hai bé bú cùng lúc sẽ tận dụng không lãng phí sữa mẹ. Nếu chỉ có một bé bú, bên kia cũng chảy sữa, bỏ đi rất phí.
  • Tuy nhiên, nếu mẹ không quen 2 tay đỡ đầu 2 con cho bú thì thời điểm lúc đầu mẹ có thể chọn cách dùng máy hút sữa bỏ bình cho con bú.

>>> Có thể bạn quan tâm: Mẹ nào muốn nhiều sữa cho con bú, hãy làm theo ngay 7 điều dưới đây nhé

Kỹ thuật cần biết khi cho con bú

1. Nhận biết tín hiệu khi con đói sữa

Để cho con bú đúng cách mẹ cần nhận biết khi nào con đói và cần được bú. Vì nếu đợi đến khi con khóc mới cho bú thì sẽ làm con khó ngậm bắt vú đúng. Con cáu gắt và bú không no, không ngoan, hoặc có thể bị sặc khi bú đột ngột trong lúc đang quấy khóc.

cho con bú đúng cách chống sặc

Để cho con bú đúng cách mẹ cần nhận biết khi nào con đói và cần được bú

Muốn biết khi nào con đói và cần bú cũng rất đơn giản. Khi con muốn bú sẽ có những hành động rất dễ nhận biết. Thường thấy nhất là mút tay, chép miệng, há miệng, quay đầu xung quanh tìm kiếm. Ngoài ra con có thể đưa lưỡi ra như lúc đang bú, xoay quanh không chịu nằm yên.

Khi mẹ dùng tay hay có gì đó chạm vào má, con sẽ ngay lập tức quay về hướng đó. Đây là phản xạ tìm kiếm vú mẹ, chứng tỏ con đang sẵn sàng được cho bú. Lúc này mẹ cần cho con bú kịp lúc, đừng để đến khi con quá đói và khóc.

2. Nhận biết cách ngậm bắt vú đúng

Bên cạnh tư thế cho con bú đúng cách thì để con ngậm vú đúng cũng rất quan trọng. Không chỉ giúp con bú được thoải mái, no nê mà khi con ngậm vú đúng sẽ kích sữa ra nhiều hơn.

Các dấu hiệu cho thấy con đang ngậm bắt vú đúng:

  • Con ngậm sâu quầng vú và mô phía dưới nhiều hơn, miệng con mở rộng. Lúc này các ống dẫn sữa lớn nằm ở dưới nên con sẽ bắt được sữa nhiều.
  • Cằm con chạm vào vú mẹ, môi dưới hướng ra ngoài, lưỡi của con chìa ra ngoài ngay phía dưới núm vú.
  • Khi con ngậm bắt vú đúng, miệng và lưỡi không cọ xát vào da núm vú, mẹ sẽ không bị đau rát khi cho con bú.

Các dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú sai:

  • Miệng bé không mở rộng, con bú nhưng vẫn mím môi.
  • Lưỡi bé không thè ra mà vẫn ở bên trong nướu, các ống sữa phía dưới không được ép.
  • Con bú trong tình trạng cáu gắt, khó chịu, ngắt quãng vì lúc này con ngậm sai nên sữa có thể về không đủ.
  • Con không ngậm bắt vú đúng có thể gây đau núm vú của mẹ. Sữa có thể khong được bú hết nên gây cương tức vú, tắc tia sữa, giảm sữa. Con bị còi cọc, chậm lớn do không được bú đủ sữa mẹ.

3. Thời gian cho trẻ bú

Lời khuyên là mẹ nên hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Nếu có điều kiện, nên cho con bú tiếp đến 24 tháng dù con đã ăn dặm. Nên cho con bú theo nhu cầu, bú thường xuyên từ ngày đến đêm.

cho con bú trực tiếp đúng cách

Mẹ nên hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời

Thường trẻ sơ sinh cần bú từ 8 – 12 lần/ngày. Do kích cỡ dạ dày con lúc này còn nhỏ, lượng trữ sữa ít nên cần bú nhiều lần. Trẻ mới sinh 1, 2 ngày, thể tích dạ dày tầm bằng quả nhỏ, chứa khoảng 7ml. Sau 3, 4 ngày thi bằng quả chanh, chứa từ 22 – 27ml, sau 10 ngày thì bằng quả trứng gà chứa được 60 – 80ml.

Trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần/ngày là dấu hiệu trẻ bú mẹ đủ, nếu thiếu cần cho con bú thêm. Hoặc nếu chỉ khoảng nửa tiếng đến 1,5 tiếng con đã đòi bú thì chứng tỏ con bú chưa đủ no, chưa đúng cách.

Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để con được bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối nhiều dinh dưỡng. Cho con bú càng nhiều thì mẹ càng tiết được nhiều sữa.

Khi con ốm, nên cho con bú tích cực hơn và bú nhiều hơn. Nhất là khi con bị những triệu chứng gây mất chất, mất nước như tiêu chảy, nôn trớ, sốt.

4. Cách điều chỉnh đầu vú khi cho trẻ bú

Bên cạnh việc cho con bú đúng cách, ngậm bắt vú đúng thì mẹ cũng cần biết cách điều chỉnh đầu vú để hỗ trợ con bú được nhiều sữa. Cách điều chỉnh đầu vú rất đơn giản.

Mẹ đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú, cho ngón trở nâng vú, ngón cái đặt phía trên vú. Lưu ý là chỉ nên đặt nhẹ nhàng chứ không tạo gọng kìm sẽ chặn dòng sữa. Các ngón tay cũng không nên để gần núm vú.

Sặc sữa, nôn trớ sữa đối với trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, nếu chẳng may đi tràn qua phổi hoặc chặn ống thở có thể khiến trẻ mất mạng. Do đó, việc mẹ cho con bú đúng cách vô cùng quan trọng. Tưởng cho bú rất đơn giản nhưng nếu không biết, mẹ có thể khiến con gặp nguy.

Xem thêm bài nguồn tại:

https://www.parents.com/baby/breastfeeding/basics/nursing-101-all-about-breastfeeding

https://www.medela.com/breastfeeding/mums-journey/breastfeeding-latch

https://wicbreastfeeding.fns.usda.gov/steps-and-signs-good-latch

Xem thêm bài viết liên quan:

Mẹ cho con bú nhớ kỹ thực phẩm nên và không nên ăn để giữ sữa cho con

11 lợi ích vàng nuôi con bằng sữa mẹ chưa chắc mẹ 2 lứa đã biết hết

11 cách để sữa mẹ về nhiều lại thơm đặc, con tăng cân chóng lớn