Thang máy giúp chúng ta di chuyển từ tầng này tới tầng kia dễ dàng hơn mà không cần phải mất công đi bộ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tình huống chiếc thang máy làm chúng ta dở khóc dở cười vì những sự cố không lường trước được. Ví dụ đứt dây cáp – thang rơi tự do hoặc thang máy đóng cửa tắt ngúm và không di chuyển và điển hình nhất trong vụ việc em mới đọc được trên trang VTC News là bé gái bị điện giật khi sử dụng thang máy.
Chuyện kể lại là vầy, hôm đó cả gia đình cô Cố đến thành phố Tứ Xuyên, Trung Quốc đi du lịch. Gia đình họ quyết định chọn khách sạn nọ để dừng chân. Sau khi nhận thẻ phòng từ quầy lễ tân xong, cả 3 mẹ con về phòng dọn dẹp. Xong xuôi họ cùng nhau đi ăn tối, nhưng không ngờ lúc bước vào thang máy, họ phát hiện ra không có nút bấm tầng 1. Thấy vậy, đứa con gái mới bấm nút mở cửa ra rồi thò đầu vào thang máy cạnh bên để xem có nút bấm tầng 1 không, song khi vừa mới chạm tay vào cửa thang máy, bé gái này giật bắn người lên rồi run lẩy bẩy.
Người mẹ đứng đó chứng kiến toàn bộ cảnh tượng không khỏi lo lắng và hoảng hốt, nhanh chân gọi lễ tân và cảnh sát tới chỗ của họ rồi đưa bé gái đi cấp cứu, đồng thời kiểm tra thực tế ra sao. Tại bệnh viện, các bác sĩ nói rằng bé gái bị tổn thương nặng nên sẽ để lại di chứng về sau. Rồi họ yêu cầu nhập viện để tiện bề chăm sóc và theo dõi để đảm bảo giữ tính mạng cho bé.
Được biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, khách sạn này đã gọi cho đơn vị bảo trì thang máy tới. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do rò rỉ điện. Rất có thể đơn vị này không thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời các hệ thống đường dây điện và thiết bị điện mới xảy ra tình huống ấy.
Đặt giả sử nếu gặp tình huống này tương tự, việc của mẹ là phải nhanh chóng báo cắt nguồn điện, đồng thời dùng vật không dẫn điện như gậy gỗ để kéo nạn nhân ra khỏi khu vực bị điện giật càng sớm càng tốt. Việc không kịp cấp cứu đúng cách và đưa nạn nhân đến bệnh viện kịp thời sẽ dễ đẩy nạn nhân vào tình thế nguy hiểm đến tính mạng, từ mệt mỏi – hôn mê – co cơ – sốc – rối loạn nhịp tim – ngừng tim – ngừng hô hấp và cuối cùng là tắt thở. Do đó, mình nắm sơ các kỹ năng cơ bản ít nhiều có thể cứu được người trong tình huống khẩn cấp này.
Nghe nói phía khách sạn cho biết họ sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí y tế và chăm sóc gia đình bằng việc cung cấp 3 bữa cơm/ngày. Họ nói rằng có chuyện gì họ sẽ chịu trách nhiệm, chứ không hề né tránh.
Rút kinh nghiệm từ những tai nạn xảy ra khi đi thang máy, cha mẹ cần lưu ý đối với con cái của mình:
- Tuyệt đối không để trẻ đi thang máy một mình và tự động bấm các nút điều khiển trong tháng máy.
- Khi thang máy không may gặp sự cố không hoạt động, thay vì cố gắng la hét hoặc tỏ ra sợ hãi thì hãy bình tĩnh bấm nút khẩn cấp hoặc dùng điện thoại (nếu có) gọi ra ngoài cầu cứu. Việc la hét càng khiến chúng ta mất nhiều oxy hơn, dễ dẫn đến ngạt thở và lụi dần.
- Khi đội cứu hộ đến ứng cứu, hãy lắng nghe theo hướng dẫn của họ và thực hiện thay vì hành động theo cảm tính có thể gây nguy hiểm cho mình.
Cuối cùng là phía các đơn vị có sử dụng thang máy như khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, chung cư... cần thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thang máy. Vì trong tình huống để xảy ra sự cố làm nguy hiểm đến tính mạng, các đơn vị này sẽ là nơi chịu trách nhiệm với nạn nhân đầu tiên đấy.