Dậy thì và dậy thì sớm
Dậy thì là quá trình chuyển tiếp từ trẻ em trở thành người trưởng thành . Giai đoạn này chứng kiến sự phát triển nhanh chóng về mặt thể chất của trẻ: tăng nhanh về chiều cao, cân nặng, đồng thời phát triển cơ quan sinh dục và đặc điểm sinh dục thứ phát: nổi mụn, lông cơ thể bắt đầu mọc (lông mu, lông nách), thay đổi giọng nói, mọc râu ở nam; ngực nở và xuất hiện kinh nguyệt ở trẻ gái.
Thông thường, nữ bắt đầu dậy thì lúc 10 đến 12 tuổi, nam dậy thì từ khoảng 9.5 đến 14 tuổi . Dậy thì sớm là khi các dấu hiệu thể chất của dậy thì (như kể trên) xuất hiện sớm hơn ngưỡng bình thường, tức là dưới 8 tuổi ở nữ và dưới 9 tuổi ở nam.
Các vấn đề tâm lý đến từ dậy thì sớm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những ảnh hưởng bất lợi về mặt tâm lý – xã hội do dậy thì sớm . Các trẻ dậy thì sớm có xu hướng tự ti, dễ lo lắng, bị cô lập, gặp nhiều khó khăn hơn để thích nghi với xã hội,…Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm có nguy cơ mắc trầm cảm hơn, dễ quan hệ tình dục sớm hơn, sử dụng thuốc lá hoặc chất kích thích hơn,…so với trẻ dậy thì đúng thời điểm. Đặc biệt, ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với trẻ nữ được cho thấy là nặng nề hơn trẻ nam.
Hiện nay, tranh luận về nguyên nhân gây ra những thay đổi tâm lý – hành vi của trẻ dậy thì sớm vẫn chưa rõ ràng. Nhìn chung, bên cạnh sự tăng đột ngột của hormone sinh dục , các vấn đề xã hội đi theo dậy thì được coi là yếu tố tác động quan trọng lên tâm lý trẻ dậy thì sớm.
Vấn đề có thể nảy sinh từ sự khác biệt về mặt ngoại hình so với bạn bè cùng trang lứa . Điều này có thể khiến trẻ tự ti, khó hòa nhập với bạn bè, dẫn tới trẻ có những ý nghĩ tiêu cực về ngoại hình của bản thân . Hormone sinh dục gây tích tụ mỡ ở bụng, hông, đùi – làm trẻ cảm giác bản thân kém thon gọn và dẫn tới những rối loạn tâm lý về ăn uống. Ngoài ra, chiều cao khiêm tốn, dễ gặp phải khi trẻ dậy thì sớm không được điều trị, cũng là lý do gây lo lắng và mất tự tin ở trẻ dậy thì sớm.
Dậy thì đến quá sớm có thể khiến trẻ phải đối diện sớm với áp lực của sự trưởng thành khi tư duy của trẻ còn quá non nớt. Tự bản thân dậy thì đã đầy thách thức: trẻ nhận ra bản dạng giới (sex identity) của bản thân và tìm hiểu về giới tính, bắt đầu tư duy độc lập, tạo dựng giá trị sống riêng và tự đương đầu với các vấn đề cuộc sống,… . Bị buộc trưởng thành quá sớm có thể gây những tổn thương lâu dài về nhận thức và khả năng thích ứng của trẻ.
Ngoài ra, áp lực có thể đến từ xã hội. Ngoại hình có-vẻ-trưởng-thành của trẻ có thể gây lầm tưởng và khiến những người xung quanh đối xử với trẻ như người lớn hơn – mặc dù nhận thức của trẻ vẫn còn non nớt. Trẻ có thể phải gánh vác nhiều trách nhiệm, buộc phải đáp ứng các kỳ vọng mà xã hộithường dành cho trẻ lớn hơn. Bên cạnh đó, ngoại hình cũng khiến trẻ dậy thì sớm dễ dàng kết bạn với các anh chị lớn tuổi hơn, qua đó trẻ có khả năng tiếp xúc với những hành vi không tốt và tệ nạn xã hội.
Những vấn đề trên khiến tâm lý trẻ dậy thì sớm dễ lâm vào bất ổn rất cần sự dẫn dắt và nâng đỡ từ gia đình.
Nâng đỡ về tâm lý
Các thành viên trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ trẻ làm quen với sự thay đổi của bản thân. Cần nhớ rằng trẻ vẫn là trẻ con mặc dù có vẻ trưởng thành về mặt thể chất. Nên dành nhiều thời gian để lắng nghe, giải đáp các thắc mắc và trấn an trẻ về những thay đổi thể chất của bản thân, đồng thời hướng dẫn trẻ tự bảo vệ bản thân tránh các hành vi quấy rối và không quan hệ tình dục sớm. Trong trường hợp cần thiết, có thể nhờ tới can thiệp của các chuyên gia tâm lý trẻ em để hỗ trợ trẻ kịp thời. Điều trị thuốc theo đúng chỉ định và phác đồ cũng giúp cải thiện tiên lượng về tâm lý của trẻ, thông qua việc kiềm hãm các biến đổi dậy thì ở trẻ.
Tài liệu tham khảo
- https://www.apa.org/monitor/2016/03/puberty#:~:text=Among%20adolescent%20girls%2C%20early%20puberty,in%20girls%2C%22%20Graber%20says
- https://www.elsevier.es/en-revista-revista-colombiana-psiquiatria-english-edition--479-articulo-anxiety-self-esteem-body-image-in-S2530312018300493
- https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-1-59745-499-5_14
- https://www.aafp.org/afp/2017/1101/p590.html
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23998670/ (Graber 2013)
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8088699/#:~:text=The%20most%20important%20psychological%20and,identity%2C%20the%20establishment%20of%20a