Bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo rất hiếm gặp nhưng nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều di chứng thần kinh nặng nề và có thể gây tử vong

Không biết các mẹ ở đây có thích nuôi chó mèo không chứ em từ khi nhà có con nhỏ là quên luôn cái sở thích chăm thú cưng các mẹ ạ. Nhiều nhà em thấy cho cả chó mèo lên giường ngủ với con, thực sự dù những con vật này được chăm sóc, tắm rửa sạch sẽ kỹ càng đến mấy thì vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho trẻ nhỏ mà chúng ta không lường trước được các mẹ ạ. Như hôm nay em đọc trên báo Vnexpress có đưa thông tin 1 bé trai 8 tuổi bị viêm não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo mà sợ quá các mẹ ạ, em chia sẻ lên đây để các mẹ nào nhà có nuôi chó mèo thì hết sức lưu ý nhé.

Bé trai 8 tuổi bị viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo

Theo đó người nhà của bé trai này 8 tuổi này cho biết khoảng 1 tuần nay bé xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, sốt và toàn thân đau âm ỉ. Thấy tình trạng của con không đỡ nên người nhà đã đưa bé vào Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu do sốt cao, đau đầu. Tại đây các bác sỹ đã tiến hành chụp cộng hưởng từ sọ não và chọc dịch não tủy, xét nghiệm máu, cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo (toxocara).

hình ảnh

Bệnh nhi vui vẻ, khỏe mạnh trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mà các mẹ biết không, theo bác sỹ Đào Thị Loan, Trung tâm Sản Nhi chia sẻ thì mặc dù bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo rất hiếm gặp nhưng nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây ra nhiều di chứng thần kinh nặng nề và có thể gây tử vong nữa đó các mẹ ạ. Trong trường hợp của bé trai 8 tuổi này, các bác sỹ đã sớm phát hiện nên điều trị bằng kháng sinh kết hợp thuốc tẩy giun. Được biết đến nay sau hai tuần điều trị, tình hình sức khỏe của bé trai đã ổn định, xét nghiệm chỉ số bạch cầu ái toan trong máu giảm, dịch não tủy bình thường trở lại, có thể xuất viện.

Giun đũa chó mèo (Toxocara) là gì?

Theo tài liệu tham khảo thì bệnh giun đũa chó mèo (Toxocariasis) do tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Ấu trùng của loài giun này gây tổn thương cho cơ thể người khi chúng xâm lấn vào các cơ quan như: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương, mắt…

Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa có thể xâm nhập gây bệnh cho người.

Người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ, ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh gây nên bệnh cảnh của viêm não – màng não. Đặc biệt trẻ rất năng động và thích đùa nghịch với đất cát, mà đây lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo nên nguy cơ dễ lây bệnh càng cao.

hình ảnh

Nhiều trẻ dễ bị nhiễm giun sán khi tiếp xúc với chó mèo. Ảnh minh họa. Nguồn hình: sohu

Phòng bệnh giun đũa chó, mèo như thế nào?

-  Nhà có nuôi chó mèo thì cha mẹ cần phải hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.

- Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

- Tuyệt đối không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

- Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

- Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Thực tế thì em thấy bên cạnh việc trẻ dễ bị nhiễm giun sán từ chó mèo thì thời gian gần đây cũng có không ít trẻ gặp nguy hiểm từ vật nuôi này dẫn đến các trường hợp phải nhập viện cấp cứu do bị chó mèo cắn. Vậy nên vì sự an toàn của trẻ, ba mẹ nên cân nhắc trước khi nhận nuôi con vật nào đó trong nhà nhé.