Kỹ sư mở tiệm sửa xe, mỗi năm kiếm được 4 tỷ và nay lên truyền hình để gọi vốn cho sản phẩm do tự mình sáng chế. Câu chuyện đang được đông đảo cư dân mạng quan tâm.
Cụ thể, gần đây ông Nguyễn Vĩnh Sơn - kỹ sư, nhà sáng chế và là Ủy viên Ban sáng lập Hội Sáng Chế Việt Nam tham gia chương trình truyền hình để kêu gọi vốn cho 2 sản phẩm là vòng bi cổ xe và bộ điều khiển giảm xóc. Ông Sơn cho biết, sản phẩm vòng bi được ông phát minh và thiết kế đặc biệt có độ bền gấp 3-5 lần với sản phẩm chính, giúp xe chạy êm, giảm xóc, giảm trượt. Ông cũng khẳng định vòng bi có thể sử dụng đến 10 năm, không cần bảo trì.
Về giá cả, ông Sơn cho biết ngoài thị trường bán tầm 13-20 triệu đồng/bộ nhưng ông làm chỉ có 100K và hiện đã lắp cho hơn 100.000 chiếc xe.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ)
Việc tham gia kêu gọi vốn lần này là do ông Sơn mong muốn có thể đưa sản phẩm của người Việt sáng chế, sản xuất được vươn xa trên thế giới. Chia sẻ tâm tư của mình, ông bộc bạch: "Người ta vẫn hay nói với tôi rằng ở tuổi này anh viên mãn rồi, cần tiền làm gì? Tôi nói, không, tôi còn một ước mơ cao lắm. Đó là tôi muốn cả thế giới này biết Việt Nam là ai. Thứ hai nữa là tôi muốn truyền đạt đến các startup trẻ rằng phải có niềm cảm hứng, và hãy làm gì đó thật hoàn chỉnh rồi hãy đến đưa cho các Shark, đừng làm nửa vời, sẽ chết”.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ)
Con trai của ông Sơn là anh Nguyễn Vĩnh Hưng, tốt nghiệp kiến trúc trường Cal Poly Ponoma (Mỹ), đang làm Kiến trúc sư tại một công ty ở Hàn Quốc. Anh Hưng cho biết, mỗi ngày gia đình anh sửa tầm 20-30 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc là 600.000 đồng. Như vậy, mỗi năm sẽ thu được trên dưới 4 tỷ đồng.
(Ảnh chụp màn hình chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ)
Tuy không nhận được sự đồng ý đầu tư từ các Shark do không cùng ngành hoặc sản phẩm không nằm trong hệ sinh thái, 2 sản phẩm của ông Sơn sáng chế và sản xuất được Shark Bình đồng ý thẩm định lại tính khả thi rồi mới quyết định đầu tư hay không.
Như lời Shark Hưng nhận xét, có thể ông Sơn không hoàn toàn kêu gọi đầu tư cho sản phẩm của mình, mà ông cần người đi cùng. Ở tuổi của ông, chuyện kiếm tiền dường như không còn là gánh nặng bởi con cái đã thành đạt. Điều khiến vị kỹ sư này trăn trở là mong muốn đưa tài năng, sản phẩm của người Việt đến với thế giới ngoài kia. Đây mới là điều thật sự rất đáng nể ở ông Sơn vì tuổi tác không phải là rào cản khi sống với đam mê và khát khao cống hiến.
Màn gọi vốn của ông Sơn thu hút đông đảo bạn trẻ quan tâm và nhận được nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho kỹ sư sáng chế 2 sản phẩm hữu ích:
“Thực ra vốn mà bác gọi chả là gì so với thu nhập của bác, điều cốt lõi là bác muốn đưa sản phẩm của bác ra ngoài biên giới để cho thế giới biết “Việt Nam là ai””
“Đam mê với nghề là đây”
“Nghe bác thuyết trình về giảm xóc bằng cả đam mê, thật ngưỡng mộ”...