Chiên là hình thức chế biến có độ thơm ngon cao nên được các chị em nội trợ yêu thích. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào chị em cũng chiên được như ý, nhất là với cá. Bởi khi mắc 7 sai lầm dưới đây thì y như rằng món cá chiên sẽ nát bét, không chỉ nhìn kém hấp dẫn, mà ăn cũng không giòn, mọi người trong nhà lắc đầu chấm điểm đảm đang thấp, nên các chị em nội trợ cần rút kinh nghiệm nha.

1. Sai lầm khi chiên cá

Cá còn ướt

Đánh vây, loại bỏ các nội tạng rồi rửa sạch cá với nhiều lần nước là khâu rất quan trọng trước khi chế biến. Tuy nhiên, khi hoàn thành khâu sơ chế thì các chị em nội trợ đừng vội cho vào chảo chiên ngay. Thay vào đó, hãy cho cá vào rổ một lát cho ráo hoặc dùng giấy thấm khô. Như vậy nước trong cá sẽ không tiết ra nhiều khi chiên, hạn chế tối đa việc dầu bắn tung tóe nguy hiểm cũng như phần thịt cá không bị bám dính chặt vào chảo, giúp các chị em nội trợ dễ trở bề nguyên vẹn.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Để chảo không đủ nóng

Khi bắc chảo lên bếp, các chị em nội trợ cũng đừng đổ dầu hay thả cá vào chiên ngay. Lúc này, cần kiên nhẫn chờ để chảo thật nóng, sau đó cho dầu vào đun sôi rồi hãy thả cá. Cứ thực hiện như vậy thì mới đảm bảo cá chín đều, dầu không thấm quá nhiều vào thịt sẽ tránh được tình trạng bị nát, món ăn sẽ hấp dẫn, giòn ngon. 

Dùng muối ướp cá trước khi chiên

Ướp muối sẽ giúp cá có hương vị đậm đà, chiên ăn ngon. Tuy nhiên, chị em nội trợ không nên ướp muối trước khi chiên cá, mà nên cho ít vào chảo dầu với lượng vừa đủ. Như thế sẽ tránh được tình trạng dầu bắn khi chiên, cũng như không lo dính chảo và thịt cá sẽ giòn, ai ăn cũng khen tấm tắc.

Quá ít dầu ăn

Nhiều chị em nội trợ tiết kiệm quá mức, chiên cá mà không dám đổ lượng dầu ăn kha khá vào chảo. Việc chiên cá với dầu ăn quá ít sẽ nhanh bị nhiệt độ cao làm cạn khô, đồng nghĩa phần thịt của cá tiếp xúc trực tiếp với bề mặt đáy chảo, dính chặt khiến trở bề khó khăn, vụn nát.

Lật cá quá sớm

Khi chiên cá, việc chị em nội trợ phải làm là canh để lật cho cá chín đều. Tuy nhiên, không nên lật cá quá sớm, vì nếu chưa chín, thịt sẽ còn bở, dễ vỡ nát. Hãy chờ đến khi bề mặt cá tiếp xúc với chảo thực sự cứng, giòn rồi mới lật nhé.

Trở cá liên tục

Bên cạnh đó, chị em nội trợ cũng lưu ý tránh trở cá quá nhiều, vừa tốn thời gian, công sức và nhất là ảnh hưởng đến lớp da bên ngoài không giòn. Chị em nội trợ chỉ cần lật cá 1-2 lần trong suốt quá trình chiên là đảm bảo cá sẽ chín ngon, không bị nát.

hình ảnh

Ảnh minh họa - Nguồn: Tintuconline

Chiên cá quá kỹ

Một lưu ý cuối cùng dành cho chị em nội trợ là đừng chiên cá quá lâu sẽ làm tốn nhiên liệu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm. Việc chiên cá quá lâu sẽ khiến cá bị khô cứng, mất đi hương vị tự nhiên, chưa kể nếu cháy khét ăn còn gây hại sức khỏe. Cho nên, chị em chiên cá với lửa vừa, trong thời gian hợp lý, đến khi thấy các mặt của cá vừa vàng là được nha.

2. Cách chọn mua cá tươi ngon

Không riêng đối với món chiên, mà với bất kỳ hình thức chế biến nào muốn có thành phẩm chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Chẳng hạn với cá, mọi người phải chọn những con thật tươi, còn sống càng tốt. Chỉ cần mọi người thấy nó bơi khỏe, mắt trong suốt, mang hồng, kèm theo đó là bộ vảy óng ánh, nhìn trước ngó sau không phát hiện dấu hiệu bất thường thì cứ yên tâm trả tiền rồi rước về thôi.

Còn ai muốn mua cá làm sẵn hay ướp lạnh thì cũng không được dễ dãi lấy đại, mà cần quan sát các đặc điểm sau để phân biệt con nào tươi, con nào ươn.

Mắt cá: Những con cá tươi sẽ có mắt trong, hơi phồng, khi mọi người sờ vào giác mạc sẽ cảm nhận sự đàn hồi. Ngược lại con cá có mắt bị đục, lõm vào trong, giác mạc rách nát, hốc mắt xuất hiện lớp màng đục thì đã để lâu, ươn mất rồi.

Mang cá: Quan sát mang cá cũng là cách để mọi người nhận biết đâu là cá tươi. Cụ thể, những con cá tươi sẽ có mang màu hồng đỏ, không nhớt, đặc biệt dính chặt với hoa khế. Còn những con cá mang bị nhớt, chuyển sang màu xám, không còn sự liên kết với hoa khế thì thôi đừng mua cho lành.

Vảy cá: Thường thì phần vảy óng ánh, không có dịch, bám chặt vào thân, xếp theo dạng mái ngói là những con cá tươi ngon, đáng để mọi người mua. Chỉ khi thấy con cá nào trơ trụi, không còn vảy thì mọi người đừng chọn nhé.

Miệng cá: Mọi người nên chọn những con cá tươi với miệng ngậm chặt, đừng lấy những con cá mở miệng, dùng tay ấn vào thân cá có vết hằn vì đó cho thấy đã không còn tươi ngon.

Hậu môn: Ít ai biết quan sát hậu môn để chọn mua cá, nên từ nay rút kinh nghiệm. Hãy chọn những con cá có hậu môn trắng, thụt vào trong với chiếc bụng lép. Không nên chọn những con cá có bụng phình to, hậu môn bị lòi ra ngoài với màu hồng hay màu đỏ bầm, vì nó đã bị ươn rồi.

Ngửi mùi: Nếu mọi người không ngại để cá gần mũi thì cũng là một cách kiểm tra độ tươi ngon. Với cá tươi thuộc nước ngọt sẽ ngửi thấy mùi nước sông, còn cá tươi thuộc nước mặn sẽ ngửi thấy mùi nước biển. Trường hợp mọi người ngửi thấy mùi tanh hoặc hơi khai tựa như khí amoniac thì có thể nó đã “ngủm” lâu và bị con người dùng hóa chất để giữ vẻ bề ngoài tươi ngon thôi.

3. Cách bảo quản cá không cần tủ lạnh

Không phải ai cũng có thời gian đi chợ mỗi ngày, nên thường sẽ có tâm lý mua khá nhiều thực phẩm về bảo quản, để dùng dần, tiết kiệm thời gian lẫn công sức. Thế nhưng, với cá lại khiến mọi người đau đầu, vì nếu để nhiều con trong tủ lạnh sẽ chật chỗ, hơn hết lại có nhanh gây mùi, làm ảnh hưởng đến các thực phẩm khác. Hiểu được vấn đề này, nên hôm nay sẽ hướng dẫn mọi người các cách bảo quản cá không cần tủ lạnh, đảm bảo vẫn giữ được độ tươi ngon trong thời gian dài. 

Dùng giấy ướt

Chắc ít bà nội trợ nào biết rằng, thần kinh trong thị giác của cá có dây tổ chức tuyến trạng, một khi tuyến trạng này mất nước và đứt đi sẽ khiến cá nhanh bị ươn tanh. Vậy nên, để tránh tình trạng ấy diễn ra thì mọi người cần dùng để vật dụng quen thuộc, đó chính là giấy ướt. Bằng cách dùng miếng giấy ướt che mắt cá, như vậy là mọi người đã có thể kéo dài thời gian tuyến trạng bị đứt, đồng nghĩa có thể bảo quản cá lâu hơn để ưu tiên làm chuyện khác. Nhưng lưu ý với cách này thì khoảng 3 đến 5 tiếng sau khi giải quyết công chuyện xong, mọi người phải quay lại và đem cá đi chế biến, không để lâu thêm được nữa nha.

Dùng muối

Muối là một loại gia vị luôn có sẵn trong gian bếp mỗi nhà, giúp nêm nếm món ăn đậm đà, thơm ngon. Chỉ tiếc là nhiều người lại không biết tận dụng muối để bảo quản cá. Trong khi cách làm rất giản đơn, rằng mọi người chỉ việc rắc muối đều lên mình cá. Được biết đây là cách làm phổ biến, giúp những thương lái buôn bán được cá tươi. Vì với cách này, đảm bảo cá sẽ giữ nguyên hiện trạng trong 24 tiếng đồng hồ mà không phải lo ngại việc cá bị ươn hay có mùi tanh gì hết.

Còn không thì cũng với muối, nhưng mọi người thực hiện theo phương pháp khác, đó là cho một ít vào nước ở nhiệt độ 30 độ C để pha loãng. Sau đó, mọi người cho cá vào ngâm, mục đích làm loãng phần mang cá có tính acid đông đặc. Sau 10 - 15 phút lấy ra, đảm bảo cá sẽ giữ được độ tươi, chế biến món gì cũng ngon hết ạ.

Dùng giấm

Giấm cũng là một nguyên liệu không thể thiếu trong nhà bếp, chuyên phục vụ cho việc nấu nướng, tăng hương vị cho món ăn. Nhưng trước khi dùng cho nấu nướng thì mọi người có thể dùng cho việc bảo quản cá, với cách làm tương tự như dùng muối. Mọi người chỉ cần lấy giấm thoa đều lên thân cá nhẹ nhàng, rồi để nơi thoáng mát là đã có thể yên tâm bảo quản cá lâu hơn thông thường. 

Dùng rượu trắng

Rõ ràng rượu trắng là thứ không có lợi cho sức khỏe, nên không khuyến khích con người uống. Tuy nhiên, trong nhà mọi người vẫn nên có sẵn rượu trắng, để tận dụng cho nhiều việc khác, mang đến hiệu quả cao. Chẳng hạn như khi mọi người muốn bảo quản cá thì cứ đổ vào miệng cá vài giọt rượu trắng rồi cũng như cách trên để nơi thoáng mát. Với cách làm đơn giản này, mọi người có thể giữ cá tươi lâu với thời gian hơn 3 ngày.

Dùng chanh

Nếu nhà có sẵn mấy quả chanh, mọi người cũng có thể cắt ra, vắt lấy nước cốt để dùng cho việc bảo quản cá tươi ngon. Hãy thoa đều nước cốt chanh lên thân cá, mọi người chú ý thoa kỹ phần bụng nhé. Tính axit trong nước cốt chanh sẽ giúp cá tươi lâu hơn, nhưng sau đó mọi người phải nhớ đặt cá ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không khí ẩm thấp, nếu không sẽ phản tác dụng đấy.

4. Lưu ý khi sơ chế cá

Khi nào mọi người muốn đem cá đi chế biến thì ở khâu sơ chế mọi người cũng phải lưu ý kỹ. Chứ nếu chọn mua được mua con cá chất lượng, sau đó về bảo quản thành công nhưng đến khâu sơ chế để thiếu sót thì tổ trác.

Một con cá có rất nhiều bộ phận. Thường khi sơ chế mọi người chỉ để tâm loại bỏ các bộ phận không ăn được, mà vô tình để lại những bộ phận gây mùi tanh. Cho nên, từ nay làm bất kỳ loại cá nào, mọi người phải đảm bảo loại bỏ hết các bộ phận như: ruột, mang, vây, vảy, gân. Đặc biệt là phần màng đen trong bụng cá phải loại bỏ hoàn toàn, vì nếu sót lại một chút thôi thì vẫn có thể gây ra mùi tanh đáng kể. 

Sau khi giải quyết bên trong rồi, mọi người tiếp tục dùng dao loại bỏ nhớt ở bên ngoài cá. Xong xuôi đem đi rửa với rượu trắng, xả lại nước sạch là yên tâm chế biến món ngon lành, đảm bảo không còn chút mùi hôi tanh gì hết ạ.