Con trai liên tục đòi hỏi, không có chút gì nghĩ cho cha mẹ và gia cảnh khó khăn của nhà mình. Vô tư, vô tâm, vô tình, thật khó để thay đổi.
Tuy bên ngoài có vẻ rất ổn nhưng mỗi gia đình luôn có những câu chuyện riêng khiến các thành viên cảm thấy buồn phiền. Khi người giàu cũng khóc thì người nghèo đã không tiền lại còn đối mặt với rất nhiều vấn đề lại càng khổ tâm hơn.
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về một nam sinh không biết thương cha mẹ dù gia cảnh khó khăn. Nhà nghèo, cha làm nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mẹ rửa chén thuê, lương mỗi tháng cũng chẳng có bao nhiêu. Ấy vậy nhưng con trai vô tư vô lo, không những tiêu xài không biết suy nghĩ mà còn đua đòi vô tội vạ. Tâm sự được đăng trên Beatvn như sau:
“Mọi người ơi tôi buồn quá, không biết làm sao để dạy thằng em đua đòi.
Nhà tôi bố mẹ làm nông dân, trồng 1 mùa nhãn chỉ được 10 mấy triệu, mẹ còn đi rửa chén thêm. Tôi làm lương ko đc bao nhiêu để trả nợ lúc xưa cho cha mẹ đỡ vất. Thằng em thi ĐH xong đòi học trường 20 triệu/năm, ở trọ riêng 1,5 triệu/tháng, tháng cho 4tr. Trường công lập rẻ thì chê "không thích". Nếu không cho học trường tư sẽ học cao đẳng. Tôi khuyên cỡ nào cũng như nước đổ lá môn.
Năm nay mẹ vay thêm 200 triệu để cất lại nhà quá tồi tàn không thể ở được nữa. Nó còn bảo vay 80 triệu để đi học, bán nhãn mua laptop liền. Mẹ gần 60 tuổi nó không hề biết thương. Giờ tôi khuyên xong thành ra ghét tôi luôn. Giờ có cách nào thay đổi tính nết của nó không?”.
Nhà nghèo tiền nghèo bạc không sợ, chỉ sợ có con vô trách nhiệm, vô tâm trước nỗi khổ cực của mẹ cha. Chỉ cần con không quậy phá mà chuyên tâm học hành cho nên người, cha mẹ đâu ngại gì vất vả. Chỉ tiếc là con không biết suy nghĩ chín chắn mới gây nỗi khổ cho gia đình.
Ảnh minh họa, Congcutot.vn, Chodocu.com
Đồng cảm và chia sẻ với gia đình, người dùng mạng để lại nhiều lời khuyên. Thương con nhưng gia đình cũng nên cứng rắn nghĩ cách để trị chàng quý tử chứ không nên nuông chiều buông xuôi:
- Cứ tạm ngưng học, cho đi làm 1 năm để biết kiếm đồng tiền nó khổ như nào. 1 năm cũng đủ để nhận định học ngành gì sẽ hợp hơn.
- Sống ích kỷ không có tình thương với gia đình thì cho đi ăn học chắc cũng được 2,3 năm là bị đuổi vì nợ môn. Lên đại học dự đoán 90% chỉ ăn với chơi (đua đòi theo các bạn chứ trong đầu không bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh nhà còn khó khăn).
- Bảo ở nhà đi vặt nhãn mà bán, khi nào đủ tiền mua laptop với tiền học, tiền ăn thì đi, không thì thôi.
- Cho đi xách xô vác xi vữa 1 tháng cho nó hiểu giá trị đồng tiền. Nói chung nhiều thanh niên trước đây cũng phá lắm, chỉ khi ra đời làm ăn bươn chải mới bắt đầu thấy thương bố mẹ và gia đình nhiều hơn.
- 18 tuổi tự đi làm thêm trang trải việc học thôi. Gia đình có thể hỗ trợ phí nhập học năm đầu, còn lại bắt tự trả hoặc cho đi làm giấy vay tự đứng tên luôn. 20 triệu/năm thì đi làm thêm các buổi tối và ngày nghỉ kiếm lại được tiền học, tự đi làm cân đối chi tiêu sẽ biết phải ở chung, riêng hay ký túc xá như thế nào thôi.
Không có việc gì là không tìm được cách giải quyết, quan trọng là gia đình có thể cứng rắn đến mức nào thôi. Chẳng biết gia đình có cưng chiều từ bé hay không mà đến giờ này mới than vãn con trai quậy phá, không biết suy nghĩ. Nếu cứ tiếp tục mềm lòng mà chiều chuộng, thì gia đình vẫn còn khổ dài dài.
Ảnh minh họa, Tuổi trẻ
Nuôi con đã cực, dạy con cực hơn gấp nhiều lần. Để con thành người biết suy nghĩ, có trách nhiệm với cuộc đời mình và gia đình là chuyện không hề dễ dàng. Hồi búp măng không dạy được, đến khi thành tre thì làm sao uốn nắn? Nhưng nếu cha mẹ biết tạo điều kiện cho con thay đổi hoặc tham khảo lời khuyên của mọi người để dạy dỗ thì mọi chuyện vẫn có thể xoay chuyển theo hướng tích cực hơn.
Con cái không biết suy nghĩ cho bố mẹ, bố mẹ vì lý do riêng mà làm con cái buồn phiền... nói chung mỗi nhà mỗi cảnh. Tóm lại, người có thể làm cho mình lo lắng, buồn khổ nhất vẫn chỉ là người thân thôi.