Bình thường thì trong bữa cơm mọi người vẫn thường ăn cơm khô trước sau đó mới ăn tới canh đúng không? Nhiều người cho rằng ăn như vậy sẽ ăn được nhiều hơn vì nếu ăn canh trước thì sẽ no bụng không ăn được cơm nữa.
Điều ấy cũng không sai, nhưng với người bị đường huyết thì việc ăn cơm trước là hoàn toàn sai lầm nha mọi người.
Theo thông tin mình đọc được trên báo thì các chuyên gia nói rằng người bị tiểu đường nên ăn canh trước, ăn cơm sau mới tốt. Lý do vì sao lại như vậy thì mọi người có thể tham khảo nội dung mình chia sẻ lại bên dưới nha.
Người bị đường huyết cần đặc biệt ăn uống khoa học để duy trì ổn định tình trạng sức khỏe. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Người bị đường huyết nên ăn canh trước khi ăn cơm
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: Những người bị đường huyết nên tuân thủ nguyên tắc dinh dưỡng, ăn sạch, uống sạch để ổn định sức khỏe.
Theo đó, chế độ ăn uống "hoàn hảo" dành cho những người bị đường huyết là hạn chế gluxit (chất bột đường) để tránh tăng đường huyết sau khi ăn và hạn chế vừa phải chất béo, nhất là các axit béo bão hoà để tránh rối loạn chuyển hoá.
Chế độ ăn của người bị đường huyết phải đảm bảo cung cấp cho cơ thể họ một lượng đường tương đối ổn định, quan trọng nhất là phải điều độ, hợp lý về giờ giấc và số lượng thức ăn trong các bữa chính và phụ.
Người bị đường huyết cũng có nhu cầu năng lượng giống như người bình thường. Nhu cầu tăng hay giảm và thay đổi khác nhau tuỳ thuộc tình trạng của mỗi người. Nhưng nhìn chung, người bị đường huyết cần tuân thủ nguyên tắc chung sau đây:
- Nên ăn các loại gạo có nhiều chất xơ, người bình thường có thể ăn gạo trắng, nhưng người bị đường huyết có thể ăn gạo lứt, gạo lật nẩy mầm, gạo xát rối, vì những loại gạo này có nhiều chất xơ.
- Ăn ít cơm: Thay vì ăn cơm thì người bị đường huyết có thể ăn khoai lang, khoai sọ để tránh việc tăng đường máu sau ăn.
- Ăn nhiều rau xanh, chia thành các bữa nhỏ để ăn. Đặc biệt trước khi ăn cơm, người bị đường huyết nên ăn canh, rau trước để tránh đường máu lên nhanh. Lý do là vì trong rau xanh có những chất xơ sẽ cản trở lượng đường từ những thực phẩm nạp vào sau đó. Hoa quả thì nên ăn dạng miếng thay vì dạng ép hay xay sinh tố.
- Chất đạm nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt, nhất là đối với những người bị thận. Trong chế độ dinh dưỡng của người mắc đường huyết, tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15-20% năng lượng khẩu phần.
Người bị đường huyết nên ăn canh trước khi ăn cơm. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
- Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà. Các chất béo, đặc biệt là các chất axit béo bão hoà, dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng mặt khác, chất béo lại cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do gluxit cung cấp) vì vậy người tiểu đường nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần ăn còn giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch nữa.
- Người bị đường huyết thì đường huyết sẽ có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế, chế độ ăn phải hạn chế gluxit (chất bột đường). Nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Nên hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần ăn.
- Người bị đường huyết cũng nên chia làm nhiều bữa nhỏ để tránh đường huyết tăng cao sau khi ăn. Mọi người có thể chia làm 4-6 bữa nhỏ trong ngày. Với người điều trị bằng insulin tác dụng chậm có thể bị hạ đường huyết trong đêm, vì vậy nên ăn thêm bữa phụ trước khi đi ngủ.
Thông tin trên mình đọc được trên báo thấy hay nên chia sẻ lại để mọi người cùng biết. Nhìn chung người bị đường huyết thì việc ăn uống thế nào là rất quan trọng. Ăn uống khoa học thì tình trạng sẽ ổn định, ăn uống tùy tiện, không khoa học thì sẽ rất nguy hiểm, khiến tình trạng ngày càng nặng hơn, thậm chí có thể không qua khỏi.
Nguồn tổng hợp