Do gia đình nhiều lần can ngăn không cho chơi trò chơi điện tử, đứa con trai trong cơn tức giận chọn cách rời bỏ gia đình.
Bố mẹ bỗng dưng mất con sẽ đau đớn biết chừng nào. Càng xót xa hơn khi đến lúc nhắm mắt lìa đời vẫn không tìm thấy tin tức của con. 12 năm trời đằng đẵng, con trai chỉ vì tức giận bố mẹ không cho chơi game mà bỏ nhà đi, cắt đứt mọi liên lạc. Đến phút cuối cùng của cuộc đời bố mẹ vẫn đau đáu ngóng tin con.
Nhưng cuộc sống phũ phàng, lúc tìm thấy đứa con trai bỏ nhà, bỏ bố mẹ ra đi vì game kia, ông bà không đợi được. Có khóc lóc thảm thiết thì cũng muộn màng, đâu mang được bố mẹ về sống cùng con lần nữa.
Người con trai bỏ nhà đi 12 năm, lúc gặp vẫn ôm máy tính chơi game. Ảnh: QQ
Em theo dõi tin tức sự việc mà thấy giận đứa con trai quá, lại thấy thương cho bố mẹ. Con cái thời bây giờ rất khó dạy, hở chút là dọa bố mẹ đòi bỏ nhà đi bụi. Chỉ cần bố mẹ cấm cản, con lại nghĩ tới chuyện đi thật xa sống cuộc đời mình muốn. Mà quên mất rằng, cuộc sống ấy là bố mẹ cho mình. Mẹ mang nặng đẻ đau, bố nhọc nhằn nuôi nấng, mới mấy tuổi đầu đã ngỗ ngược, vô ơn.
Như cậu con trai L.M, chỉ vì bố mẹ không cho chơi game đã chọn cách bỏ nhà đi trong cơn tức giận. Chuyện xảy ra vào năm 2010, lúc đó bố mẹ nhiều lần can ngăn do thấy con trai đắm chìm vào trò chơi điện tử. Để có thể được thỏa sức chơi game mà không ai cấm, L.M bỏ đi một mạch 12 năm.
Suốt 12 năm, L.M hoàn toàn cắt đứt liên lạc với gia đình. Bố mẹ đi khắp nơi tìm con, nhưng đều không thấy. Đến ngày 26/5/2022 vừa rồi, chị gái L.M đã tìm thấy em trai ở trong một căn phòng trọ. Lúc gặp nhau, họ khóc lóc thảm thiết khi chị gái cho biết, cả bố và mẹ đều đã qua đời. Đến trước khi mất, họ vẫn nhớ thương con trai đã bỏ nhà đi.
Con trai khóc lóc thảm thiết khi hay tin bố mẹ đã qua đời. Ảnh: QQ
Câu hỏi đặt ra là tại sao L.M lại bỏ nhà đi và cắt đứt liên lạc. Trong 12 năm đó, em đã sống bằng cách nào. Và liệu em bỏ nhà đi có thực sự chỉ vì bị cấm chơi game. Câu trả lời là chuyện bỏ nhà đi vì bị cấm chơi game là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu mọi người bảo chuyện bịa, thì có lẽ do mọi người chưa gặp mà thôi.
Có những đứa trẻ bản tính vốn đã lớn gan lớn mật, đụng chuyện sẽ dùng cách tiêu cực để đối phó. Nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ kiên nhẫn và mềm mỏng với con. Chỉ cần bị bố mẹ la, không cho làm theo ý thích, con sẽ lập tức nghĩ rằng bố mẹ đang gò bó, quản thúc vô lý.
Bố mẹ nào cũng muốn con mình hình thành thói quen cư xử tốt. Đồng thời cũng muốn giáo dục con cái khi chúng cư xử không đúng mực. Tuy nhiên, do sử dụng những phương pháp không phù hợp nên phản tác dụng. Không những không điều chỉnh được hành vi của trẻ mà còn khơi dậy tâm lý nổi loạn, khiến trẻ cố tình làm trái ý cha mẹ.
Nuôi dạy trẻ con thời bây giờ không thể quá khắt khe, cứng nhắc được. Bố mẹ đôi khi còn phải chọn cách lùi một bước để tiến ba bước hoặc “mềm nắn rắn buông”. Chứ cứ dùng quyền lực của bố mẹ mà thúc ép con thì sớm muộn gì cũng đẩy con ra xa.
Ảnh mang tính minh họa: cnnews
Từ sự việc này, một vấn đề đáng báo động là tình trạng trẻ em được dùng điện thoại, máy tính bảng quá sớm. Tâm trí non nớt của trẻ dễ bị cuốn theo các trò chơi, nếu không kiểm soát ngay từ đầu dễ dẫn đến việc ghiền không dứt ra được. Trường hợp L.M là đã đến mức nặng, thiếu game là không thể sống nên mới chọn cách bỏ nhà đi.
Để không lặp lại sai lầm này, bố mẹ nên chú ý đến độ tuổi cho con dùng điện thoại. Quản lý sát sao và có quy định thời gian cụ thể khi con chơi game. Đồng thời chịu khó dành nhiều thời gian ở cùng con, đưa con đi chơi. Đừng gửi con cho “bảo mẫu” điện thoại rồi lại đổ thừa game làm hư con.
*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân