Trong đợt cô Vít thứ năm, số lượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiễm bệnh cao hơn hẳn so với các đợt trước.

Là cha mẹ thì ai cũng lo lắng, nhưng đa phần các phụ huynh có con mắc đều chia sẻ kinh nghiệm rằng nếu con không béo phì hoặc có bệnh nền thì chỉ cần chú ý quan sát, bồi bổ cho con, giúp con vượt qua. Tuy nhiên, không hiếm những gia đình dùng mẹo dân gian tự ý chữa trị cho con, như trường hợp bé 2 tháng mắc cô Vít nguy kịch khi vào viện ở Phú Thọ mới đây. Chia sẻ với các mẹ cùng cảnh báo của các bác sĩ để chăm con khoa học và hợp lý hơn nhé.

hình ảnh

Trẻ mắc cô Vít cần được theo dõi và chăm sóc hợp lý (Ảnh Quân đội Nhân dân)

Em đọc trên Vietnamnet thì em bé sơ sinh 2 tháng tuổi vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng sốt cao 40 độ, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ 1. Kết quả test nhanh dương tính với nCoV. Gia đình cho biết khi vào viện thì bé mắc cô Vít ngày thứ tư, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt. Gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa cô Vít và đắp lá vùng thóp để hạ sốt. Tuy nhiên tình trạng em bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Trước diễn tiến của bé 2 tháng nhập viện nguy kịch mắc cô Vít, các bác sĩ đã cấp cứu đặt ống NKQ, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên hội chẩn chẩn đoán cần theo dõi viêm não, màng não, sốc nhiễm khuẩn. Em bé nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, các bác sĩ phải chạy đua để có thể cấp cứu kịp thời cho bé. Với những bé sơ sinh khi nhiễm cô Vít rất dễ chuyển biến nặng nếu không được theo dõi và chăm sóc kịp thời. Hình ảnh em bé mới 2 tháng với phần bụng phồng rộp vì đắp tỏi đã khiến nhiều mẹ không khỏi xót xa:

“Thế kỷ 21 rồi, thuốc đông y, thuốc nam không phải là không tốt, nhưng cần phải tỉnh táo xem tình trạng của con như thế nào thì nên đi gặp bác sĩ. Sốt 40 độ mà vẫn để con ở nhà được thì không hiểu người làm mẹ nghĩ gì. Chúc con mau khoẻ nha. Đây là bài học cảnh tỉnh cho các mẹ.”

“Thời buổi nào rồi còn đắp tỏi nhỉ. Với cả đắp nhiều tới mức bụng bị bỏng hết thế kia. Chúc con mau khỏe mạnh”

“Mình  xông vài nhánh tỏi hơi cay và nóng nó phả lên mặt còn nóng ran hết mặt, cay hết mắt, con da mong mảnh như thế thì làn sao mà chịu nổi?”

hình ảnh

Da trẻ sơ sinh rất mỏng manh, cha mẹ không tự ý đắp bất cứ thứ gì để trị bệnh (Ảnh trái Vietnamnet, ảnh phải Theherbal)

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo: Với gia đình có trẻ mắc cô Vít, nếu trẻ sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài tình trạng co giật do sốt, trẻ sơ sinh nhiễm cô Vít dễ bội nhiễm vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, hay gây tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi, thần kinh….. Cha mẹ không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các bác sĩ chỉ định để đắp hoặc cho trẻ uống. Hãy cho trẻ nhập viện ngay khi trẻ mắc cô Vít có các triệu chứng sau:

- Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật do sốt cao đơn thuần.

- Nhịp thở nhanh.

- Lờ đờ mệt mỏi, bỏ hoặc không ăn uống được, khó chịu, quấy khóc, ý thức giảm khó đánh thức.

- Tiêu chảy nhiều, nôn, mất nước rõ: mắt trũng, môi khô, khóc không có nước mắt.

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

Tổng hợp từ VNN, VTC…