Vaccine tốt nhất là vắc-xin được tiêm đúng thời điểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì việc tiêm ngừa còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố
Các mẹ ơi, lại là em đây, phần trước em có chia sẻ cho các mẹ chi tiết lịch tiêm vaccine cho bé theo từng tháng tuổi. Trong phần tiếp theo này, em sẽ chia sẻ thêm cho các mẹ nắm một vài lưu ý khi cho con đi tiêm vắc-xin cũng như những trường hợp trẻ không được tiêm vắc-xin. Mặc dù điều này cũng đã được nhắc đi nhắn lại rất nhiều trên tivi nhưng tính các mẹ thì hay quên, mà trong chuyện tiêm ngừa cho con nếu sai sót thì ân hận cả đời các mẹ ạ.
Những lưu ý khi cho con đi chích ngừa
- Sổ theo dõi chích ngừa cho con rất quan trọng. Dựa vào đây các bác sỹ có thể nắm rõ được con đã tiêm những loại vắc xin nào, thời gian tiêm cụ thể của từng loại… vì vậy dù các bà mẹ có hậu đậu đến mấy cũng nhớ mang theo sổ theo dõi chích ngừa của con nha.
- Trước khi được tiêm phòng, các bác sỹ sẽ tiến hành khám sàng lọc trước tiêm cho con, vì vậy nếu con có biểu hiện lạ trong những ngày gần đây hoặc dị ứng loại thuốc gì, các mẹ nhớ thông báo chi tiết cho bác sỹ nắm rõ nhé.
- Dù bận rộn công việc đến mấy thì các mẹ cũng cần cho con ở lại sau 30 phút khi tiêm chủng và theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ tiêm.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn hình: sohu
- Khi trẻ có các phản ứng sốt cao, quấy khóc, bỏ bú, co giật, tím tái, khó thở… thì các bà mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi.
- Các bà mẹ Việt thường có thói quen đắp củ hoặc lá và chỗ tiêm của con để giảm đau nhức, tuy nhiên theo các bác sỹ thì đây là quan niệm phản khoa học.
- Khi trẻ sốt cao, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
Những trường hợp nào không được tiêm phòng cho trẻ
Dù biết rằng tiêm vắc-xin đúng liều và đúng thời gian quy định rất quan trọng với trẻ, tuy nhiên nếu con thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bố mẹ không được cho trẻ đi tiêm phòng:
1. Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm liều vắc-xin trước đó như: Sốt cao trên 39 độ, sốt co giật hoặc dấu hiệu viêm não, viêm màng não, tím tái, khó thở.
2. Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan như: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận…
3. Không tiêm vắc-xin sống với trẻ bị suy giảm miễn dịch như bệnh suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch nặng.
4. Các trường hợp chống chỉ định khác theo chỉ dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc-xin cụ thể.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn hình: sohu
Chăm sóc sau tiêm chủng cho trẻ
Ngoài việc buộc phải theo dõi trẻ ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng ra thì bố mẹ cần chú ý chăm sóc bé theo các nguyên tắc sau:
- Ba mẹ nên mặc đồ thoáng mát, rộng rãi cho con;
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, uống nước nhiều;
- Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol với liều phù hợp;
- Bố mẹ không nên tiếp xúc trực tiếp vào vết tiêm của trẻ, không thoa hoặc bôi bất cứ thứ gì lên vết tiêm;
- Không tự ý dùng Aspirin và các liều thuốc ho, thuốc hạ sốt khác vì những loại thuốc này có thể tăng liều paracetamol.
Ở bài trước em đã chia sẻ. chi tiết loại vắc-xin cần chích ngừa theo từng tháng cho bé rồi, mẹ nào chưa đọc thì tham khảo lại nhé. Thực sự mỗi lần tiêm vắc-xin cho con là em lo lắng không ngủ được vì sợ những phản ứng sau tiêm của con. Vậy cho nên nếu mẹ thấy con đang thuộc những trường hợp không được tiêm vắc-xin ở trên thì cần lưu ý tuyệt đối nhé.