Nói về vấn đề ăn sáng, ngoài việc ăn gì tốt cho sức khỏe ra thì mọi người có bao giờ tự hỏi rằng: Ăn vào thời điểm nào buổi sáng mới là tốt nhất chưa? Nói là ăn sáng nhưng cũng có nhiều kiểu ăn sáng: Có người ăn lúc 6h, có người 9h ăn, nhưng cũng có người ăn trưa mới là ăn sáng của họ…

Vậy thời điểm ăn lúc nào là tốt nhất? Em cũng tìm hiểu về vấn đề này rồi và thấy trên báo có nói rằng ăn sáng đúng thời điểm cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng tới dạ dày và năng suất làm việc cả 1 ngày của chúng ta đó ạ. Em thấy những thông tin đó rất bổ ích nên em chia sẻ lại bên dưới, mọi người tham khảo nha!

hình ảnh

Ngoài chất lượng bữa ăn thì thời điểm ăn sáng cũng rất quan trọng. Ảnh minh họa, nguồn: health

Nhiều người đang ăn sáng chưa hợp lý

Theo đó, bữa sáng rất quan trọng, nó giúp lấp đầy dạ dày sau một đêm dài trống rỗng và cung cấp năng lượng cho một ngày làm việc mới. Nhưng hầu hết nhiều người ngủ dậy chưa muốn ăn ngay, chọn làm việc trước rồi khi nào đói mới ăn. Nhưng đó là việc làm cực kỳ xấu và cần thay đổi nha mọi người.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Chưa bàn đến chuyện bữa sáng có đủ thành phần dinh dưỡng hay không, vì mỗi người có một sở thích, điều kiện kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thời gian ăn sáng, nhiều người đang thực hiện chưa thật sự khoa học và hợp lý.

Thường thì nhóm người lao động, học sinh là sẽ ăn sáng sớm, còn lại thì mọi người tùy tiện. Người cao tuổi tuy họ dậy sớm nhưng dậy xong lại đi làm những việc khác chưa chịu ăn sáng.

Mọi người thường đưa ra lý do là: Vừa ngủ dậy nên khó ăn, ăn không vào nên phải làm một số việc khác rồi ăn mới ngon miệng. Việc này cứ thực hiện từ ngày này, sang ngày khác và lâu dần thành thói quen không tốt.

Bữa sáng tốt đối với từng nhóm đối với từng nhóm đối tượng

PGS Nguyễn Thị Lâm nói: Việc này sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và cả năng suất làm việc.

Theo bà, bữa sáng rất quan trọng và cần thiết với mọi người, nên thực hiện ngay sau khi ngủ dậy, vệ sinh cá nhân xong.

‘Đa số mọi người đều nhịn trong khoảng 8 đến 10 tiếng vào ban đêm, do vậy khi thức dậy dạ dày trống rỗng, dịch vị axit nhiều nên việc ăn sáng ngay sau khi ngủ dậy là cần thiết. Việc đi thể dục, làm việc trước khi ăn sáng sẽ khiến dịch vị axit tiết ra càng nhiều, lâu ngày có thể ảnh hưởng rất đến dạ dày’, PGS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ.

hình ảnh

Học sinh hoặc người lao động nên ăn sáng càng sớm càng tốt. Ảnh minh họa, nguồn: giaoducthoidai

PGS Lâm khuyến cáo thêm: Với người cao tuổi bữa sáng sớm thường khó ăn nhưng cũng không nên nhịn, có thể lót dạ trước bằng một hộp sữa hoặc đồ ăn nhẹ, nhưng không được để bụng trống rỗng. Với những nhóm khác, cần ăn sáng càng sớm càng tốt sau khi ngủ dậy để cơ thể được nạp năng lượng cho một ngày làm việc mới.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) cho biết: Để khoảng cách quá dài từ khi thức dậy đến khi dùng bữa sáng, ngoài dạ dày thì khả năng trí não cũng bị ảnh hưởng.

Theo đó, khi năng lượng cạn kiệt mà không được nạp đủ, trí tuệ kém minh mẫn, hiệu quả làm việc kém. Thậm chí còn có thể gặp một vài vấn đề khác như chóng mặt, hạ đường huyết, hơi thở có mùi hôi…

Theo khuyến nghị từ Viện Dinh dưỡng: Bữa sáng nên ăn sau khi thức dậy khoảng 20-30 phút. Trước khi ăn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa cũng như thanh lọc cơ thể.

Chưa kể, bữa sáng cung cấp năng lượng cho ngày làm việc mới, nên cố gắng ăn đủ các nhóm chất và đa dạng thực phẩm. Không nên ăn đồ đông lạnh, uống nước ép lạnh vào buổi sáng mà nên ăn thực phẩm ấm. Buổi sáng cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại, ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, lâu dài có hại cho sức khỏe.

Những thông tin trên mình đọc được trên báo thấy hay nên chia sẻ lại để mọi người cùng biết. Bữa sáng là bữa ăn cực kỳ quan trọng với tất cả mọi người, ngoài lựa chọn thực phẩm tốt ra thì thời điểm ăn cũng vô cùng quan trọng nha mọi người.