Hai công việc đều là niềm đam mê của chàng trai này, đồng thời đem đến cho anh nguồn thu nhập ổn định khi làm việc tại xứ người.

hình ảnh


Ảnh: Thanh Niên

Cuộc sống vốn dĩ rất vô thường, chúng ta không thể biết được điều gì đang chờ đón mình ở phía trước: Hôm nay giàu, ngày mai có thể nghèo, hiện tại đang hạnh phúc nhưng khó khăn thử thách cũng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Thế nên, thay vì chọn cách "an toàn" gắn bó với công việc chuyên môn thì hãy để bản thân mình thử sức ở nhiều công việc, vị trí khác nhau. Biết đâu, cơ duyên với một công việc mới sẽ mang đến cho mọi người những cơ hội hấp dẫn trong tương lai. Như câu chuyện của anh Lê Hoàng Trung (còn gọi là Lee Trung, 36 tuổi, ngụ TP.HCM) mà tôi có dịp đọc được trên trang Thanh Niên dưới đây là một ví dụ.

Theo thông tin anh Trung chia sẻ thì được biết, hiện tại anh là kỹ sư phần mềm máy tính đang làm việc tại Tokyo (Nhật Bản), đồng thời cũng là chủ nhân của thương hiệu giày da thủ công Ichigo Ichie Shoemaker do anh sáng lập. Chia sẻ về cơ duyên đến với công việc tay trái này, anh tâm sự: “Tôi được bạn thân giới thiệu đến đóng giày bespoke (dựa theo số đo và sở thích cá nhân) tại một xưởng của shoemaker nổi tiếng Nhật Bản. Tại đây tôi được chiêm ngưỡng những đôi giày tuyệt đẹp đứng top đầu thế giới từ đó tôi tò mò hơn về chi tiết và quyết định tìm hiểu qua mạng, mua thêm sách về nghiên cứu và tôi cảm thấy đam mê nên quyết định theo nghệ nhân học nghề.

Tôi yêu công việc thủ công vì tôi cảm thấy nó thú vị, từ đó tôi quyết định theo nghề này như một cơ duyên. Hoặc cũng có lẽ kiếp trước tôi là thợ đóng giày”, anh Trung hài hước chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với công việc thợ đóng giày.

hình ảnhAnh Lê Hoàng Trung ban ngày là kỹ sư IT, tối đến lại làm thợ đóng giày thủ công (Ảnh: Thanh Niên)

Được biết, vì công việc chính vẫn là kỹ sư phần mềm máy tính nên anh chỉ có thời gian buổi tối và cuối tuần dành cho công việc đóng giày. Theo như thông tin tôi tìm hiểu được thì vốn dĩ đây là một công việc khó, đòi hỏi sự khéo léo rất cao từ thợ làm giày. Và với một kỹ sư công nghệ thông tin "tay ngang" như anh Trung thì lại không phải dễ. “Phải nói đây là một môn rất khó, không phải ai theo học đều có đủ kiên nhẫn để đi đến cùng. Để làm được thành phẩm một đôi giày handmade đúng nghĩa phải trải qua hơn 200 - 300 công đoạn nhỏ và thật tỉ mỉ mới đạt được chất lượng cao nhất", anh kỹ sư trẻ cho hay.

Hiện tại, sau hơn 5 năm theo học và tự luyện tập thêm về công việc tỉ mỉ này, thương hiệu giày của anh Trung đã được nhiều người biết đến và yêu thích. Anh tâm sự: "Một đôi giày hoàn toàn thủ công từ công đoạn lấy yêu cầu của khách đến lúc hoàn thiện và giao mất khoảng 6 tháng. Hiện tại cũng như những shoemaker và nghệ nhân khác ở Nhật, tôi mở xưởng tại nhà và làm tất cả các công đoạn thủ công từ lấy yêu cầu khách hàng, thiết kế, cắt rập, đóng giày đến hoàn thiện. Nhưng số lượng đơn hàng ngày càng lớn và có khách phải đợi 3 - 5 năm trong danh sách đặt hàng”.

Đọc đến đây chắc hẳn nhiều độc giả sẽ thắc mắc rằng, đôi giày này có gì đặc biệt mà khách hàng phải kiên nhẫn chờ đợi trong khoảng thời gian lâu đến thế đúng không? Đáp lại vấn đề này, anh Trung có lý giải là: “Sở dĩ họ kiên nhẫn chờ vì mỗi đôi giày mình làm ra đều thể hiện được cá tính riêng của họ và theo số đo chân nên đôi giày chỉ dành riêng cho họ, hay còn gọi là tính cá nhân hóa. Mỗi đôi giày là một tác phẩm, mỗi nghệ nhân sẽ có những nét riêng trên đôi giày họ làm ra nên rất khó có sự trùng lặp giữa các đôi giày được đặt riêng này. Và dĩ nhiên những đôi giày thủ công sẽ rất bền, có những đôi giày thủ công được nghệ nhân làm cách đây hàng trăm năm vẫn còn rất tốt và tồn tại đến hiện nay...".

Chuyện làm song song cả hai việc cùng lúc, đặc biệt là ở cả hai đều đòi hỏi sự chuyên môn và nỗ lực cao vốn dĩ là câu chuyện không mới ở nhiều người trẻ hiện nay. Tuy nhiên, phải nói rằng tôi luôn dành sự hâm mộ rất cao cho những nhân vật này. Như cách đây không lâu, tôi cũng từng chia sẻ với độc giả câu chuyện của chị Lê Thị Ngọc (sinh năm 1993) - một cô gái trẻ dù chưa từng có kinh nghiệm làm bánh nhưng ban ngày vẫn duy trì công việc chuyên môn chính ở ngân hàng. Tối về lại chăm chỉ bên bếp bánh chuối nướng bán ra thị trường. Nhờ mạnh dạn theo đuổi đam mê, duy trì với công việc tay trái này mà 9X hiện tại đã trở thành bà chủ của một tiệm bánh với hai chi nhánh ở TP.HCM. Doanh thu mỗi tháng kiếm được khoảng 100-150 triệu đồng.

hình ảnh

Chị Lê Thị Ngọc ngày làm ngân hàng tối bán bánh chuối nướng kiếm 100 triệu/ tháng (Ảnh: Infonet)

Đúng thật là thành công chỉ xuất phát từ đam mê nhưng cũng cần phải kiên nhẫn và có đủ nghị lực, mọi người nhỉ? Đặc biệt đằng sau câu chuyện khởi nghiệp của anh Trung hay chị Ngọc trên đây thì tôi nhận ra một điều thế này, có những việc không thử thì sẽ không bao giờ biết mình làm được và quan trọng là, không nên ngại ngần quá khi bắt đầu một lĩnh vực mới.