Ốm nghén không chỉ khiến mẹ bầu mệt mỏi mà còn gây căng thẳng không cần thiết bởi những dấu hiệu không biết như thế nào gọi là bình thường.

Dưới đây là danh sách 9 câu hỏi về ốm nghén và câu trả lời thỏa đáng để giúp mẹ bầu không còn bất an bởi những suy diễn lung tung. 

1. Khi nào ốm nghén bắt đầu?

hình ảnh

Ảnh minh họa: mababy

Ốm nghén ở mỗi người là khác nhau nhưng thông thường nó đến trong ba tháng đầu. Ốm nghén xảy ra vào khoảng từ tuần thứ 5 của thai kỳ. Đặc biệt vào buổi sáng và tối sẽ xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn ói không rõ nguyên nhân. Phản ứng của cơn nghén ứng với cơ địa từng người. Có phản ứng nhẹ, có phản ứng nặng. Các triệu chứng thường giảm hoặc biến mất sau 3 tháng mang thai nhưng ở số ít người có thể kéo dài hơn hoặc kéo dài mãi suốt 9 tháng thai kỳ.

2. Tại sao có thai lại bị ốm nghén?

Ốm nghén nói chung có liên quan mật thiết đến gonadotropin màng đệm do nhung mao của phôi thai sản xuất ra trong ba tháng đầu. Nói chung, khi ngừng mang thai, chứng ốm nghén sẽ biến mất. Ở một số mẹ bầu, tình trạng ốm nghén không hề biến mất mà còn tăng lên và nặng hơn. Điều đó thường liên quan đến yếu tố tâm lý và căng thẳng quá mức nhưng cũng có thể là bệnh lý, được gọi là bệnh nôn nghén thai kỳ.

3. Những loại thuốc nào có thể làm giảm cơn ốm nghén?

Nếu ốm nghén nặng, bạn có thể dùng viên uống vitamin B6.  Liều lượng vitamin B6 được khuyến cáo là 1,9 miligam (mg) mỗi ngày, nếu đặc biệt nặng, bạn có thể tiêm một số dung dịch dinh dưỡng vào cơ thể. Tuy nhiên đây là giải pháp được bác sĩ chỉ định, không thể tùy tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thai kỳ.

4. Có đúng là nghén càng nặng thì thai nhi càng khỏe?

Dân gian có câu nói “nghén càng nặng thì con càng khỏe”. Một số bà mẹ bị nôn nghén và bụng rỗng không, nhưng lại rất vui mừng bởi cho rằng trẻ sinh ra theo cách này rất khỏe mạnh. Thực tế, câu nói này không có cơ sở khoa học. Nếu mẹ bầu bị nôn nghén nặng rất ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể, khiến thai nhi bị chậm lớn, trường hợp nghiêm trọng cần đến bệnh viện để được truyền dịch dinh dưỡng.

5. Với những mẹ bị nghén nặng thì nên chịu đựng qua 3 tháng để xem tình hình hay nên đi khám và điều trị kịp thời?

hình ảnh

Ảnh minh họa: happymom

Ốm nghén quá nhiều không tốt cho mẹ bầu và thai nhi. Có một loại ốm nghén nặng là bệnh lý có tên “hyperemesis gravidarum”. Triệu chứng chính là nôn trớ khi ăn, thậm chí là uống nước. Khi nôn trớ sẽ bị nôn ra mật, ra máu, cơ thể thiếu năng lượng, sút cân nhanh. Về thể trạng và tinh thần của mẹ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Các mẹ có những biểu hiện trên nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn kịp thời.

6. Có phải bầu con trai thì nghén càng nặng không?

Tình trạng ốm nghén nghiêm trọng không liên quan gì đến việc sinh con trai hay con gái và không có cơ sở khoa học nào chứng thực cho điều này. Những phản ứng khi mang thai có liên quan đến ngoại hình, vóc dáng  hay giới tính của thai nhi đều không thể phán đoán được. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai đôi, tình trạng ốm nghén có thể tồi tệ hơn so với khi bạn mang thai một con.

7. Ốm nghén càng nặng, con càng thông minh?

Trẻ thông minh được quy định bởi nhiễm sắc thể, gen di truyền, môi trường trong tử cung khi mang thai, giáo dục sau sinh… Còn ốm nghén có liên quan trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi hay không đến nay vẫn còn là điều gây tranh luận. Một nghiên cứu từng cho rằng mẹ càng nghén nặng thì con càng thông minh nhưng thực tế vẫn có rất nhiều những bà bầu không bị nghén nặng vẫn sinh con thông minh.

8. Không bị ốm nghén khi mang thai, hoặc thời gian ốm nghén đặc biệt ngắn, điều này có bình thường không, có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Không có gì ngạc nhiên khi không có hiện tượng nôn nghén nặng bởi có thể là phản ứng thai nghén chưa thực sự bắt đầu. Cũng có một số thai phụ hoàn toàn không bị nghén, điều này khác nhau ở mỗi người cũng hết sức bình thường và dễ hiểu. Hơn nữa, ngay cả khi cùng một người có thể phản ứng mạnh hơn khi mang thai đứa con đầu lòng, nhưng khi mang thai đứa con thứ hai, họ lại không có phản ứng mạnh mẽ như vậy. Vì vậy, không thể giải thích vấn đề bằng phản ứng ốm nghén. Chỉ cần các triệu chứng đau tức và nôn máu không xuất hiện thì không có vấn đề gì.

9. Ốm nghén không thèm ăn gì, nên chế biến món ăn như thế nào?

Khi ốm nghén nặng, chế độ ăn cần phải đảm bảo sao cho đủ dinh dưỡng, nhạt và ngon, dễ tiêu hóa. Ăn những thực phẩm đơn giản và đa dạng hóa. Quan tâm đến thói quen và sở thích ăn uống của phụ nữ mang thai càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như chua, ngọt, mặn và cay.

Sau khi các triệu chứng ốm nghén giảm, tinh thần cải thiện, cảm giác thèm ăn tăng trở lại thì có thể bổ sung ăn thịt nạc, cá, tôm, trứng, sữa, gan động vật và các chế phẩm từ đậu nành và các thực phẩm giàu đạm chất lượng cao. Đồng thời cố gắng bổ sung đủ đường, vitamin và khoáng chất để đảm bảo nhu cầu của thai phụ và thai nhi.

Tốt hơn là bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày và ăn ít hơn trong mỗi bữa. Mỗi bữa ăn có thể cách ba giờ một lần. Cảm giác buồn nôn khi mang thai thường nặng hơn vào sáng sớm, lúc bụng đói, nên cần ăn lót dạ những món nhẹ ít chứa nước như bánh quy, quả trứng luộc.