Nếu bị buồn nôn khi mang thai nặng, mẹ cần chú ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình hình sức khỏe thai nhi.
Buồn nôn khi mang thai hay còn được nhiều người gọi là tình trạng ốm nghén, nhưng thực chất ốm nghén thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian đầu thai kỳ và sẽ dần mất đi từ tam cá nguyệt thứ hai. Trong khi đó, mẹ bầu có thể bị buồn nôn trong suốt cả thai kỳ, đây là một trong những hiện tượng tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể khiến mẹ bầu luôn trong tình trạng khó chịu mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển cũng như sức khỏe của thai nhi ở trong bụng.
Tìm hiểu về hiện tượng buồn nôn khi mang thai
Buồn nôn khi mang thai 3 tháng đầu
Buồn nôn khi mang thai 3 tháng đầu còn được gọi với cái tên quen thuộc đó là “ốm nghén”. Trong 3 tháng đầu này, do sự thay đổi rõ rệt của hormone trong cơ thể, khứu giác của mẹ sẽ nhạy cảm hơn và những cơn buồn nôn cũng như nôn cũng xuất hiện nhiều hơn.
Nhiều mẹ thường bị buồn nôn khi mang thai
Mức độ buồn nôn khi mang thai 3 tháng đầu sẽ tùy vào cơ địa của từng người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì có đến khoảng 80% mẹ bầu sẽ gặp phải tình trạng ốm nghén, buồn nôn trong khoảng thời gian đầu tiên này. Vì đây là tình trạng thường gặp nên mẹ không cần quá lo lắng, từ khoảng tuần 16 – 18, tình trạng ốm nghén này sẽ giảm dần và mất hẳn, mẹ bầu cũng sẽ có cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn.
Tuy nhiên, nếu mẹ đang bị ốm nghén, buồn nôn dữ dội mà lập tức mất đi cảm giác này một cách đột ngột thì nên đi thăm khám ngay để phòng ngừa tình trạng xấu là sẩy hoặc thai. Các chuyên gia cũng cho biết nếu bị buồn nôn trong 3 tháng đầu, tỷ lệ sẩy và lưu thai cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Buồn nôn khi mang thai 3 tháng giữa
Trong 3 tháng giữa, thông thường mẹ đã dần mất đi cảm giác ốm nghén và cảm thấy dễ chịu hơn. Lý do là vì lúc này, cơ thể đã dần quen với sự thay đổi khi mang bầu. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mọi bà bầu sẽ mất hẳn cảm giác buồn nôn khi bước vào tam cá nguyệt thứ 2.
Một số trường hợp mẹ bầu sẽ vẫn tiếp tục có cảm giác buồn nôn khi mang thai ở giai đoạn này, cảm giác buồn nôn có thể kéo dài đến cuối tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tiếp tục cho đến cuối thai kỳ tùy vào sức khỏe cũng như cơ địa của mỗi người. Tuy nhiên, khi bị buồn nôn quá nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe trong thời điểm này, tốt nhất mẹ nên đi khám nhanh chóng để được bác sĩ có chuyên môn tư vấn.
Buồn nôn khi mang thai 3 tháng cuối
Thông thường, sẽ có rất ít mẹ bầu gặp phải tình trạng buồn nôn khi mang thai ở những tháng cuối, nhưng không phải là hoàn toàn không có. Nhiều trường hợp vẫn có cảm giác buồn nôn khi mang thai trong giai đoạn này, lý do có thể đến từ việc thai nhi không ngừng lớn lên, chèn ép các cơ quan xung quanh trong đó có dạ dày, vô tình gây nên cảm giác buồn nôn, khó chịu.
Buồn nôn khi mang thai có thể xuất hiện ở cả giai đoạn cuối thai kỳ
Ngoài ra, cảm giác buồn nôn ở tam cá nguyệt cuối xuất hiện có thể là do tình trạng tụt huyết áp, thiếu máu hoặc mẹ bầu đã ngủ sai tư thế. Khi ngủ sai tư thế, máu không được lưu thông tốt cũng dễ dẫn đến tình trạng buồn nôn.
Một lý do nữa cũng thường được nhắc đến đó là buồn nôn trong giai đoạn cuối có thể là dấu hiệu chứng tỏ mẹ sắp sinh. Với những mẹ đang ở tháng thứ 9, nếu bị buồn nôn hãy chuẩn bị sẵn sàng vì khoảnh khắc được gặp con đã đến rất gần rồi đấy.
5 cách giảm buồn nôn khi mang thai hiệu quả
1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và thói quen ăn uống
Một trong những cách giúp giảm được cảm giác buồn nôn khi mang thai hiệu quả chính là điều chỉnh lại chế độ cũng như thói quen ăn uống. Mẹ nên chú trọng các thực phẩm giàu đạm sẽ giúp cải thiện tình trạng buồn nôn, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn nhiều sữa chua, váng sữa,… để hỗ trợ đường tiêu hóa.
Mẹ nên ăn uống đủ chất để giảm các cơn buồn nôn khi mang thai
Bên cạnh đó, mẹ nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa lớn chính, thay đổi cách chế biến món ăn, ưu tiên luộc, hấp hơn là chiên xào hoặc dùng quá nhiều dầu mỡ. Mẹ bầu thường thèm ăn chua nhưng cũng hãy hạn chế để tránh làm cảm giác buồn nôn thêm nặng nề.
2. Đừng để thiếu vitamin và khoáng chất
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong suốt 9 tháng mang thai là điều cần được tuân thủ, nhưng mẹ sẽ rất khó để có thể đảm bảo mình có bị thiếu hụt dưỡng chất nào hay không. Thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu thường xuyên bị buồn nôn, ốm nghén. Do đó, hãy đi thăm khám đầy đủ để được nhận lời khuyên về những dưỡng chất và liều lượng mình nên bổ sung.
Thông thường, ở mỗi giai đoạn thì hàm lượng dưỡng chất mẹ bầu cần sẽ khác nhau. Việc này còn phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ bầu. Do đó, chị em không nên bổ sung dưỡng chất vô tội vạ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
3. Có thể dùng gừng tươi
Một trong những cách giúp giảm nhanh tình trạng buồn nôn ở mẹ bầu chính là sử dụng gừng tươi. Gừng có tính ấm, giải độc, kháng viêm, phù hợp cho những mẹ bầu luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi vì buồn nôn trong những tháng đầu.
Mỗi khi buồn nôn, mẹ bầu có thể dùng một tách trà gừng ấm hoặc một ít bánh quy gừng sẽ thấy dễ chịu ngay. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý khi mang thai phải cẩn trọng trong từng việc làm và cũng đừng lạm dụng một món gì đó quá mức nhé.
4. Tăng cường vận động nhẹ nhàng
Kinh nghiệm của một số mẹ bầu đi trước cho biết, việc vận động nhẹ nhàng phù hợp cũng sẽ giúp chị em bầu bì khỏe mạnh, dẻo dai hơn và cũng giảm được cảm giác khó chịu, mệt mỏi buồn nôn. Thay vì chỉ ngồi yên một chỗ, mẹ hãy tăng cường vận động.
Vận động cũng là cách giảm buồn nôn khi mang thai hiệu quả
Chị em có thể thử một số bài tập yoga, giãn cơ nhẹ nhàng vừa giúp xua tan những cơn buồn nôn, lại tốt cho quá trình chuyển dạ về sau. Ngoài ra, chị em cũng có thể thử những biện pháp thư giãn như massage bấm huyệt, thiền,… cũng rất tốt cho việc cải thiện các cơn buồn nôn.
5. Nghỉ ngơi đầy đủ
Căng thẳng trong công việc và cuộc sống có thể khiến cảm giác buồn nôn ở mẹ bầu trở nên nặng nề hơn, tần suất xuất hiện cũng nhiều hơn. Khi mang thai, chị em dù bận rộn đến mấy cũng nên dành riêng những khoảng thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần, tuyệt đối đừng để cơ thể rơi vào tình trạng stress hay kiệt sức, mệt mỏi do làm việc và suy nghĩ quá nhiều.
Buồn nôn khi mang thai sẽ không còn đáng sợ nếu mẹ bầu biết cách cải thiện và chăm sóc bản thân hợp lý. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị buồn nôn quá nhiều, ngày càng nặng và đi kèm những dấu hiệu như ra huyết, chóng mặt hoa mắt, đau bụng dữ dội,… thì nên đi khám ngay. Không quá căng thẳng nhưng cũng đừng chủ quan coi thường những cơn buồn nôn khi mang thai bất thường như thế mẹ nhé.
Xem thêm bài viết liên quan:
Bà bầu bị buồn nôn, nghén nặng nguy cơ sẩy thai, đẻ non thấp hơn
Mẹo nhỏ giúp bà bầu hạn chế buồn nôn, ốm nghén
8 thực phẩm giàu Vitamin B6 giúp mẹ bầu giảm triệu chứng buồn nôn ốm nghén