Chuyện xảy ra khiến không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng. Đặc biệt là người bố vì quá giận mà quyết từ mặt con trai.
Du học không chỉ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ mà còn là của nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí tôi thấy trong thời buổi hiện nay, nhiều cô cậu dù chẳng tha thiết gì cũng bị bố mẹ bắt đi. Vì mong muốn đổi đời, vì sĩ diện... của gia đình, nhiều du học sinh ra nước ngoài rơi vào hoàn cảnh "du nhưng không học", đốt cả đống tiền vào để đi nhưng kết quả lại chẳng đi đến đâu. Như mới đây tôi có đọc được câu chuyện này trên trang BEATVN, của một gia đình cũng có con đi du học nhưng nửa chừng thanh niên bỏ về trong sự "ngỡ ngàng" của gia đình. Dù trước đó họ đã tốn một khoản không nhỏ, đặt mọi kỳ vọng vào con trai với mong muốn con sẽ kiếm được nhiều tiền trong tương lai.
Cụ thể thì câu chuyện được kể lại theo lời của chị vợ, rằng hai vợ chồng nhà này có hai đứa con, một trai một gái. "Vợ chồng tôi đặt nhiều kì vọng vào con trai lớn và ấp ủ tương lai cho con từ bé sẽ theo học máy tính, bởi chúng tôi quan niệm nghề này thời nào cũng thiếu.
Thế nhưng không được chăm chỉ như em gái, cháu lớn học hành không đến nơi đến chốn, lúc con chuẩn bị vào đại học chúng tôi quyết định cho con đi du học, chồng tôi bảo có khi cách dạy tại Việt Nam chưa ổn, sang nước ngoài lại học được và về kiếm tiền tỷ thì sao", chị vợ tâm sự.
Thế là sau khi tìm hiểu, gia đình này quyết định cho con trai đi học chuyên ngành khoa học máy tính tại một trường danh tiếng ở Mỹ. Vì là trường có tiếng nên học phí vô cùng đắt đỏ, hai vợ chồng phải bán luôn căn nhà được 8 tỷ để cho con đi học cùng mong muốn con ra trường với bằng giỏi, về quê nhà kiếm được nhiều tiền. Được biết trong 2 năm dịch, chàng trai này không thể về quê thăm nhà rồi lần nào gọi về cho gia đình cũng rưng rưng nước mắt bảo nhớ nhà, áp lực rồi muốn bỏ về. Gia đình sau nhiều lần động viên, an ủi nhưng rồi sau 2 năm học hành nơi xứ người, thanh niên này vẫn quyết định bỏ về nước. Học phí và sinh hoạt suốt thời gian qua là gần 3 tỷ coi như "đổ sông đổ biển".
Ảnh minh họa: m.thepaper.cn & 699pic.com
Hiện tại thì cậu con trai này đang làm xe ôm công nghệ. Công việc tuy hơi vất vả nhưng theo anh chia sẻ là được cái thoải mái đầu óc, không phải ru rú trong phòng như lúc đi học bên kia. Người vợ nói thật là chị không chê nghề xe ôm nhưng lâu lâu có người hỏi câu "Nay đi xe ôm gặp thằng bé dáng dấp giống hệt con chị mà sực nhớ ra là nó đang đi du học nước ngoài nên em không hỏi" là chị lại có cảm giác tự ti, chạnh lòng, nhiều đêm suy nghĩ không biết nên làm gì với con mà không ngủ được luôn. Chồng chị thì giận con quá đến mức không nhìn mặt từ hồi con về nước đến giờ. Hai bố con ngồi chung mâm cũng chẳng ai ư hử câu nào...
Công bằng mà nói, sau khi đọc qua tâm sự của người vợ, người mẹ trên đây thì tôi cũng hiểu, chị không chê ngành nghề nào, cụ thể ở đây là nghề xe ôm. Tất cả mọi nghề đều xứng đáng bình đẳng như nhau, miễn là lương thiện. Tuy nhiên, vấn đề của vợ chồng nhà này cũng như rất nhiều bậc phụ huynh Việt Nam đang mắc phải có lẽ là tâm lý “con người ta đi được thì con mình cũng đi được”, "nước ngoài phải hơn trong nước" hay "du học thì tương lai sau này chắc chắn thành công, lương cao”. Những tư duy đấy có thể không sai, nhưng đó không hẳn lại là mong muốn, ước mơ của các con. Đấy cũng là nhận xét của nhiều cư dân mạng phía dưới bài đăng của chị vợ này:
- Mong muốn của bố mẹ không phải lúc nào cũng phải là mong muốn của con cái. Điều quan trọng nhất là phải tìm được tiếng nói chung.
- Cuối cùng thì trong mắt các bậc phụ huynh " thể diện" cũng vẫn quan trọng hơn "ước mơ của con".
- Người đáng trách phải là ông bà mới đúng, bố mẹ nên định hướng cho con chứ không nên ép buộc. Em ấy đã không có định hướng du học mà vẫn bắt đi theo, rồi bán cả nhà đi nữa....
- Hic, du học là một trải nghiệm rất đặc biệt... nếu không phải thực sự nhiệt huyết, ham học, quyết tâm thì nó lại trở thành vô cùng kinh khủng. Phụ huynh nên chú ý nhiều hơn!
Còn đối với quan điểm cá nhân của tôi mà nói, thật sự chuyện cho con đi du học trong tư tưởng chung của nhiều phụ huynh bây giờ như kiểu là "món trang sức tô điểm cho gia đình" vậy. Ở bài viết này tôi xin phép không đưa ra ý kiến trong câu chuyện trên là lỗi thuộc về phía gia đình hay phía người con. Bởi mỗi nhà sẽ có quan điểm dạy con khác nhau. Ở đây tôi chỉ muốn bàn về việc bất cứ lựa chọn con đường nào nếu đúng là do bản thân thấy yêu thích và cảm thấy thoải mái khi được làm việc đó thì đều đáng quý và không có gì là "dại dột" cả.
Như chàng trai trong câu chuyện này, dù được gia đình lo lắng, chuẩn bị cho mọi thứ để đi theo con đường mà hẳn nhiều bạn trẻ mơ ước. Tuy vậy đó lại không là mong muốn của anh. Thế nên, việc chọn nghề và ngành học là điều hết sức quan trọng nên các bạn phải cân nhắc.
Mong muốn con cái thành đạt là mong muốn chính đáng của bất kì người làm cha, làm mẹ nào. Tuy nhiên người thực hiện và quyết định lại là chính chúng ta. Để tránh tình trạng tạo ra mối quan hệ căng thẳng trong gia đình, các bạn trẻ nếu đang phải rơi vào trường hợp tương tự nên tìm cách thuyết phục bằng lý, bằng tình và cần tìm kiếm đồng minh hỗ trợ. Thay vì "nhắm mắt" nghe theo hay quyết liệt chống đối sẽ dễ dẫn đến những câu chuyện không vui.