Có bao giờ bố mẹ nghĩ rằng chính những lời nói, lối hành xử của mình mà con ngày càng đánh mất sự tự tin và trở nên mặc cảm, e dè hơn không?
Cha mẹ “vô tư” không có lợi cho sự phát triển của trẻ bởi những gì họ nói và làm lắm khi không màng đến cảm nhận của trẻ, càng không quan tâm những gì mình thốt ra hoặc đã làm sẽ gây ra những tổn thương gì cho con.
Nếu nhận ra mình đang nằm trong số này, sửa ngay vẫn còn kịp bố mẹ nhé!
1. Nóng lòng trả lời các câu hỏi của trẻ
Tò mò là bản chất của con người. Riêng trẻ em mức độ tò mò thời thơ ấu đặc biệt mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại không quan tâm đủ đến các vấn đề của con mình nên cũng không thể trở thành người thầy đầu tiên đúng nghĩa của con.
Một số cha mẹ không thích con mình hỏi quá nhiều, thậm chí còn thấy phiền và đuổi con đi ra nơi khác. Sự thờ ơ và lạnh nhạt của bố mẹ khiến trẻ không còn hứng thủ hỏi han hoặc trẻ nghĩ rằng mình không nên hỏi quá nhiều và sẽ không còn hỏi nữa. Điều này khiến trẻ đánh mất đi sự tự tin vào bản thân.
Bên cạnh đó, thái độ ừ cho qua của cha mẹ cũng sẽ khiến trẻ mất dần sự hào hứng khi đặt câu hỏi, và từ đó mất đi tính tò mò, lòng khát khao tìm hiểu vạn vật xung quanh.
Do đó, cha mẹ đừng bao giờ lấy bận rộn làm cái cớ để không trả lời câu hỏi của trẻ. Nếu lúc đó cha mẹ không có thời gian để trả lời trẻ, trước tiên nên ghi nhận câu hỏi của trẻ và giải thích cho con hiểu đây không phải là lúc để cha/ mẹ trả lời, đồng thời hứa sẽ có lời giải vào một lúc nào đó. Chỉ khi được khuyến khích hỏi trẻ mới năng suy tư, nghĩ ngợi và ham học hỏi. Điều này mới thật sự đem lại giá trị phát triển tư duy của trẻ.
2. Tỏ ra không thích các bạn của con với thái độ gay gắt
Khi đứa trẻ lớn lên, mong muốn có một vài người bạn chân thành để chia sẻ cảm xúc cá nhân là một nhu cầu tâm lý rất cơ bản. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lại không thích các khuyết điểm của trẻ như thiếu lễ phép, hay ồn ào, hay bắt nạt, thích nói dối và nhiều khuyết điểm khác. Vì lẽ đó, họ sẽ tỏ thái độ gay gắt phê bình bạn của con hoặc ngăn không cho con giao du, tiếp xúc. Tuy nhiên, trẻ con cần có thời gian để hoàn thiện và phát triển bản thân. Các bé rất cần người lớn chỉ bảo. Không phải thấy trẻ không chào hỏi người lớn thì có thể đánh giá ngay đứa trẻ đó vô lễ.
Việc con tìm bạn cho mình cũng là một lựa chọn cần được bố mẹ tôn trọng như một ý kiến độc lập. Nếu cha mẹ luôn khắt khe trong kỷ luật, luôn không ngừng bày tỏ thái độ không thích đối với người bạn tốt của con thì sẽ khơi dậy lòng oán hận của trẻ và dần dần gia tăng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Chỉ khi hành vi sai trái ở mức độ nghiêm trọng thì khi ấy cha mẹ với trách nhiệm của mình phải giúp con nhận ra và chọn lựa lại.
3. Luôn so sánh con mình với con của người khác
Là cha mẹ, ai cũng mong rằng con mình tốt nhất. Tuy nhiên, trái khoáy ở chỗ trong mắt cha mẹ, con mình lại luôn thua kém con người khác. Tâm lý học cho rằng đây là tâm lý mong con hóa rồng tồn tại ở nhiều bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với điểm mạnh và điểm yếu. Bởi vì cha mẹ sống cùng con hàng ngày, những gì cha mẹ nhìn thấy ở nơi con dường như luôn là khuyết điểm của trẻ và bỏ qua những ưu điểm vốn có. Điều này khiến họ thường đem khuyết điểm của con mình ra so sánh với ưu điểm của những đứa trẻ khác, thậm chí còn tô hồng quá đà và phóng đại hình tượng con cái khác. Mục đích của cha mẹ là muốn khích con nổi dậy tự ái và chinh phục hoặc muốn con có một tấm gương soi rọi cho mình. Nhưng thực tế đây lại là cách làm gây tổn hại rất lớn cho các con. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể đẩy đứa trẻ đến lựa chọn từ bỏ cuộc sống.
4. Buộc tội con trước mặt người khác
Bạn bè, họ hàng, người thân thường đến thăm nhau và tổ chức tiệc nhẹ để tề tựu. Trong những dịp này, con cái luôn là chủ đề quan trọng không thể thiếu để đưa ra đàm thoại.
Trái với nhiều cha mẹ lúc nào cũng muốn tâng bốc con mình, nhiều bậc cha mẹ lại có sở thích kỳ lạ là phơi bày khuyết điểm của con mình trước mặt mọi người. Họ gọi đó là tâm sự, trút than thở cho nhẹ lòng. Nhưng buồn thay những lời đó luôn lọt vào tai những đứa trẻ.
Điều này vô hình trung khiến đứa trẻ cảm thấy mình không làm được gì và không được ai trân trọng mình. Ví dụ như trẻ học không giỏi, ngoại hình không đẹp, giao tiếp không tốt, nội trợ không khéo… sẽ cảm thấy bố mẹ lúc nào cũng không hài lòng với mình nên chút tự tin còn lại cũng dần bị đánh mất.
Có thể thấy rằng cha mẹ muốn con mình tốt hơn mỗi ngày, tự tin và thoát khỏi mặc cảm bản thân yếu kém thì trước tiên gia đình phải nuôi dưỡng bầu khí thân thiện, văn minh, khoan dung, tế nhị và sôi nổi. Ngược lại, nếu gia đình luôn lạnh nhạt, căng thẳng, buồn tẻ, u ám, thiếu sức sống thì khó có thể giúp đứa trẻ tìm thấy được giá trị của mình để tự tin trên mọi bước đường đời.