Bú đêm khiến răng sữa bé bị sâu, ngủ không trọn giấc, mẹ cần nắm bắt thời gian vàng cai sữa đêm cho bé.
Nhiều mẹ lần đầu có con nên vẫn bối rối không biết cách cai sữa đêm cho bé. Dưới đây là những cách đơn giản, an toàn, các mẹ có thể áp dụng tại nhà để cai sữa cữ đêm cho con. Không chỉ con không quấy khóc mà mẹ cũng sẽ được ngủ đủ giấc, khỏe khoắn hơn.
Sự cần thiết của việc cai sữa đêm cho bé
1. Vì sao cần cai sữa đêm?
Bú đêm có thể ảnh hưởng đến răng, giấc ngủ, lâu dần ảnh hưởng đến ăn uống, thẩm mỹ, chiều cao, trí não của bé. Đồng thời cho bé bú đêm khiến mẹ mất giấc ngủ, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe.
Khi bé đến độ tuổi thích hợp, mẹ cần cai sữa đêm cho bé
Do đó, khi bé đến độ tuổi thích hợp, mẹ cần cai sữa đêm cho bé. Tránh quá nuông chiều con sẽ ảnh hưởng nhiều về sau. Mẹ cũng cần phân biệt rõ đây là cai sữa đêm chứ không phải cắt sữa hoàn toàn. Nên mẹ không phải lo con mất nguồn dinh dưỡng từ sữa.
2. Trẻ mấy tháng thì có thể cai sữa đêm?
Nhu cầu bú cữ đêm của từng bé khác nhau cho nên độ tuổi cai sữa đêm cho bé cũng khác nhau. Nếu bé mạnh khỏe, cứng cáp, mẹ có thể cai sữa đêm cho con sớm. Độ tuổi tối thiểu có thể bắt đầu cai cữ đêm cho con là 6 tháng tuổi.
Riêng với những bé cơ thể yếu ớt, phát triển chậm thì mẹ cần duy trì cữ bú đêm cho con lâu hơn. Hoặc trong một số trường hợp, con vẫn chưa sẵn sàng, con đang bị sốt, mọc răng thì mẹ cũng đừng vội ép con bỏ bú cữ đêm quá sớm.
3. Dấu hiệu có thể bắt đầu cai sữa đêm cho bé
- Trẻ đã có thể ăn dặm tốt
Từ 6 tháng tuổi trẻ đã bắt đầu ăn dặm, lúc này trẻ no lâu hơn và cũng giảm dần cữ bú. Nếu mẹ thấy con ít đòi bú hơn, bữa ăn dặm con ăn hết, ăn ngon miệng thì có thể tập cai sữa đêm cho bé từ từ.
- Trẻ bắt đầu mọc răng
Việc cho con bú cữ đêm có thể ảnh hưởng đến răng sữa của bé. Nguyên nhân là do lượng đường trong sữa bám lại dẫn đến sâu răng. Do đó, thời điểm bé bắt đầu mọc răng sữa là mẹ nên lên kế hoạch cai sữa đêm cho con.
- Trẻ ngủ giấc dài hơn vào ban đêm
Nhiều mẹ cho biết con có thể bắt đầu ngủ giấc dài hơn, ít thức hơn hoặc ngủ thẳng đến sáng chính là dấu hiệu bỏ cữ sữa đêm. Ban đầu cai sữa đêm có thể gặp trường hợp con thức dậy giữa chừng, có thể chỉ là do thói quen. Mẹ có thể dỗ cho con ngủ lại như xoa lưng, ru con mà không cần cho bé bú.
>>> Có thể bạn quan tâm: Cai sữa cho bé thành công: 5 "thời điểm vàng", 4 cách giúp mẹ
Các cách cai sữa đêm cho bé an toàn, hiệu quả
1. Cho bé bú no/ăn no ban ngày
Để giảm dần và cắt hẳn cữ sữa đêm, mẹ cần giúp con được ăn no vào ban ngày. Cứ khoảng 3 tiếng một lần, mẹ cần gọi con dậy cho con bú. Đồng thời kết hợp thực đơn ăn dặm đủ chất, no bụng để bé không còn bị đói vào nửa đêm.
Kết hợp thực đơn ăn dặm đủ chất, no bụng để bé không còn bị đói vào nửa đêm
Ngoài bữa chính, mẹ có thể cho con ăn thêm bữa phụ, bữa xế. Các món ăn dặm từ trái cây, ngũ cốc cũng rất tốt cho bữa phụ. Một khi con ăn no sẽ tự động giảm số lần bú mẹ xuống, nhất là vào ban đêm.
Đây là cách an toàn, khoa học giúp cai sữa đêm cho bé. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian lâu dài, mẹ phải kiên nhẫn mới có thể cai sữa đêm dứt điểm cho con.
2. Cắt cho bú đêm dần dần
Việc cai sữa đêm cho bé không nên quá đột ngột mà phải từ từ, cắt giảm từng chút một cho con quen. Theo kinh nghiệm từ một mẹ thì giảm dần cữ sữa cho bé. Ngày đầu cho bé bú như bình thường, ngày thứ 2 giảm còn khoảng 3/4, ngày tiếp theo thì còn khoảng 1/2. Cứ vậy, mất khoảng 1 tuần thì đã dứt được cữ bú đêm cho bé.
Ngoài việc giảm số lần bú sữa đêm, kéo dài thời gian giữa các cữ bú đêm thì mẹ nên vỗ về, đung đưa cho con ngủ để quên đi việc đòi bú. Nếu con không quen và khóc không ngừng thì nên cho con bú lại. Chờ đến sau đó 1, 2 tuần rồi hay bắt đầu cai lại từ đầu.
3. Cho con bú no trước khi ngủ
Cho con bú no trước khi đi ngủ sẽ giúp con ít dậy đòi bú hơn
Cho con bú no lần cuối trước khi mẹ chuẩn bị đi ngủ sẽ giúp con đủ no, ít dậy đòi bú hơn. Nhờ đó, bé sẽ ngủ thẳng giấc một mạch đến sáng mà không quấy khóc giữa đêm vì cồn cào bụng đói.
4. Tăng khoảng cách giữa bé và mẹ
Mẹ có thể nằm xa con ra hoặc cho con ngủ riêng để con không phải nghe thấy mùi sữa trên người mẹ, con sẽ không đòi bú nữa.
5. Gần gũi bé nhiều hơn vào ban ngày
Để con có được cảm giác an toàn, ổn định, mẹ cần xoa dịu, an ủi và chơi cùng con nhiều hơn vào ban ngày. Như vậy, buổi tối con sẽ đỡ quấn lấy mẹ.
6. Nhờ người trông hộ
Để cai sữa đêm cho con, mẹ có thể nhờ bố dỗ con ngủ, để con khỏi phải nghe hơi mẹ mà đòi bú. Không có bố thì có thể nhờ ông bà giúp tạm tách con ra khỏi mẹ. Rất nhiều mẹ đã chọn cách nhờ ông bà ngủ cùng cháu ban đêm để cai sữa cho con.
7. Hóa trang ngực
Để con không bú mẹ nữa, có thể dùng cách để trẻ “xa lánh” bầu sữa của mẹ ra. Một số mẹ dùng son môi, thuốc đỏ, thuốc tím để xoa lên, bé nhìn là ngoảnh đi không dám bú sữa.
Ngoài ra, một số mẹ còn thử đắp mặt nạ vào bầu ngực, dùng băng dính đen bịt lại. Những cách này được cho là rất hiệu quả khi cai sữa đêm cho bé.
8. Bôi chất đắng, cay ở bầu ngực của mẹ
Thay vì bôi màu, hóa trang, nhiều mẹ chọn cách tác động mùi vị lên bầu sữa. Cách đơn giản hay được dùng là thoa dầu gió lên đầu ti, khi bé đến gần nghe mùi cay sẽ không dám bú. Tuy nhiên, các mẹ cần cẩn thận, gặp những bé bướng, con có thể vẫn bú bình thường. Mẹ cần chú ý để tránh con ngậm phải dầu gió.
Ngoài dầu gió, nhiều mẹ còn dùng nước khổ qua, rau đắng để thoa vào đầu ngực. Khi bé ngậm vào thấy đắng, con sẽ nhả ra và sau đó sẽ không đòi ti nữa. Với những bé bú bình, các mẹ bày mẹo là pha loãng sữa với nước. Khi thấy sữa nhạt đi, con sẽ chán và không đòi bú nữa.
Tuy nhiên, nếu lên kế hoạch cai sữa đêm cho bé mà thấy con đang sốt mọc răng, mắc bệnh hay mẹ bắt đầu đi làm trở lại thì nên tạm dừng. Vì đây là lúc con cần mẹ nhất, nếu đột ngột bỏ cữ sữa đêm sẽ ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe của con.
Xem thêm bài nguồn tại:
https://www.babycenter.com/baby/sleep/baby-sleep-training-night-weaning_1505721
https://www.whattoexpect.com/first-year/sleep/night-weaning-baby
Xem thêm bài viết liên quan:
Cách tập cho bé bú bình khi mẹ đi làm giúp con khỏe, mẹ nhàn
Trẻ khóc đêm do thiếu canxi có đáng lo ngại?
Những ưu nhược điểm và trường hợp cần dùng núm trợ ti mẹ nên biết rõ