Trong một kỳ thi tuyển chọn giáo viên ở Ấn Độ, mạng di động bị tắt để đảm bảo không có gian lận.
Chuyện gian lận thi cử rất dễ gặp với chiêu trò ngày càng tinh vi, nhất là trong thời đại internet bùng nổ. Thậm chí có những thí sinh còn cài hẳn chip siêu nhỏ vào người hòng qua mắt giám thị. Và dù giám thị phòng thi có tinh mắt đến đâu, dày dặn kinh nghiệm cỡ nào cũng khó tránh có lúc bị qua mặt.
Do đó, vừa qua Ấn Độ đã quyết định ngắt internet 12 tiếng để thí sinh không gian lận trong kỳ thi. Đây là một cách làm thể hiện sự nghiêm túc cao độ khi tuyển chọn giáo viên tương lai, những người sẽ dạy dỗ trẻ nhỏ.
Kỳ thi Rajasthan dành cho giáo viên đủ điều kiện (REET). Ảnh: WOB
Theo thông tin trên trang WOB thì có tổng cộng 16 quận ở bang Rajasthan của Ấn Độ đã đóng cửa các dịch vụ SMS và Internet di động. Lý do là vì họ tổ chức một kỳ thi quan trọng để tuyển chọn giáo viên cho các trường của chính phủ.
Việc ngắt internet để thí sinh không gian lận là biện pháp được đưa ra bởi chính quyền các bang. Cho thấy ở đây họ cực kỳ nghiêm túc trong thi cử, nhất là kỳ thi chọn ra giáo viên, những người trực tiếp giáo dục thế hệ tương lai của đất nước.
Kỳ thi này được gọi là Kỳ thi Rajasthan dành cho giáo viên đủ điều kiện (REET) mang tính cạnh tranh cao. Có đến 1.600.000 sinh viên cạnh tranh để giành lấy 31.000 vị trí giáo viên trong các trường học chính phủ.
Không chỉ tắt internet 16 bang để thí sinh hết đường gian lận, chính quyền bang còn thực hiện các sắp xếp công phu về an ninh và đi lại. Báo nước ngoài gọi đây là biện pháp đáng kinh ngạc để ngăn chặn gian lận trong kỳ thi. Một số nơi còn suy nghĩ liệu họ có nên thử áp dụng vào kỳ thi lớn tại nước mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: patrika
Mọi người thấy sao về biện pháp ngăn gian lận bằng cách ngắt mạng của Ấn Độ? Nhắc đến việc gian lận thi cử thì đúng là hiện đại quá nên dễ “hại điện”. Còn nhớ đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, có thí sinh cũng vì chụp ảnh gửi ra ngoài xin đáp án mà bị hủy kết quả thi.
Lúc đó em chụp ảnh đề thi rồi gửi cho một người khác ở bên ngoài. Người này sau đó lại đăng ảnh chụp câu hỏi lên mạng xã hội để nhờ cộng đồng mạng giải hộ. Không ngờ, tất cả hành vi đã bị chụp ảnh lại và bị tố, sự việc đã khiến dư luận dậy sóng và khiến các sĩ tử khác vô cùng bức xúc.
Nếu lúc đó không có mạng internet thì chắc đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra. 12 năm đèn sách cũng dang dở chỉ vì dùng mạng internet để gian lận. Nhưng nói đi phải nói lại, đừng đổ thừa cho mạng internet hoặc nghĩ nếu không có mạng thì không có gian lận.
Việc gian lận thi cử hay không là ở chính ý thức của thí sinh. Một khi các em muốn gian lận thì dù không có mạng, các em cũng chép phao, quay cóp, ngó bài. Để thí sinh không gian lận, chỉ có thể đảm bảo học thật, thi thật và cố gắng nâng cao ý thức cho thí sinh.