Làm đẹp thì không ai cấm nhưng cái gì cũng phải có chừng có mực, có hiểu biết chứ đừng mù quáng. Bao nhiêu trường hợp gặp họa vì cái kiểu làm đẹp vô tội vạ rồi ý. Có người còn phải trả giá bằng cả tính mạng vì làm đẹp rồi kìa.

Mới đây, tờ Thanh Niên có đưa tin về trường hợp một người phụ nữ phải 'cầu cứu' bác sĩ vì bị biến chứng sau khi bơm silicon tạo bàn tay búp măng. Đúng chịu luôn. 

Thông tin cụ thể, mình để bên dưới nha các mẹ ơi.

Bơm silicon để tạo tay búp măng, búp măng thì không thấy, chỉ thấy gặp biến chứng

Theo thông tin từ tờ Thanh Niên, ngày 12/7 Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Nơi đây vừa tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân bị biến chứng áp xe vì bơm silicon không rõ nguồn gốc để tạo tay búp măng. 

hình ảnh

Silicon được lấy ra từ tay người bệnh. Ảnh: Thanh Niên

Cụ thể, bà Đ.T.D.C (51 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, An Giang) có tiêm silicon vào bàn tay để tạo tay búp măng. Bà phẫu thuật nạo silicon khoảng 10 năm trước nhưng phần silicon này chưa được lấy ra hết. Thời gian gần đây, hai bàn tay của bà sưng tấy, đau nhức và hạn chế vận động nên mới đi viện để khám.

Sau khi tiến hành kiểm tra và chẩn đoán, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị áp xe hần mềm 2 bàn tay sau tiêm silicon lỏng. Các bác sĩ đã phẫu thuật rạch áp xe, nạo vét silicon lỏng để tránh tình trạng chuyển biến xấu có thể dẫn tới nhiễm trùng và hoại tử. 

Sau 24 giờ, bệnh nhân đã ổn định, giảm sưng, giảm đau khi vận động bàn tay.

Tiêm silicon lỏng - Hiểm họa khôn lường

ThS.BS Võ Hồng Phúc (chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Khoa Liên chuyên khoa - Điều trị trong ngày) cho hay: Khi bơm silicon để tăng thể tích có thể gây biến chứng ngay tại chỗ như sốc phản vệ khiến người bệnh không qua khỏi, tắc mạch gây thiếu máu để nuôi dưỡng bộ phận được tiêm dẫn tới hoại tử bộ phận đó. Về lâu dài, vùng tiêm có thể bị viêm tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt. Đáng sợ hơn, silicon lỏng có thể di chuyển tới khắp các mô nên rất khó khi muốn phẫu thuật loại bỏ.

hình ảnh

Người bệnh trước khi được phẫu thuật. Ảnh: Thanh Niên

Do đó, BS. Phúc khuyến cáo: Việc tiêm silicon lỏng vào bất cứ bộ phận nào để làm đẹp cũng đều nguy hiểm. Đó là còn chưa kể, bạn có nguy cơ cao bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi, HIV... nếu cơ sở thực hiện không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Còn GS. TS. BS Trần Thiết Sơn (BV Xanh Pôn) cho hay: Silicon lỏng sau khi được tiêm trực tiếp vào một số bộ phận xung quanh nhờ quá trình thực bào. Từ vị trí được bơm ban đầu, nó sẽ theo trọng lực mà chảy xuống phía dưới rồi len lỏi trong mô gian bào, theo trục các sợi thần kinh, mạch máu. Từ đó, nó có thể gây hậu quả biến dạng mô làm chảy xệ vùng được bơm. Loại biến dạng này dễ gặp ở mí mắt, má, cằm, môi, ngực, mông.

Không chỉ thế, silicon còn có thể gây suy phổi, hô hấp, gan, thận, tắc mạch ở não... Nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến người bệnh 'đi đời'. Do đó BS. Sơn cảnh báo: Chị em tuyệt đối không được bơm silicon trực tiếp vào người để tránh phải mang di chứng suốt đời, thậm chí ảnh hưởng tới sự sống.

Còn BS. Dương Văn Tươi (người từng làm ở nhiều bệnh viện thẩm mỹ lớn ở Hà Nội, TP. HCM) cho hay: Việc tiêm silicon lỏng vào cơ thể cực kỳ nguy hiểm. Bởi, nó sẽ xâm nhập vào cơ gây xơ hóa cơ và viêm nhiễm. Tiêm silicon lỏng khi bị biến chứng thường gây đau đớn, xơ hóa, cứng, viêm nhiễm gây đỏ da. Nếu biến chứng nặng sẽ gây loét và thủng ở ngoài da. Việc chữa trị biến chứng do tiêm silicon lỏng rất tốn kém. Nếu đã bị biến chứng thì không chữa khỏi hẳn được nên silicon vẫn tồn tại trong cơ thể. Để lâu dài từ 10 - 20 năm, nó còn có thể khiến bạn bị ung thư.

Vì vậy, BS. Phúc khuyến cáo: Nếu bạn muốn tiêm thì phải lựa chọn cơ sở làm đẹp được cấp phép, phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ. Các chất tiêm vào người phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.