Mọi người ơi, cảm giác mát mẻ không chỉ là đơn thuần mà còn đảm bảo cho cơ thể chúng ta trong trạng thái khỏe mạnh. Cố chịu nóng không phải là điều tốt đâu. Như trường hợp của người  đàn ông này đã được báo chí đăng tải để cảnh báo cho mọi người biết rồi đấy!

Cụ thể, theo HK01 đưa tin, ngày 8/7, Bệnh viện Trung ương quận Songjiang (Thượng Hải, Trung Quốc) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 61 tuổi bất tỉnh vì không chịu bật điều hòa ở nhà. Người đàn ông này cố gắng chịu đựng thời tiết nóng nực chỉ vì muốn tiết kiệm tiền điện.

Vậy nhưng điều đáng sợ hơn đã xảy ra. Sau khi tan làm, các con của ông trở về và phát hiện ông nằm hôn mê trong nhà, nhiệt độ cơ thể lên tới 42°C.

Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã trải qua thời gian khá dài nằm bất tỉnh trên sàn nhà, da bị bỏng vì tiếp xúc lâu với nền đất nóng. Rất may, nỗ lực cấp cứu đã giúp nhiệt độ cơ thể bệnh nhân từ từ giảm xuống mức 37,8 độ C. Các dấu hiệu sinh tồn cũng trở lại bình thường.

Bệnh nhân trên không phải là người duy nhất ngất xỉu vì không dám bật điều hòa khi trời nóng. Trước đó, vào ngày 7/7, bà Hou, 69 tuổi, cũng bất tỉnh trong nhà và chỉ được phát hiện khi các con đi làm về vào buổi tối. Họ đưa bà tới Bệnh viện Nhân dân Thượng Hải. 

Sau khi kiểm tra, nhân viên y tế cho biết nhiệt độ cơ thể bà Hou cao tới 41,4 độ C, huyết áp tụt xuống mức 74/56 và độ bão hòa oxy trong máu rất thấp, chỉ 60%. Họ sử dụng túi chườm đá và chăn đá để hạ thân nhiệt cho bà, đồng thời truyền nước muối để điều chỉnh tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải. Bà Hou cũng phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.

Đến ngày 8/7, tình trạng của bệnh nhân có dấu hiệu xấu hơn. Bà bị đông máu nội mạc lan tỏa (DIC). Ngoài vết bầm máu dưới da thấy rõ, lượng tiểu cầu của bà còn giảm xuống mức một con số. Bác sỹ nhận định bà có thể bị xuất huyết nội sọ bất cứ lúc nào.

Đông máu nội mạc lan tỏa là cơn khủng hoảng do đột qụy vì nhiệt, thiếu ôxy, nhiễm toan, sốc và các yếu tố khác, làm tổn thương hệ thống vi mạch toàn cơ thể, từ đó kích hoạt chức năng đông máu. Bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào do chảy máu khắp cơ thể.

Bà Hou được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt. Sau 10 ngày điều trị, nhiệt độ cơ thể, huyết áp và độ bão hòa ôxy trong máu mới trở lại bình thường. Dù vậy, bà vẫn phải chuyển đến bệnh viện phục hồi chức năng để điều trị bằng ôxy cao áp.

Bác sỹ Chen Yuanzhuo, Phó khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân số 10 Thượng Hải, cho biết, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, không chỉ người lao động chân tay ngoài trời mà ngay cả người trong nhà cũng có nguy cơ say nắng. Bật điều hòa, thông gió thường xuyên, đảm bảo hấp thụ và cân bằng nước, chất điện giải là điều kiện cần thiết để có một mùa hè an toàn.

hình ảnh

Cụ ông nhập viện vì say nắng trong nhà, ảnh: VTCN

Mời bà con tham khảo thêm thông tin: Cơ thể con người có thể chịu đựng được mức nhiệt độ tối đa là bao nhiêu

Nghiên cứu của giáo sư Lewis Halsey và cộng sự ở Đại học Roehampton, Anh, xác định nhiệt độ tới hạn đối với con người nhiều khả năng nằm trong khoảng 40 - 50 độ C. Họ đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn để lý giải sự gia tăng tiêu hao năng lượng trao đổi chất ở nhiệt độ cao, Eurek Alert hôm 6/7 đưa tin.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Halsey nhận thấy tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi, thước đo mức năng lượng cơ thể người tiêu thụ để duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, có thể cao hơn khi tiếp xúc với điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về dải nhiệt mà các loài vật khác nhau có thể tồn tại để tốc độ trao đổi chất ở mức tối thiểu và tiêu hao năng lượng ở mức thấp. Nhưng có rất ít thông tin liên quan tới con người khi xem xét giới hạn trên của vùng nhiệt trung tính, theo giáo sư Halsey.

Việc hiểu rõ nhiệt độ mà tại đó tốc độ trao đổi chất của con người bắt đầu tăng lên và mức nhiệt chênh lệch ở mỗi người có nhiều ý nghĩa đối với điều kiện công việc, thể thao, y tế và du lịch quốc tế. "Nghiên cứu này cung cấp hiểu biết cơ bản về cách chúng ta phản ứng với môi trường kém thuận lợi và điều kiện tối ưu thay đổi ra sao giữa từng người với đặc điểm khác nhau", giáo sư Halsey cho biết.

Nhiệt độ toàn cầu tăng cao tới mức trung bình 17,18 độ C từ kỷ lục trước đó là 17,01 độ C. Nhiều khả năng tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận từ thời kỳ Eemian cách đây 120.000 năm, theo tiến sĩ Karsten Haustein, nghiên cứu sinh về bức xạ khí quyển ở Đại học Leipzig.

"Chúng tôi đang xây dựng bức tranh về cách cơ thể phản ứng với ứng suất nhiệt, mức độ thích nghi và giới hạn thích nghi của mỗi cá nhân trong thế giới đang ấm lên", giáo sư Halsey nói.