Trong mắt bố mẹ cậu không còn mối quan hệ ruột rà nào nữa khi chữ tiền được nhắc đến. Họ sợ phải vay mượn tiền bạc vì họa của cậu con trai.
Vào một ngày hè nóng bức 8/8 ở Duy Phường, Sơn Đông (Trung Quốc), giữa lúc nhiều người tìm cách trốn biệt trong nhà, núp dưới bóng râm để tránh cái nắng nóng như thiêu đốt thì ngoài trời đổ lửa, một bóng dáng gầy gò vẫn băng băng trên chiếc xe đạp điện, chạy quanh khắp các ngõ ngách trong khu vực. Đó là một cậu con trai gầy gò chỉ mới 19 tuổi, mặc chiếc quần yếm màu vàng, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm ướt đẫm mồ hôi.
Người dân quanh vùng gần đây đã dần quen với hình ảnh của cậu shipper giao cơm trưa. Bất kể mưa nắng, vẫn dáng vẻ chăm chỉ ấy, cậu len lỏi theo từng ngóc ngách của con phố cách thành thạo. Chưa bao giờ người trong khu vực thấy cậu lạng lách, đánh võng hay chểnh mảng công việc. Vậy mà hôm ấy, tai họa từ đâu đổ ập xuống.
Cậu va quệt phải một chiếc ô tô đang sang đường. Tim đập như trống, đôi tay run rẩy, cậu đứng như trời trồng không còn biết sẽ phải làm gì tiếp theo. Người tài xế từ trên xe bước xuống, không tỏ vẻ giận dữ nhưng yêu cầu cậu phải bồi thường 2000 tệ (tương đương 6,5 triệu đồng).
Ảnh: news.hnr.cn
Không cần biết số tiền là bao nhiêu, với đồng lương của một shipper, cậu không thể chi trả nổi để thoát khỏi rắc rối này. Trong lúc bối rối lại sợ hãi, cậu đã gọi điện về nhà gặp bố mẹ và tường thuật sự việc để cầu cứu sự giúp đỡ. Nhưng vừa nghe hai từ đụng xe và vay tiền, họ đã thẳng thừng từ chối mà không một câu hỏi thăm xem con thế nào, có bị thương ở đâu không. Đã vậy họ còn mở lời trách mắng, bảo cậu tự tìm cách mà giải quyết rắc rối chứ không muốn vì chuyện của cậu mà gia đình phải lo lắng.
Ngày thường đã phải tự bươn chải kiếm sống, không để cha mẹ phải bận lòng, vậy mà khi cấp bách phải gọi điện cầu cứu người thân lại không nhận được sự an ủi, trái lại còn bị hắt hủi như sao chổi mang vận rủi đến gia đình. Trong lúc nghĩ không thông, chàng trai đã nảy sinh ý định dại dột.
Rất may cảnh sát đã kịp thời ứng cứu và có thể đưa cầu lên khỏi cầu an toàn. Sau khi được đưa về đồn, cậu vẫn còn bị kích động, không ngừng khóc và tâm trạng chưa thể ổn định được ngay.
Nhiều người sau khi hay biết chuyện đã chủ ý góp tiền giúp đỡ. Nhưng sau đó, nhờ mọi người nói đỡ cho đôi lời, tài xế đã quyết định không đòi tiền đền bù nữa.
Từ câu chuyện của cậu, rất nhiều người cảm thương chàng trai trẻ mà lên tiếng trách đấng sinh thành:
“19 tuổi đã biết ra ngoài làm shipper kiếm tiền, còn hơn khối thanh niên chỉ biết nằm dài ăn không ngồi rồi. Chẳng hiểu bố mẹ nghĩ gì mà lại nói như vậy với con.”
“Khiến cậu bé này áp lực đến nảy sinh ý định dại dột không phải là 2000 - 3000 tệ mà là thái độ của người nhà kia kìa.”
“Mới 19 tuổi ra đời đi làm, bây giờ gặp chuyện không cầu cứu người nhà thì cầu cứu ai, thế mà còn bị khước từ nữa thì đúng là...”
Có câu “Muốn biết quan hệ bền chặt hay không, chỉ cần vay tiền một lần là biết!” nhưng đó là người ta dùng để nói với người ngoài. Đằng này là người nhà, mà còn là cha mẹ ruột, nỡ lòng nói với con những câu kích động khi tâm trạng con trai đang rất hoảng sợ thì khác nào bảo con phải biến mất khỏi thế gian này đi.
Ảnh: news.hnr.cn
Trong cuộc sống, đúng thật tiền rất quan trọng nhưng nếu xem tiền trọng hơn tất thảy mọi thứ, nặng hơn cả tình mẫu tử, phụ tử để sẵn sàng đẩy con mình đi, bỏ mặc nó trong cơn hoạn nạn thì không còn lời nào để bào chữa.
Trong mắt của bố mẹ của chàng shipper kia, có lẽ đã không có quan hệ gì với cậu chỉ vì nhắc đến tiền và vay mượn.
Có lẽ không phải sức nặng của số tiền đền bù mà những câu nói của bố mẹ cậu đã thổi bùng căng thẳng, kích động sự quẫn trí.
Suy cho cùng, trong mắt cậu con trai, với số phận của mình và gia đình, với những bậc cha mẹ như vậy, sống cũng chỉ khổ sở nên không còn động lực gì để níu kéo cậu nữa.
Ở vào vị trí của cha mẹ, đương nhiên tiền càng quan trọng bởi trên vai họ là bao nhiêu thứ phải lo nhưng nếu cha mẹ chỉ biết có tiền mà giày vò con cái bởi sự thiếu thốn của mình thì đứa trẻ đó sẽ mãi chỉ sống trong tủi buồn.
Sinh con không phải để kiếm một món hời khi con lớn khôn có thể tự làm ra tiền mà phải bằng tình yêu nuôi dưỡng tâm hồn và chắp cho con đôi khi bay lên với mơ ước của nó.
Một khi cha mẹ chỉ chú trọng chuyện tiền bạc thì hệ lụy sẽ vô cùng:
Trước hết, khi cha mẹ đặt tiền lên hàng đầu, họ có xu hướng dành nhiều thời gian và sức lực hơn để làm việc và kiếm tiền mà bỏ qua tầm quan trọng của việc đồng hành cùng con cái trưởng thành. Con của họ bị bỏ rơi và cô đơn, không có tình yêu và sự hướng dẫn của cha mẹ. Điều này không tốt cho sự phát triển và sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
Thứ hai, khi cha mẹ quá đề cao tầm quan trọng của tiền bạc, con cái có thể nghĩ rằng tiền bạc là thước đo duy nhất cho sự thành công và hạnh phúc. Chúng có thể theo đuổi những tiện nghi vật chất mà bỏ qua những nhu cầu tinh thần và tình cảm. Sự bóp méo giá trị này có thể khiến trẻ đánh mất các giá trị quan trọng khác, chẳng hạn như tình bạn, mối quan hệ gia đình và trách nhiệm xã hội, để theo đuổi tiền bạc.
Cuối cùng, khi các bậc cha mẹ coi việc kiếm tiền là mục tiêu duy nhất của con mình, họ thường đặt ra những kỳ vọng và áp lực không đáng có đối với con cái họ phải xuất sắc trong học tập và nghề nghiệp. Những kỳ vọng quá mức như vậy có thể khiến trẻ cảm thấy quá tải, dẫn đến lo lắng và lòng tự trọng thấp. Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy, gánh nặng tâm lý này có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.