Để theo dõi hành trình phát triển của bé trong suốt thời gian mang thai. Mẹ nhớ khám thai và siêu âm thai đúng theo lịch khám thai định kỳ mà bác sĩ đã chỉ định.
Kể từ khi biết con yêu xuất hiện, cuộc sống mẹ bầu sẽ có nhiều thay đổi: thận trọng hơn, chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều hơn, sinh hoạt nếp sống cũng sẽ khác biệt hơn vì sức khỏe của con yêu. Ngoài ra mẹ còn có cả lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu để theo dõi sức khỏe con yêu
Khám thai định kỳ giúp mẹ và bé khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai. Trong các lần thăm khám khác nhau, bác sĩ có thể thảo luận với mẹ về nhiều vấn đề, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, kiểm tra sàng lọc sức khỏe. Các mốc khám thai định kỳ quan trọng mà mẹ cần phải nhớ là:
1. Lần khám thai lần đầu tiên
Đây là lần khám khi mẹ cảm thấy mất kinh và thử que lên 2 vạch. Trong lần khám đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát đầy đủ, lấy máu xét nghiệm và tính ngày sinh của mẹ. Bác sĩ cũng có thể thực hiện kiểm tra ngực, khám phụ khoa và khám cổ tử cung, bao gồm xét nghiệm Pap. Bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử bệnh của mẹ, đã từng sinh non hoặc phá thai chưa.
Ngoài ra, mẹ cũng sẽ được tư vấn để xét nghiệm nhóm máu, có miễn dịch rubella, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, chlamydia và HIV chưa
2. Lần khám thai khi thai nhi từ 11-14 tuần
Trong lần khám này, mẹ sẽ được kiểm tra huyết áp, kiểm tra sự tăng trưởng của em bé. Đặc biệt là kiểm tra double test, tức sàng lọc trước sinh thường quy. Double test là xét nghiệm sàng lọc sử dụng các xét nghiệm sinh hóa như định lượng β-hCG tự do và PAPP-A trong máu thai phụ, kết hợp đo độ mờ da gáy bằng siêu âm, tuổi mẹ, tuổi thai… để đánh giá một số nguy cơ mắc các hội chứng Down, Edward hoặc Patau,…
Ảnh minh họa (Nguồn MD)
3. Lần khám thai khi thai nhi từ 16-22 tuần
Mẹ sẽ được kiểm tra huyết áp, sờ nắn bụng để kiểm tra sự tăng trưởng của em bé. Kiểm tra triple test, tức sử dụng máu của mẹ để kiểm tra một số rối loạn bẩm sinh ở thai nhi, giúp bác sĩ dự đoán được nguy cơ xuất hiện các bất thường của thai nhi để từ đó có hướng tư vấn tốt nhất cho mẹ bầu. Quy trình thực hiện xét nghiệm triple test bao gồm công đoạn thu thập thông tin của mẹ và bé, lấy máu và gửi đến phòng xét nghiệm. Kết quả có thể nhận được sau 3 - 5 ngày làm việc. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm triple test cho thấy nguy cơ cao bị dị tật thai nhi thì sản phụ cần được chỉ định thực hiện chẩn đoán xác định bằng các thủ thuật xâm lấn như chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau.
4. Lần khám thai khi thai nhi từ 22-28 tuần
Mẹ sẽ được kiểm tra huyết áp, sự tăng trưởng của em bé. Xét nghiệm dung nạp đường huyết cho bệnh tiểu đường. Đây là một xét nghiệm khá lâu và đòi hỏi bụng đói nằm trong lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu, do vậy mẹ cần đi ngủ sớm, nghỉ ngơi đầy đủ trước ngày khám. Ngoài ra trong lần khám này cũng đánh giá độ dài cổ tử cung, tiêm phòng uốn ván và siêu âm hình thái thai nhi.
5. Lần khám thai khi thai nhi từ 28-32 tuần
Ngoài kiểm tra huyết áp, kiểm tra sự tăng trưởng của em bé thông thường, các bác sĩ cũng sẽ kiểm tra nhịp tim và chuyển động của bé trong bụng mẹ. Xét nghiệm máu để kiểm tra thiếu máu và nồng độ tiểu cầu trong máu. Mẹ cũng có thể được tư vấn kiểm tra lại bệnh giang mai, viêm gan B, viêm gan C và HIV. Nếu nhóm máu của mẹ là Rh (-), có thể tiêm thuốc immunoglobulin.
Bên cạnh đó, trong lần khám này, mẹ sẽ được tiêm phòng ho gà, tiêm phòng uốn ván lần 2
6. Lần khám thai khi thai nhi từ 32-34 tuần
Lần này mẹ sẽ được làm đo non - stress test, tức là kiểm tra nhịp tim và chuyển động của bé. Sản phụ được gắn một đầu dò tim thai và đầu dò cơn co tử cung trên bụng bởi hai sợi dây đai co dãn, kết nối với một máy đo tim thai, hiển thị biểu đồ theo dõi. Trong thời gian đo Non-stress test, sản phụ cần theo dõi và cảm nhận cử động của thai nhi.
Ảnh minh họa (Nguồn MD)
Sản phụ giữ một dụng cụ để bấm vào mỗi khi cảm nhận được thai cử động, và nó sẽ hiện lên trên kết quả. Nếu thai nhi không di chuyển, rất có khả năng là bé đang ngủ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị uống một ít nước để thai cử động hoặc đánh thức thai nhi bằng cách nhẹ nhàng xoa lên bụng mẹ.
Xét nghiệm non-stress test thường kéo dài từ 20 đến 40 phút. Kết quả trên biểu đồ kết quả sẽ hiện ra nhịp tim thai, cử động của thai nhi và trương lực cơ tử cung cũng như cơn co tử cung nếu có. Xét nghiệm non-stress test không yêu cầu nhịn đói hoặc chuẩn bị gì, tuy nhiên, người mẹ có thể đi vệ sinh và ăn no trước đó bởi thời gian tiến hành đôi khi kéo dài khá lâu.
7. Lần khám thai khi thai nhi từ 34-36 tuần
Tiếp tục là những kiểm tra thông thường như sự tăng trưởng của em bé, non - stress test. Dùng tăm bông quét dịch âm đạo kiểm tra sự tồn tại của liên cầu khuẩn nhóm B (GBS). Trong khi khám phần phụ, bác sĩ sẽ xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B trong khi mang thai bằng cách lấy một miếng gạc âm đạo và một miếng gạc riêng biệt trực tràng. Các miếng gạc sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Liên cầu khuẩn Group B streptococcus (GBS) là một loại vi khuẩn có thể tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của thai phụ. Loại vi khuẩn này cũng hiện diện trong âm đạo và trực tràng của 25% những phụ nữ khỏe mạnh. Tuy rằng đây vi khuẩn vô hại cho những người mang, nhưng nếu không điều trị, nó có thể được truyền cho em bé trong khi sinh con.
Ảnh minh họa (Nguồn MD)
8. Lần khám thai khi thai nhi từ 36 tuần trở đi
Ở những tuần cuối cùng, mẹ bầu sẽ được kiểm tra định kỳ mỗi tuần một lần thay vì cách nhau 2 đến 4 tuần như các tam cá nguyệt trước. Trong những lần khám thai này, ngoài các kiểm tra thông thường thì mẹ và bác sĩ sẽ thảo luận về kế hoạch sinh con, các bất thường có thể xảy ra. Nếu trong giai đoạn này, mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ thăm khám kết hợp với siêu âm kiểm tra nước ối và tình trạng thai nhi. Việc này nhằm giúp bác sĩ cân nhắc liệu có nên can thiệp để sinh con hay chờ đợi.
Trên đây là các mốc khám thai định kỳ cho bà bầu mà mẹ cần lưu ý. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, khi sinh nở được mẹ tròn con vuông!