Học sinh gian lận khi thi cử bị nhắc nhở, kết quả suy nhược nhập viện, cô giáo tự dưng thành người có lỗi.
Bây giờ nhiều đứa trẻ mong manh dễ vỡ, thành ra đến lớp, cô giáo không dám dạy bảo nặng lời, cái gì cũng phải nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Nhưng chỉ nhỏ nhẹ, ngọt ngào thật sự có thể dạy dỗ bọn trẻ nên người? Và liệu khi học sinh gây ra sai lầm nghiêm trọng, chỉ nói vài câu bỏ qua là được?
Gần đây em xem trên trang tin nước ngoài, một cô giáo cảm thấy khó xử khi răn dạy học trò. Lỡ nặng lời, nghiêm khắc khi học trò gian lận, ai ngờ em đó nhập viện. Gia đình quay ra trách cô giáo, mà chính bản thân cô cũng tự hỏi có phải mình đã sai.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: cunman
Từ bao giờ việc học sinh làm sai, nhắc nhở trước lớp lại khó khăn đến vậy. Em ấy gian lận thi cử bị bắt quả tang, nhưng đến khi phải đối diện lỗi lầm trước lớp thì suy sụp. Có phải dạy dỗ kiểu cho trẻ con quá nhiều lời đường mật, đến khi gây ra lỗi lầm, trẻ lại chẳng chịu đựng được chút la rầy, xấu hổ.
Theo lời kể trên trang mạng, những năm gần đây, ở bên xứ Trung, hình ảnh người thầy nghiêm khắc dường như không còn nữa. Ví dụ như con đi học xích mích với bạn lỡ trầy tí, phụ huynh yêu cầu giáo viên giải thích. Bé trượt chân ở trường, phụ huynh cũng gọi điện thoại mắng vốn cô giáo.
Giáo viên ngày càng ít có tiếng nói ở lớp, như vậy làm sao dạy dỗ học trò cho nên người được. Nhất là những học sinh ngỗ ngược, phạm lỗi lớn, nếu không răn đe thì có phải các em không biết lỗi sai, làm gương xấu cho những bạn khác.
Em xin chia sẻ lại câu chuyện của cô giáo dạy dỗ học sinh gian lận, phụ huynh xem coi cô có sai ở đâu không ạ. Chứ cũng chín người mười ý, người bênh cô người lại trách cô dạy dỗ không khéo. Ai mà ngờ, chỉ nhắc nhở học sinh làm sai trước lớp, em nó đổ bệnh nhập viện luôn.
Học sinh gian lận thì ở đâu cũng có, nhiều trường hợp bị cấm thi, hỏng hết cả tương lai vì gian lận. Một khi đã gian lận, các em phải lường trước được việc mình bị bắt quả tang và hậu quả sau đó. Đã gian lận, các em phải chấp nhận việc một ngày nào đó bị phát hiện, trường học, gia đình, làng xóm ai cũng biết.
Học sinh nhập viện sau khi bị giáo viên khiển trách. Ảnh: sohu
Vừa rồi, có một em học sinh 18 tuổi gian lận bị cô giáo bắt tại trận. Em này vốn học giỏi trong lớp, có lẽ lần này sợ điểm kém nên mới làm chuyện dại dột. Có lẽ quá thất vọng với em học sinh mà cô luôn tin tưởng, ngay giờ phút đó cô đã lỡ to tiếng, mắng em trước mặt các bạn trong lớp. Cô giáo thừa nhận là mình có dùng lời lẽ hơi gay gắt.
Kết quả em này về nhà thì lâm bệnh, cơ thể suy nhược và phải nhập viện. Người nhà trách cô giáo quá lời, làm tổn thương học sinh trước lớp. Từ lúc học sinh nhập viện, cô giáo cũng bắt đầu hoài nghi chính mình liệu có làm sai hay không. Có phải cô đã nói lỡ lời điều gì khiến học sinh mình bệnh luôn không.
Đối với vấn đề này, cư dân mạng cũng có ý kiến và ví dụ của riêng mình. Một số học sinh cho rằng cô giáo làm việc hơi quá đáng. Dù cho em kia có gian lận thì không nên thẳng tay trách móc trước lớp như vậy.
Nhưng cũng có những học sinh cho rằng nên khiển trách trước lớp cho em đó tỉnh ra, đừng tự lừa dối chính mình nữa. Việc em đó gian lận, làm sai mà đem giấu kín là không công bằng với các em khác trong lớp. Như vậy chẳng khác gì bao che, thiên vị cho em học sinh đó.
Đây là đã bị bắt khi gian lận, còn nếu gian lận thành công thì sao, có phải càng gây bức xúc cho các bạn cố gắng học bằng thực lực hay không. Việc giáo dục ý thức trung thực thi cử là việc giáo viên cần làm với học sinh. Tuy nhiên cần chú ý lời ăn tiếng nói khi dạy dỗ các em. Đừng quá gay gắt mà tổn thương lòng tự trọng của học sinh.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
Riêng em học sinh này đã 18 tuổi, đã đủ năng lực đối diện với sai lầm bản thân gây ra. Không thể hở chút là suy sụp, là nhập viện rồi để gia đình quay ra trách móc cô giáo được. Con họ là người sai, đã gian lận khi thi cử, cớ đâu lại đi đổ lỗi cho cô giáo.
Qua đây có thể thấy gia đình bình thường rất nuông chiều con, nhưng lại không mấy quan tâm đến tình hình học tập của con. Hở có chuyện gì là lại đổ lỗi sang cô giáo. Đây cũng là điều phụ huynh cần suy ngẫm. Đừng nghe mỗi con mình và tin con trong mọi chuyện, cần lắng nghe từ cô giáo và bạn học nữa.
Cha mẹ cũng nên bao dung hơn với giáo viên, quan tâm đến học sinh hơn, trao đổi với giáo viên kịp thời. Để giáo viên không bị gò bó, không dám dạy dỗ, không dám động chạm đến học sinh thì sao răn dạy cho nên được.
Một số em học sinh trong lớp cũng bày tỏ là cô giáo có thể gọi những em làm sai vào nói chuyện riêng. Tránh những trường hợp dễ tổn thương, phản ứng quá mức đến nỗi nhập viện như em này. Tuy nhiên, nếu chỉ nói riêng, rồi học sinh thấy không nhằm nhò gì, được nước làm tới. Lúc đó cô giáo sẽ phải làm sao? Dạy học trẻ con bây giờ đúng là khó khăn, mệt mỏi quá.