Nghe tin bỏ hộ khẩu, bà con mừng lắm vì rào cản giữa dân thành thị và nông thôn được xóa bỏ, giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc học hành, công việc và nhiều thứ khác. Nói bỏ không có nghĩa là bỏ ngay, mà phải theo lộ trình để mọi người còn chuẩn bị và chính thức đến 01/01/2023 vừa qua, Sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng nữa.
Thay thế Sổ hộ khẩu là 7 loại giấy tờ, trong đó có thẻ CCCD gắn chíp hoặc Giấy xác nhận cư trú cùng hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những tưởng mọi thứ sẽ tinh gọn và dễ dàng hơn, nhưng thực tế đụng đến các thủ tục hành chính rồi mới biết, còn gian nan và khổ hơn cả khi còn Sổ hộ khẩu.
Theo bài đăng trên Tuổi trẻ chia sẻ, dù đã có hướng dẫn thay vì cầm Sổ hộ khẩu đi xin vô trường học, đăng ký định mức điện nước, vay ngân hàng hay mua bán nhà... thì bà con chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp hoặc giấy tờ khác theo hướng dẫn là đủ, nhưng thực tế không phải vậy.
Đa số bà con đều bị ‘hành’ với Giấy xác nhận cư trú, bởi giấy này "ưu việt" hơn hộ khẩu là có thời hạn và khi hết hạn phải xin cấp lại, nhưng để được cấp không phải dễ, phải mất từ 3 tới 5 ngày và... có khi phải đóng thêm tiền?! Nhiều bà con bộc bạch rằng cách làm này, chẳng khác nào như ‘đẻ thêm Giấy phép con’ khiến dân khổ hơn chứ được gì. Dẫn lời của những người trong cuộc chia sẻ như sau:
1. Gian nan làm Giấy xác nhận độc thân vì phải có Giấy xác nhận cư trú.
5 năm trước, chị H. đã được cấp Giấy xác nhận độc thân nhưng nay có việc cần, chị lại đi làm thủ tục để cấp giấy này tại UBND phường 14, quận 10, TP.HCM. Dù sống ở đây đã lâu và có CCCD nhưng cán bộ tư pháp vẫn yêu cầu chị phải có Giấy xác nhận cư trú. Thế là họ hướng dẫn chị sang Công an phường làm, tránh mất thời gian chuyển tiếp, chị ra Công an xin giấy này thì được hẹn 3 ngày sau trả kết quả. Không riêng gì chị H., mà chị T. ở Cầu Giấy cũng gặp tình trạng tương tự.
Một vị cán bộ hộ tịch chia sẻ để xác nhận tình trạng hôn nhân đúng thì phải biết được thông tin người dân cư trú ở đâu cùng với khoảng thời gian nhất định. Dù đúng là có 7 cách chứng minh cư trú, nhưng thực tế chỉ có Giấy xác nhận cư trú mới ghi rõ mốc thời gian ở đâu, chuyển khẩu khi nào, lúc này mới cấp Giấy xác nhận độc thân cho bà con. Nhiều bà con phản ánh mình gặp rắc rối khi làm thủ tục này nhưng cán bộ tư pháp cho rằng bản thân mình và các đồng nghiệp cũng rất áp lực do cấp trên chưa có hướng dẫn cụ thể khi giải quyết nên họ phải làm vậy.
2. Đăng ký định mức nước gặp khó vì phải có Giấy xác nhận cư trú
Ông S., ngụ ở Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ hồi trước đi đăng ký định mức sử dụng nước, chỉ cần photo Sổ hộ khẩu là xong, nay do nhà ông thêm nhân khẩu nên ông phải đăng ký lại, đến nơi họ yêu cầu phải có xác nhận cư trú và được hướng dẫn làm qua Cổng dịch vụ công. Nhưng khi ông hỏi lại vì Công an chỉ khuyến cáo đăng ký thường trú và tạm trú online thôi, thì họ lại hướng dẫn viết đơn yêu cầu cấp xác nhận cư trú cho 4 nhân khẩu?! Thế có phải phiền hơn khi có Sổ hộ khẩu không?
3. Chuẩn bị hồ sơ cho con vào lớp 1 cần có Giấy xác nhận cư trú
Chị H., ở Thủ Đức, TP.HCM kể trong hồ sơ chuẩn bị cho con vào lớp 1 yêu cầu giấy tờ này nên chị phải lên phường xin giấy rồi về Công an khu vực ký tên. Mà lạ ở chỗ sau khi nộp tờ khai xong, Công an phường hẹn chiều hôm sau lên lấy. Lúc nhận giấy này, họ bảo có giá trị 30 ngày và phải nộp thêm 20.000 đồng?! Đọc đến đây, em thắc mắc vì sao phải tốn tiền nhỉ?
Thực tế, theo hiệu trưởng của một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM chia sẻ việc xác nhận thông tin cư trú của trẻ là quan trọng vì để giải quyết nhu cầu nhập học khách quan do trường chỉ nhận các học sinh đúng tuyến, tránh tình trạng chạy trường trái quy định, nên em nào không có giấy sẽ khó được giải quyết nhập học.
4. Vay ngân hàng hoặc mua bán nhà đều cần Giấy xác nhận cư trú
Dù trước đó báo đài từng thông tin rằng có thể dùng CCCD gắn chíp thay Sổ hộ khẩu trong các giao dịch nhưng thực tế đi vay tiền ngân hàng, các đơn vị này đều yêu cầu Giấy xác nhận cư trú có công chứng. Còn đối với các hồ sơ nhà đất nếu là tài sản chung của vợ chồng thì cũng phải có giấy này, nếu chỉ đứng tên một cá nhân thì chỉ cần quét mã QR trên CCCD là được.
Rồi đến phía Văn phòng công chứng khi khách yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp tài sản thì lại yêu cầu phải có xác nhận cư trú. Kể cả việc mua bán nhà đất hay xe máy đều yêu cầu phải có Giấy xác nhận cư trú.
Nhiều người thắc mắc dữ liệu cập nhật tới đâu rồi sao không liên thông, kết nối và chia sẻ để dân đỡ khổ hơn nhưng thực tế khi hỏi tới, họ bảo rằng do chưa liên thông nên mới cần xác nhận. Quá bức xúc, một số người cho rằng rõ ràng bỏ Sổ hộ khẩu nhưng thêm giấy tờ này chẳng khác nào đẻ thêm giấy phép con hành dân vì mất vài ngày mới xin được giấy tờ này, trong khi hạn sử dụng chỉ 30 ngày!
5. Rắc rối khi xin visa vì mỗi nơi yêu cầu một kiểu, mình đứng giữa không biết làm sao
Do cần cấp visa đi Hàn Quốc 5 năm, chị T., ở Hà Nội được yêu cầu nộp Giấy xác nhận cư trú bản dịch thuật công chứng, nhưng bắt phải điền đầy đủ bằng hình thức đánh máy. Trong khi về Công an phường thì họ buộc viết tay, chứ không được đánh máy. Giấy tờ mọi thứ xong, nhưng còn vướng Giấy xác nhận cư trú nên thủ tục xin visa vẫn cứ treo ở đó.
Không riêng chị T., chị P. cũng ngụ tại Hà Nội chia sẻ mình cũng gặp tình huống tương tự, ngược xuôi 2 tuần vẫn chưa xong giấy tờ.
Đấy là chia sẻ thực tế từ phía các bà con đi làm thủ tục hành chính, còn phía Văn phòng công chứng, họ cho hay dù có quy định nhưng họ vẫn chưa dùng được dữ liệu liên thông, kết nối và để tránh xảy ra các rủi ro không đáng có, họ phải yêu cầu cấp Giấy xác nhận cư trú. Trong khi phía đại diện Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội bảo rằng việc yêu cầu phải có Giấy xác nhận cư trú khi đi làm các thủ tục hành chính dù người dân đã đủ điều kiện là do một số cán bộ nhận thức chưa đầy đủ.
Nhận được phản ánh từ phía người dân, cơ quan đã kiểm tra thì thấy phần lớn là dù có đủ điều kiện tra cứu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng thực tế họ không thực hiện, dẫn đến yêu cầu người dân phải có giấy tờ này.
Giấy xác nhận cư trú chỉ là 1 trong 7 giấy tờ chứng minh nơi cư trú thay thế Sổ hộ khẩu, chứ không phải duy nhất. Vấn đề này đã được cơ quan hướng dẫn và nói rõ rất nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, cán bộ nào yêu cầu người dân phải có Giấy xác nhận cư trú dù họ đủ điều kiện chứng minh ở các phương thức khác là không đúng và gây khó dễ, làm cản trở quá trình cải cách hành chính. Do đó, thời gian tới cơ quan sẽ quán triệt dứt điểm cán bộ không được dùng hoặc yêu cầu người dân xuất trình Giấy xác nhận cư trú.
Cập nhật đến nay, hệ thống đã liên thông, kết nối dữ liệu của 59/63 tỉnh, thành và chỉ còn 4 tỉnh, thành Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa và Bắc Kạn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Do đó, chỉ có tại 4 nơi này mới được phép sử dụng Giấy xác nhận cư trú.
Haiz, không biết khi nào ở mình mới hết ‘hành là chính’ nữa bà con nhỉ. Thiệt là khổ quá mà.