Nhớ lại câu trong đám cưới mẹ dặn “Sau này có chuyện gì cứ chạy về với mẹ”, chị không chút chần chừ ôm con về nhà mẹ ruột. Nhưng thời gian thật đã đổi thay ít nhiều.
Làm việc ở văn phòng, bữa cơm trưa cũng nghe được ty tỷ chuyện chị em kể nhau nghe. Đôi khi toàn những chuyện cười ra nước mắt của tụi nhỏ nhưng cũng có lúc phải lặng đi vì chuyện trong gia đình.
Hôm qua mình nghe được câu chuyện cháu nội, cháu ngoại của chị mà lòng trĩu buồn theo.
Ảnh minh họa
Chị và chồng ly hôn đã gần 2 năm nay. Hai đứa con, chị cứ nằng nặc đòi giữ bên mình nên chồng chị theo thỏa thuận ly hôn để cho chị nuôi dưỡng cả. Hàng tháng anh cũng gởi phụ cấp nhưng không thấm vào đâu so với đồng chi của 3 mẹ con. Sống ở ngoài một thời gian, mẹ đơn thân đã thấm cảnh khó khăn trăm bề đổ đầu. Con đau con ốm cũng chỉ một mình xoay xở. Điện, nước trong nhà hỏng hóc cũng không biết nhờ vả ai. Vừa làm đàn ông, vừa làm đàn bà. Vừa là cha, cũng vừa là mẹ. Cứ thế những ngày không chồng nặng nề trôi qua với bao việc một mình chị phải gánh. Lắm lúc đêm khuya nằm xuống, nước mắt từ đâu cứ tuôn như thể muốn ngưng cũng không ngưng được.
Nhưng có lẽ phụ nữ có con bị dồn vào đường cùng lại càng trở nên cứng cỏi và rắn rỏi. Mỗi ngày trôi qua, chị học cách chấp nhận mọi thứ, kể cả những thứ khó nhằn nhất. Cái gì không làm được thì tạm thời bỏ qua, hôm sau lại "nắm đầu" nó và làm lại. Một, hai lần không được thì thử ba, bốn lần, rồi cũng đến lúc chị học tất cả, làm được hết mọi việc trong ngoài.
Ấy vậy mà, đùng cái công ty tụi mình gặp khó khăn. Nguồn thu nhập chính trên bờ lung lay. Từ giữa năm ngoái đến nay, công ty cắt giảm nhân sự liên tục, ít cũng phải 5-6 bận gì rồi. Tụi mình trụ lại vì thâm niên nhiều năm, công ty muốn sa thải cũng phải thỏa thuận đền bù. Những ngày tháng đi làm công tới đây chỉ biết tính theo tháng.Tình hình công việc khó khăn, ai trong công ty cũng không vui vẻ gì, chị cũng ủ dột theo.
3 tháng trước, nhân một lúc nghĩ ngợi, nhớ lại câu trong đám cưới mẹ dặn “Sau này có chuyện gì cứ chạy về với mẹ”, chị không chút chần chừ ôm con về nhà mẹ ruột. Nhưng thời gian thật đã thay đổi ít nhiều.
Ảnh minh họa
Khi chị theo chồng ra ngoài sống, ở nhà, ông bà đón liên tiếp 2 đứa cháu nội. Nhà cửa đông vui hơn nhưng khi chị mang theo hai con về sống cùng, căn nhà nhỏ cũng trở nên chật chội hơn và nhiều chuyện không mấy vui cũng dần đến.
Chị kể có những hôm cháu chị khóc dưới nhà, mấy đứa con chị từ trên lầu chạy xuống dỗ thì bị ông hiểu lầm là quánh em nên quay ra mắng cho một trận.
Một lần khác, con chị mang lego từ trên phòng xuống nhà chơi, cháu chị chạy lại chơi cùng, thế là nguyên sọt lego to đùng gom góp từ bao nhiêu cái sinh nhật bị ông mang vứt hết vào kho, cấm không cho chơi nữa.
Có một nguyên tắc mà hai con của chị buộc phải nhớ khi sống cùng ông bà ngoại là phải luôn nhường nhịn các em trong mọi việc, nếu không hoặc sẽ bị mắng hoặc sẽ bị ông bà giận. Mà ông bà giận thì trong mắt tụi nhỏ nghĩa là có chuyện to xảy ra.
Chị đi làm cả ngày, chỉ về với con buổi tối. Hôm nào nghe con kể chuyện nhà, chị cũng bấm bụng “thôi thì một sự nhịn, chín sự lành” hoặc "tiên trách kỷ hậu trách nhân, con dại cái mang" rồi cho qua. Nhưng làm sao không tủi cho được khi thấy con mình luôn phải nhìn thái độ của mấy đứa em họ mà sống, phải nhún nhường như những con cún ngoan, biết nghe lời răm rắp???
Lần gần đây nhất, cháu gái chị lên phòng của con chị, lấy đồ chơi và mang xuống phòng. Vì đòi lại không được, con trai chị đã "chát" một cái vào bắp tay nó. Con bé khóc vang hết cả nhà rồi chạy xuống bếp mách ông. Nhìn thấy cháu đỏ ửng bắp tay, ông nổi giận, chạy thẳng lên nhà, phét liên tiếp mấy cái vào mông thằng cháu ngoại. Vừa phét, ông vừa nói: “Học thói thằng cha m. phải không. Nòi giống đó không trật đi đâu hết, nói đâu có sai.”
Ảnh minh họa
Lời này chị nghe được là qua lời kể của con gái. Con bé vừa khóc vừa kể chuyện em trai bị ông ngoại cho ăn đòn. Chị rớt nước mắt, ôm hai con vào lòng, không biết nên trách mình hay trách ai, cũng không biết có nên làm liều, lại dọn ra ngoài ở không.
Dỗ các con ngủ xong, chị xuống dưới nhà pha mì lót dạ vì chưa kịp ăn gì. Khi chị ở sau cửa nhà vệ sinh của gian bếp thì ông bà cũng có mặt ở ngoài. Họ ngồi đó và nói về chuyện lúc chiều. Ông lặp lại câu nói như con gái chị đã kể và lúc này bà còn mớm thêm: “Cháu nội cháu mình, cháu ngoại cháu người ta. Hai đứa nó kiểu gì mà không mang máu cha nó. Nói ra con mình nó buồn nhưng sự thật là vậy, không tránh đi đâu được.”
Những lời chị không muốn nghe nhất đã phải nghe. Tai chị ù đi, mặt phừng phừng như có luồng máu nóng chạy loạn xạ khắp cơ thể. Chị run rẩy bấu tay vào người, rớt nước mắt, cố đợi cho ông bà nói xong câu chuyện và trở vào phòng mới chịu rời khỏi cánh cửa.
Đêm đó, trong phòng riêng, chị khóc đầm đìa đến sưng cả mắt.
Hôm sau, chị nghỉ phép, cùng các con thu dọn quần áo và xin phép ông bà được ra ngoài ở trọ với lý do đã tìm được chỗ gần công ty, đi lại thuận tiện hơn.
Chị gởi con bên chồng ít hôm, còn mình ở nhà một chị bạn thân rồi đi tìm chỗ trọ mới. Chị cứ đi mà không cần biết ngày mai thế nào, chỉ biết rằng có đi thì con chị mới không chịu tổn thương thêm nữa.
Những tưởng khi con gái gãy gánh hôn nhân thì cứ vậy đường đường chính chính đưa con về nhà ngoại, nép bên mẹ, dựa bên cha để được vỗ về nhưng người lớn trong nhà lại không thoát nổi suy nghĩ phải rạch ròi dòng máu ruột rà.
Chị hiểu bố mẹ sẽ đoán được vì sao chị phải đi và sẽ buồn vì điều đó bởi họ có lẽ họ vẫn thương yêu chị nhưng ông bà ngoại không thể đón nhận dòng máu chảy trong cơ thể các con chị mà chị thì không thể nào chấp nhận con mình phải chịu sự phân biệt đối xử ngay trong chính ngôi nhà mình từng lớn khôn.
Suy cho cùng, nước mắt luôn chảy xuôi!!!