Những bài toán tiểu học hiện nay không chỉ mang tính chất rèn luyện khả năng tính toán, số học mà còn đan xen một số bài toán "mẹo" nhằm rèn luyện khả năng tư duy, óc sáng tạo của học sinh. Điều đó khiến các em trở nên thông minh, linh hoạt hơn - những khả năng không thể thiếu đối với học sinh hiện nay. Tuy nhiên, vì lý do này nên thời gian qua, trên MXH cũng xuất hiện nhiều bài Toán gây tranh cãi, như bài toán dưới đây chẳng hạn.
Được biết, bài toán tiểu học này được một vị phụ huynh chụp lại và đăng tải mạng xã hội. Nội dung bài toán như sau: "Có 5 con cá, chết 2 con thì trong bể còn lại mấy con cá?".
Nhìn lướt qua, đa phần mọi người sẽ nghĩ bài toán này được tích theo phép tính "5-2=3". Và đáp án cuối cùng lời là 3 con cá, nhưng thực tế kết quả lại không phải như vậy.
Tuy nhiên, logic của bài toán có chút khác biệt so với những gì mọi người nghĩ. Đề bài chỉ nói rằng là "Có 5 con cá, chết 2 con thì còn lại mấy con cá trong bể", chứ không hề nói 2 con cá chết được vớt ra khỏi bể cá. Về bản chất, vẫn có 5 con cá trong bể, chỉ là 3 con còn sống, còn 2 con đã chết. Vậy nên, đáp án chính xác là có 5 con cá trong bể.
Bài toán này đã khiến dân tình tranh cãi kịch liệt. Người cho rằng bài toán khá hay khi không đi theo lối mòn nào cả, mà kích thích khả năng tư duy của học sinh. Song, không ít netizen cho rằng đề bài đưa ra quá chung chung, khiến không chỉ học sinh mà cả phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Với câu hỏi này, giáo viên nên chấp nhận cả đáp án là "3" và "5" vì không phải ai cũng tinh ý phát hiện ra "lỗ hổng" trong đề bài.
Bạn có giải được bài toán này không?
Cứ tưởng là người lớn thì làm Toán tiểu học dễ ẹc. Nhưng trên thực tế, không thiếu những bài Toán lớp 1, lớp 2 khiến phụ huynh vò đầu bứt tóc, xin giơ hai tay đầu hàng.
Bài toán điền vào chỗ trống
Một bài toán của học sinh tiểu học từng khiến các phụ huynh tranh cãi gay gắt và chỉ trích thầy giáo. Nguyên do là thầy đã đánh sai hết bài làm của học sinh. Cụ thể, đề bài cho như sau:
Viết số thích hợp vào chỗ chấm:
a) Số liền sau của 46 là... (đáp án học sinh: 47; đáp án thầy giáo: 45)
b) Số liền sau của 73 là... (đáp án học sinh: 74; đáp án thầy giáo: 72)
c) Số liền trước của 81 là... (đáp án học sinh: 80; đáp án thầy giáo: 82)
d) Số liền trước của 1 là... (đáp án học sinh: 0; đáp án thầy giáo: 2)
Thực tế đây không phải là bài toán mà chỉ là khái niệm toán học vô cùng đơn giản. Tuy nhiên thầy giáo đã nhầm lẫn giữa khái niệm "liền trước" và "liền sau" nên mới đưa ra đáp án sai lệch như vậy. Không ít phụ huynh sau đó bày tỏ sự bức xúc: "Thầy nên về học lại bài rồi hãy đi dạy", "Trình độ sư phạm như này mà cũng đi dạy",...
Bài toán cưa gỗ
Đây là bài toán tiểu học từng gây xôn xao cộng đồng mạng, khiến các bậc phụ huynh tranh cãi nảy lửa. Nội dung bài toán tiểu học này cụ thể như sau: "Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ đó hết bao lâu?".
Học sinh đã đưa ra cách giải: "Cưa cả cây gỗ đó hết số phút là: 12 x 6 = 72 phút". Tuy nhiên cách làm này bị cô giáo gạch sai và thay bằng đáp án: "Cưa được số đoạn là: 7x1=7 đoạn. Cưa cả cây gỗ hết thời gian là 12x7=84 phút".
Nhiều phụ huynh cho rằng học sinh giải đúng và cô giáo đã giải sai. Cây gỗ dài 7 đoạn thì chỉ cần 6 lần cưa là đủ và thời gian cưa là 72 phút. Bên cạnh đó không ít ý kiến lại chỉ ra đề bài chưa chặt chẽ. Có thể đề muốn học sinh làm quen với cách nhân chia, nhưng học sinh lại thông minh hơn đề bài.
Bài toán tính nhanh
Cộng đồng mạng tại Việt Nam từng được phen dậy sóng trước một bài toán tính nhanh dành cho học sinh tiểu học. Đề bài như sau: 66 - 6 + 7 + 23 - 18 + 2 = ?
Đáp án học sinh đưa ra là 74 sau khi thực hiện phép tính theo thứ tự từ trái qua phải. Tuy nhiên, phần sửa mực đỏ được cho là của giáo viên lại nhóm các phép tính với nhau để có kết quả tròn (phù hợp với yêu cầu tính nhanh), đáp án là 70. Bài toán sau khi được chia sẻ lên mạng đã nhận về nhiều tranh cãi dữ dội.
Theo ý kiến của một giáo viên tiểu học, phép toán trên không có nhân chia, phải thực hiện theo thứ tự lần lượt từ trái sang phải. Theo nữ giáo viên, cách nhóm các phép tính lại như trên là hoàn toàn sai vì không theo quy luật toán học. Đáp án của học sinh là đúng song đó không phải cách tính nhanh phù hợp cho bài toán này.