Biết cách bế trẻ sơ sinh đúng theo từng giai đoạn sẽ giúp bố mẹ bảo vệ cột sống còn non yếu của con.
Với nhiều người lần đầu làm cha làm mẹ hẳn sẽ lúng túng không biết cách bế trẻ sơ sinh thế nào để con được an toàn. Cơ thể của bé khi vừa chào đời cho đến 12 tháng tuổi vẫn còn mềm, yếu nên bố mẹ phải lưu ý thật cẩn thận khi ôm ấp con để tránh những sự cố ngoài ý muốn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này.
Nếu biết được cách bế trẻ sơ sinh phù hợp với từng giai đoạn, bố mẹ sẽ thêm tự tin khi chăm sóc cũng như cưng nựng thể hiện tình cảm với con. Tuy bé chỉ vừa chào đời, chưa ý thức được xung quanh nhưng việc bố mẹ ôm ấp, ẵm bồng sẽ tạo sợi dây liên kết tình cảm khắng khít với con. Trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương, sự che chở từ bố mẹ thông qua hành động ôm ấp.
Cách bế trẻ sơ sinh an toàn theo từng giai đoạn
Khi trẻ ở giai đoạn 1-2 tháng tuổi
Đây là thời điểm trẻ vô cùng non nớt nên bố mẹ phải thật cẩn thận khi bế ẵm bé. Lời khuyên từ các điều dưỡng là người thân hãy bế trẻ sơ sinh ở giai đoạn này theo tư thế nằm ngang. Một lưu ý quan trọng là bố mẹ hạn chế tối đa việc bế bé thẳng lưng (hay còn gọi là bế vác vai) vì điều này không tốt cho cơ thể còn mềm, yếu của bé.
Vậy còn trường hợp mẹ muốn dỗ bé sau khi bú xong để tránh bị nôn trớ theo kiểu bế thẳng lưng thì sao? Lúc này, mẹ hãy nhẹ nhàng dựa thân của bé vào ngực mình và đỡ lấy phần đầu của con tựa vào vai của mẹ. Đây là cách được nhiều mẹ áp dụng để bé tránh bị ọc sữa sau khi được bú nhưng mẹ cũng hạn chế ẵm bé ở tư thế này nhé vì bế trẻ sơ sinh thẳng đứng không đúng cách, làm biến dạng cột sống và ảnh hưởng đến xương khớp của trẻ.
Cơ thể trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi còn mềm, yếu nên bố mẹ hãy nhẹ nhàng, cẩn thận khi bế.
Gợi ý với mẹ 2 bước để bế trẻ sơ sinh trong giai đoạn 1-2 tháng tuổi để bé được an toàn:
- Bước 1: Mẹ dùng một tay đỡ trọn phần đầu và cổ của bé, còn toàn bộ cánh tay sẽ đỡ dọc theo lưng bé. Tay còn lại, mẹ dùng để đỡ phần mông của bé;
- Bước 2: Mẹ nâng bé lên từ từ bằng cả hai tay, đến ngang ngực và áp sát vào người mẹ.
Khi trẻ ở giai đoạn 3-5 tháng tuổi
Nhiều bé sẽ bắt đầu biết lẫy ở tháng thứ 3 và cơ thể của con ở giai đoạn này sẽ dần cứng cáp hơn khi so với khi vừa chào đời. Cách bế trẻ sơ sinh 3-5 tháng tuổi là mẹ có thể bế theo tư thế nghiêng, bế thẳng đứng hoặc bế nằm ngang. Tuy phần đầu của bé lúc này đã dần cứng cáp hơn nhưng mẹ không nên chủ quan và vẫn cần nâng đỡ nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến con.
Cơ thể của trẻ từ 3-6 tháng tuổi sẽ dần cứng cáp hơn nhưng bố mẹ cũng đừng chủ quan khi bế bé
Gợi ý với mẹ 3 bước để bế trẻ sơ sinh trong giai đoạn 3-5 tháng tuổi để bé được an toàn:
- Bước 1: Mẹ hãy dùng một tay thuận để đỡ phần đầu của bé, tay còn lại sẽ đỡ phần mông của bé và bế lên ngang ngực mẹ;
- Bước 2: Mẹ nhẹ nhàng áp người bé vào sát người mình và nâng người bé lên;
- Bước 3: Mẹ từ từ nhấc phần đầu và vai của bé vào vai của mẹ, một tay hãy dùng đỡ lưng bé. Mẹ hãy chú ý là đảm bảo phần cổ và mông của bé phải thẳng hàng. Để bé có điểm tựa an toàn, mẹ nên ngả nhẹ người về phía sau nhé.
Khi trẻ ở giai đoạn 6 tháng tuổi trở lên
So với các giai đoạn trước, lúc này cơ thể bé đã không còn quá mềm, yếu và dần hoàn thiện hơn nhiều. Cách bế trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên đa dạng hơn trước vì mẹ có thể linh hoạt áp dụng bế trẻ sơ sinh thẳng đứng, bế nằm ngang hoặc bế cắp nách (chỉ nên áp dụng khi bé cứng cáp, gần 1 tuổi).
Bài viết liên quan: Mẹ bế một tay như mọi ngày, con bật ngửa lộn nhào: Nhiều năm đã qua vẫn hoài day dứt
Vài lưu ý quan trọng về cách bế trẻ sơ sinh an toàn theo từng giai đoạn
Như đã nói, cơ thể của trẻ sơ sinh rất mềm, yếu vì xương vẫn chưa phát triển toàn diện. Nếu bố mẹ không nắm được cách bế trẻ sơ sinh và ẵm bồng bé sai cách trong một thời gian dài sẽ dễ gây ảnh hưởng xấu đến cột sống của bé như cong vẹo, tổn thương…Không chỉ vậy, nếu bố mẹ bế bé không cẩn thận, nhẹ nhàng còn có thể khiến làn da non yếu của bé bị trầy xước.
Để bế trẻ sơ sinh sao cho an toàn, bố mẹ hãy nhớ vài lưu ý quan trọng sau nhé:
Rửa tay thật sạch trước khi ẵm bế con
Sau khi ra đường hoặc cầm nắm các vật dụng, bàn tay của bố mẹ có thể chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh và dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Trẻ sơ sinh có sức đề kháng rất yếu nên bố mẹ hãy cẩn thận và để ý điều này nhé!
Không mang trang sức
Chú ý đến vòng, trang sức, đồng hồ vì những vật này có thể khiến làn do non nớt của bé bị trầy xước. Thậm chí, trong khi ẵm bé mà bố mẹ không cẩn thận thì trang sức trên tay có thể khiến phần mắt của bé bị tổn thương.
Để ý đầu và cổ của bé
Luôn chú ý đến phần đầu và cổ của bé, đặc biệt là trẻ ở giai đoạn dưới 3 tháng tuổi. Bố mẹ hãy nhẹ nhàng dùng tay để hỗ trợ nâng đầu, cổ của bé dậy mỗi khi bế để con được an toàn. Theo chuyên gia, trẻ sơ sinh 0-3 tháng tuổi có thể được bế đứng nhưng phải nhớ những lưu ý quan trọng để không gây tổn thương cho bé.
Bố mẹ nên trang bị kiến thức về cách bế trẻ sơ sinh để giúp con được an toàn
Cách bế trẻ sơ sinh có khá nhiều nhưng tựu trung vẫn là phải nhẹ nhàng, cẩn thận. Cơ thể của bé dưới 12 tháng tuổi vẫn còn non nớt, cần được bố mẹ nâng niu, hỗ trợ, bảo vệ đúng cách để tránh các tổn thương đáng tiếc. Với những ai mới lần đầu có con, hãy trang bị kiến thức về trẻ sơ sinh thật kỹ và giữ tâm lý thoải mái khi ẵm bồng con. Việc bé được tiếp xúc gần gũi trong vòng tay của bố mẹ cũng rất quan trọng nên hãy tích cực ẵm bồng con nhé!
Xem thêm bài viết liên quan tại đây:
Nhìn vào cách vợ chồng bế con ra ngoài chơi chấm điểm chỉ số hạnh phúc của gia đình
Cột sống của bé sơ sinh biến dạng cong vòng, lưng gù vì sai lầm thiếu hiểu biết của mẹ