Ngoại hình sau sinh của con ảnh hưởng nhiều từ nhiều yếu tố mà mẹ tiếp xúc trong thời gian mang thai
Di truyền không phải là yếu tố duy nhất quyết định ngoại hình của em bé, vì những thói quen trong thai kỳ của mẹ như thức ăn, điều kiện môi trường xung quanh… cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và ngoại hình sau này của bé yêu. Mới đây theo các nhà nghiên cứu cho biết, có 7 yếu tố trong thai kỳ ảnh hưởng đến ngoại hình sau sinh của con như:
1. Mức đường khi mẹ bầu tiêu thụ
Cảm giác thèm ăn ngọt khi mang thai là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên nếu mẹ tiêu thụ với lượng đường quá mức cho phép, bệnh tiểu đường thai kỳ có thể tìm đến mẹ bất cứ lúc nào.
Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, em bé có thể tích trữ lượng đường dư thừa đó dưới dạng chất béo, khiến khi trẻ sinh ra có ngoại hình dễ bị béo phì và vàng da hơn.
Vì vậy các chuyên gia khuyên mẹ nên hạn chế sử dụng đồ ngọt và tập thể dục thích hợp trong suốt thai kỳ.
2. Lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày
Nhiều bà mẹ cho rằng uống sữa khi mang thai sẽ giúp trẻ sơ sinh có làn da trắng hơn. Mặc dù không có bằng chứng khoa học cho điều này, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc uống sữa khi mang thai mỗi ngày giúp trẻ sinh ra có cân nặng đúng tiêu chuẩn hơn. Theo một tạp chí y khoa, những phụ nữ uống một ly sữa (hoặc ít hơn) mỗi ngày sẽ sinh con nhỏ hơn những người uống nhiều sữa hơn.
3. Lượng caffein tiêu thụ mỗi ngày
Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên giữ mức tiêu thụ cà phê của họ ở mức dưới 200 miligam mỗi ngày. Nguyên nhân là do khi mẹ uống cà phê, lượng caffein sẽ nhanh chóng được hấp thụ và truyền đến nhau thai, gây tích tụ ở mức độ cao nếu mẹ uống quá nhiều. Điều này có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi và khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
Ảnh minh họa. Nguồn hình: Sohu
4. Ăn đậu phộng khi mang thai
Nhiều người lo ngại liệu ăn đậu phộng hoặc các sản phẩm làm từ đậu phộng trong thai kỳ có an toàn cho em bé hay không? Một vài ý kiến cho rằng ăn đậu phộng khi mang thai sẽ làm cho em bé dễ bị dị ứng đậu phộng hơn.
Tuy nhiên mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu mẹ bầu ăn đậu phộng khi mang thai có thể cung cấp một số chất bảo vệ thai nhi, giúp trẻ sơ sinh tăng khả năng chịu đựng với thực phẩm và giảm nguy cơ phát triển chứng dị ứng nghiêm trọng sau này.
5. Chất lượng không khí
Không khí bẩn hoặc ô nhiễm có thể gây ra các vấn đề về cân nặng sơ sinh của em bé. Theo các nhà nghiên cứu, cứ tăng thêm 10 microgram ô nhiễm (trên một mét khối không khí) thì cân nặng trẻ sinh ra trung bình giảm đi 8,9 gram. Vì vậy mẹ bầy nên hạn chế tiếp xúc những nơi không khí bị ô nhiễm, thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa.
6. Thực phẩm giàu protein khuyến khích sự phát triển của tóc
Tóc của em bé bắt đầu mọc trong bụng mẹ vào khoảng tuần thứ 14 hoặc 15. Vì vậy nếu mẹ thường xuyên bổ sung protein thì tóc của em bé sau sinh cũng sẽ nhiều hơn.
Mẹ có thể bổ sung các thực phẩm tốt cho tóc của bé trong thời gian mang thai bằng các thực phẩm như rau bina (giàu folate, sắt và vitamin A và C, giúp giữ ẩm cho tóc và da đầu), bơ và các loại hạt. Cá cũng là một nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, giúp tóc dày và đen hơn, tuy nhiên mẹ không nên sử dụng quá nhiều loại cá có chứa thủy ngân trong 3 tháng đầu mang thai.
7. Thời gian dây rốn được cắt
Thời gian dây rốn bị cắt có thể ảnh hưởng đến làn da của trẻ sơ sinh ngay sau khi sinh. Theo một người mẹ đã từng trải qua 2 lần sinh sản, chị nhận thấy khi đứa con trai lớn được sinh ra, dây rốn của cậu bé đã bị cắt ngay lập tức thì có làn da hơi đen ngăm.
Còn khi con gái chào đời, chị quyết định giữ nguyên sợi dây rốn trong vòng 5 phút, làn da của bé trở nên hồng hào hơn.
Trên thực tế, khoa học cũng ủng hộ nhận định này, họ cho rằng việc cắt dây rốn chậm 5 phút sẽ giúp truyền nhiều chất sắt hơn cho trẻ sơ sinh, do đó ngoại hình bé sẽ hồng hào hơn sau sinh. Tuy nhiên, có một số trường hợp cần phải cắt dây rốn càng sớm càng tốt như trường hợp xuất huyết hoặc ở trẻ sơ sinh cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.