Nghe có vẻ lạ đời nhưng thực tế đã có rất trường hợp cho thấy, những đứa trẻ khi đi học mang tiếng là “trò hư” khi lớn lên lại rất thành đạt trong cuộc sống.
Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện cho thấy những đứa trẻ có xu hướng nghịch ngợm, quậy phá khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường có xu hướng trở thành những doanh nhân tài ba. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền chúng kiếm được nhiều hơn hẳn những đứa trẻ ngoan ngoãn, ham học và được lòng thầy cô. Theo các chuyên gia, trẻ quậy phá khi đi học, đôi lúc ngổ ngáo khác người một chút thực sự không quá tệ như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ. Chúng có khả năng cao sẽ thành công trong tương lai bởi những nguyên nhân sau đây.
Quảng giao, có nhiều mối quan hệ
Những đứa trẻ nghịch ngợm thường có khả năng thu hút người khác rất hiệu quả, chúng quảng giao, thích kết bạn và không bao giờ thiếu những cuộc vui. Điều này có thể mang lại cho chúng nhiều mối quan hệ và đây chính là mấu chốt tuyệt vời để có thể đạt tới thành công trong sự nghiệp, đặc biệt nếu chúng theo đuổi con đường kinh doanh.
(Ảnh minh họa)
Không ngại va chạm, sống thực tế
Nếu những đứa trẻ hiền lành, nhút nhát thường chỉ biết kiến thức trong sách vở và rất ngại va chạm với xã hội thì những đứa trẻ ngổ ngáo, bướng bỉnh không ngại va chạm với những thử thách mà cuộc sống gửi đến. Chúng có xu hướng sống rất thực tế, muốn tìm tòi, khám phá nhiều thứ mới. Vì thế, những đứa trẻ nghịch ngợm thường không dễ bị lừa gạt. Khi theo đuổi một mục tiêu nào đó, chúng sẽ vạch ra lộ trình rõ ràng và tuân thủ tuyệt đối, kinh nghiệm sống tích lũy được trong đời thường sẽ giúp ích rất nhiều để chúng có được thành công trong tương lai.
Sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đạt được thành công
Ngược lại với hình tượng “con cưng của thầy cô”, những đứa trẻ được đánh giá là ngổ ngáo trên ghế nhà trường thường không sợ mất hình tượng, do đó, chúng sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, thất bại để lấy kinh nghiệm làm hành trang cho việc xây dựng sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, việc chấp nhận thử thách và rủi ro đem đến cho chúng nhiều cơ hội hơn hẳn, vì thế tỷ lệ đạt được thành công cũng cao vượt trội hơn rất nhiều.
Thích cạnh tranh, không chấp nhận thua thiệt
Một số nghiên cứu khác cũng cho biết, trẻ nghịch ngợm thường có tính cách thích cạnh tranh và phấn đấu hết sức để đạt được thành quả. Vì “cứng đầu”, chúng không dễ chấp nhận sự thua thiệt và thất bại. Nếu thấy công sức mình bỏ ra không nhận được thành quả như mong muốn, chúng sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong công việc, những đứa trẻ này xem việc cạnh tranh như một cuộc chơi, càng đạt được nhiều thành công hơn, chúng càng hứng thú và cố gắng quyết tâm để đạt đến nhiều mục tiêu cao hơn nữa trong tương lai.
(Ảnh minh họa)
Những quan điểm trên có thể cho thấy một điều, rằng trẻ nghịch ngợm đôi khi cũng không quá tệ như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ. Đôi khi trẻ quá hiền lành, ngoan ngoãn lại đáng lo hơn vì chúng sẽ dễ trở nên thụ động, ù lì và nhút nhát trong tương lai. Tuy nhiên, thứ gì cũng phải có giới hạn của nó, các mẹ nên chú ý quan sát và uốn nắn để trẻ không đi lệch với những giá trị đạo đức trong cuộc sống. Con có thể nghịch ngợm trong một phạm vi nào đó, nhưng không được hỗn hào, ngông cuồng và hành động không kiểm soát. Đặc biệt trong giai đoạn dậy thì, mẹ cần ở bên cạnh động viên, làm bạn và hướng dẫn con để trẻ có thể phát huy hết tiềm năng của mình, đi đúng hướng nhưng vẫn không mất đi “chất riêng”. Hãy nhớ, sự “bất quy tắc” của trẻ lúc nhỏ có thể chính là mầm mống cho sự phát triển tư duy, tính sáng tạo và khả năng đột phá trong tương lai, chỉ cần bố mẹ chấp nhận con người thật của trẻ, dành nhiều thời gian để chỉ bảo con đúng cách, trẻ sẽ có một nền tảng phát triển toàn diện thật sự tuyệt vời.