Nhiều người trẻ hiện nay đang có xu hướng bỏ việc liên tục, hoặc từ giã chuyện “làm công ăn lương” để tự mình khởi nghiệp. Tuy nhiên, hành trình ấy chưa bao giờ dễ dàng, nhất là đứng trước sự phản đối của gia đình.

Và với cô gái trẻ Jane Lu (chuyên gia thời trang người Úc) cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Cha mẹ của Jane - bà Queenie, 61 tuổi và ông Frank Lu, 67 tuổi, là những người nhập cư từ Trung Quốc. Cả hai làm công việc quét dọn ở Sydney khi Jane mới 8 tuổi.

hình ảnh

Cô gái trẻ Jane Lu (Ảnh: VietNamNet)

Nhưng họ đặt nhiều hy vọng vào cô con gái, người từng làm việc tại Ernst & Young, một công ty kế toán lớn, có uy tín ở Úc. Vì sự kỳ vọng đó mà Jane không biết làm thế nào để nói với họ rằng cô ghét công việc đó. Cha mẹ chỉ phát hiện ra khi Jane đã trả hết nợ thế chấp, thậm chí còn mua cho bố mẹ một chiếc xe hơi khi công ty ăn nên làm ra.

Trước đó, Jane vẫn ngồi cạnh mẹ mình trên xe buýt mỗi sáng, giả vờ đi làm kế toán. “Tôi mặc bộ đồ công sở mỗi ngày. Tôi bắt xe buýt vào thành phố với mẹ và mang theo chiếc túi đựng máy tính xách tay trống rỗng… Tôi đã đặt câu hỏi về những quyết định trong cuộc sống của mình khi đó rất nhiều”, Jane chia sẻ.

Nhận ra rằng mình không thể “làm kế toán trong suốt phần đời còn lại”, Jane đã chớp lấy cơ hội vào năm 2010 khi một người bạn rủ rê bán quần áo từ một quầy hàng pop-up (chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, tại những địa điểm đặc biệt, bất ngờ).

Mặc dù công việc kinh doanh phát triển tốt, nhưng không lâu sau đó, bạn cô đã rút lui, để kiếm một công việc ổn định hơn. Vậy là cô tự mình làm chủ, Jane Lu bắt đầu gây dựng nền tảng bán hàng Showpo, tên đầy đủ là Show Pony, vào năm 2010.

hình ảnh

Jane Lu bên bố mẹ (ảnh trái) và bạn đời (ảnh phải) (Ảnh: VietNamNet)

Sau một vài tháng phát triển chậm, Jane quyết định khởi động một chiến dịch trên Facebook. Chiến dịch này ngay lập tức giúp tăng phạm vi tiếp cận của cô. Trong vòng một tháng, Showpo đã thu hút được từ 3.000 đến 20.000 người theo dõi, và đến năm 2012, Jane chuyển hàng hoá ra khỏi gara của bố mẹ để đưa vào một nhà kho.

Cho đến thời điểm đó, Jane vẫn chưa nói với bố mẹ mình về công việc, nhưng cô đã kiếm đủ tiền để nuôi họ. Cô trả hết nợ thế chấp và mua cho bố mẹ một chiếc xe hơi. Việc này khiến họ yên tâm phần nào và chấp nhận con đường mới của cô.

Hiện tại, nền tảng bán hàng Showpo (do cô gái sáng lập) có 1,8 triệu người theo dõi trên Instagram, 1,3 triệu người theo dõi trên Facebook và 95.700 người theo dõi trên trang TikTok mới ra mắt. Trang web này chuyên bán hàng thời trang và trang sức của các nhà thiết kế độc lập với khách hàng mục tiêu là người trẻ.

Jane, hiện đã kết hôn và có con, được coi là một trong những nữ doanh nhân tự thân thành công nhất của Úc với công ty thời trang hiện có giá trị 47 triệu USD. Bất chấp việc sở hữu hàng triệu đô la, Jane vẫn rất khiêm tốn và làm đám cưới trong một chiếc váy giá 222 USD từ bộ sưu tập váy cưới bán trên Showpo. 

hình ảnh

Nhờ bỏ việc, Jane Lu đã tìm thấy chính mình  (Ảnh: Morden Wedding)

Có lẽ trong quan niệm của rất nhiều bậc phụ huynh, con cái sau khi học thành tài, thì ra trường chỉ cần kiếm một công việc ổn định, thu nhập trên mức trung bình, đủ nuôi sống bản thân, dần dần đi từ vị trí nhỏ đến lớn, về già có lương hưu, thế là mãn nguyện.

Đặc biệt, nhiều bà mẹ cho rằng là con gái nếu có sự nghiệp thăng tiến quá nhiều và có chỗ đứng nhất định thì sẽ khó có chồng. Sở dĩ có những điều như vậy vì nhiều người quan niệm rằng trong gia đình thì trụ cột phải là người đàn ông; phải giỏi hơn phụ nữ. Một khi bạn giỏi quá sẽ khó tìm được người môn đăng hộ đối với mình.

Tuy nhiên, người trẻ bây giờ lại nghĩ khác, họ muốn lăn xả, họ muốn dấn thân, trải nghiệm và khám phá năng lực của chính mình. Sau khi trải nghiệm cảm giác đi làm công sở, nhiều người trẻ thất vọng và không có tinh thần, họ bí bách với 4 bức tường, với đồng nghiệp nhiều chuyện, hoặc xui rủi gặp sếp “ơn trời”, chỉ bảo thì ít mà sai khiến thì nhiều.

Họ muốn làm chủ không đơn thuần vì muốn làm giàu, mà bởi khi làm chủ, họ nhận ra mình yêu thicshc công việc sáng tạo, lên kế hoạch triển khai, tự mình đưa ra mọi quyết định quan trọng, không cần phải nhìn sắc mặt của ai để làm việc, họ được truyền cảm hứng trong việc kiếm tiền.

hình ảnh

Trước khi thành công, Jane Lu từng phải giả vờ đi xe bus cùng mẹ (Ảnh: Daily Mail)

Cũng như câu chuyện của Jane Lu, dù cô là người trẻ năng động, dám bỏ việc để lập nghiệp, nhưng lại không đủ dũng cảm để chia sẻ với mẹ cha. Không phải Jane Lu sợ mà bởi cô lo lắng, lo cha mẹ mình buồn và thất vọng.

Vậy nên, mỗi ngày cô đều mặc áo quần công sở, lên xe bus cùng mẹ, nhưng sau đó lại ra quán cà phê lên kế hoạch khởi nghiệp cho riêng mình. Chỉ đến khi thành công, cô mới thở phào để kể chuyện. Và thật bất ngờ, Jane Lu phát hiện mẹ cha luôn ủng hộ và động viên mình.

Vậy nên hỡi các bạn trẻ, đừng ngại dấn thân, đừng ngại thử thách, đừng ngại chia sẻ với gia đình. Có thể ban đầu bố mẹ chưa hiểu chúng ta và phản đối. Nhưng chỉ cần bạn đi đúng hướng, tìm được lối đi riêng với niềm yêu thích đầy đam mê, rồi mọi chuyện sẽ thành công tốt đẹp.

Nguồn: VietNamNet