Cứ thử tưởng tượng mới sáng mở cửa ra buôn bán, đập vào mắt mình là nguyên chiếc ô tô đỗ chình ình trước cửa có bực không cơ chứ? Người lái ô tô không biết có hiểu được điều này không mà sao sự việc cứ tái diễn hoài.
Dù trong thời gian qua đã có rất nhiều người phản ánh lên mạng xã hội nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Mà mệt lắm nha, mình xử lý không khéo có khi lại còn mang họa nữa đó bà con.
Mới đây, theo trang báo Thanh Niên em đọc được, có lẽ mới sáng sớm ra mở cửa hàng đã thấy chiếc xe sang đỗ ngay trước cửa làm mình không buôn bán được gì nên 2 cô gái đã dùng băng keo dán dính xung quanh thân của chiếc ô tô này rồi dùng bột sắn dây tạt lên nắp kính trước sau và nắp capo. Ai đi ngang qua cứ tưởng 2 cô gái này tạt sơn trắng nhưng hỏi ra mới biết đó là bột sắn dây.
Được biết, vụ việc này xảy ra tại một cửa hàng trên đường Minh Khai, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngay sau khi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, những tưởng chủ nhân của chiếc ô tô kia sẽ bị lên án vì hành động thiếu ý thức, đỗ xe không đúng chỗ của mình, nhưng không có người lại bênh vực họ bà con à.
Những người này cho rằng, trên đường đi chỉ có những nơi có để biển cấm đỗ xe thì họ mới không được phép đỗ xe, còn lại là được tất, việc làm của 2 cô gái trên là sai và có thể bị xem xét vào tội hủy hoại tài sản của người khác.
Theo luật, tội hủy hoại tài sản của người khác tùy mức độ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt ‘ủ tờ’ từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bị áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Chưa hết, người này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho nạn nhân.
Chà, có trả đũa việc xe ô tô đỗ trước cửa hàng của mình thôi mà hậu quả nghiêm trọng thế à? Nghe nói sau khi có phản ánh, chính quyền địa phương cho biết họ chưa nghe báo gì, cả chủ cửa hàng lẫn chủ xe đều như thế, cho nên có lẽ họ đã tự giải quyết theo hướng thỏa thuận, hòa giải với nhau.
Về nguyên tắc, những vụ việc như thế này nếu được hãy giải quyết bằng việc thương lượng, hòa giải để đỡ mất thời gian và tiền bạc của đôi bên. Chỉ khi cả 2 không thể tự hòa giải được thì mới nhờ Tòa án giải quyết dùm.
Tuy nhiên, có cư dân mạng cho rằng vấn đề này xảy ra ở mình nhiều một phần là do vị trí địa hình nhà cửa, một phần là ý thức của người lái ô tô.
Đúng là đường và vỉa hè là của chung mọi người, chỉ chỗ nào đặt biển cấm đỗ hoặc theo luật cấm đỗ chẳng hạn như điểm dừng chờ xe buýt, trên phần đường dành cho người đi bộ... thì mới không được phép, còn lại vẫn được đỗ. Song không phải vì thế mà người lái được quyền tùy tiện đỗ ở những nơi còn lại, phải nhìn trước ngó sau, ý tứ xem chỗ mình đỗ có làm ảnh hưởng đến việc ra vào của những người trong nhà hoặc cửa hàng,... không? Có nhiều người lái vô ý tứ đến nỗi chẳng biết những điều này, đã vậy còn chẳng buồn để biển xin lỗi vì đã làm phiền và ghi số điện thoại lên để người nào cần có thể alo để liên hệ dời xe đi, vô tình tự biến mình thành kẻ chiếm dụng không gian chung làm nơi đỗ xe cho riêng mình.
Ngược lại, cũng có một số trường hợp, người lái xe biết điều nhưng chủ nhà vì thói ích kỷ chỉ muốn không gian đó là của mình nên vội ra xua đuổi, xí phần dù có thể lúc đó chưa cần dùng ngay.
Do vậy, ý thức của người lái ô tô trong trường hợp này là quan trọng nhưng việc có nhìn nhận vấn đề một cách khách quan của chủ nhà hay không cũng quan trọng không kém.
Vì thế, mong là sau những vụ việc như thế này, đôi bên cùng rút kinh nghiệm để có ứng xử hài hòa, tránh gây ra ẩu đả, xích mích không đáng có nha.