Nhiều đứa trẻ vẫn ngồi để chân kiểu chữ W, ngồi vắt chân mà không hề được chỉnh sửa, lớn lên mới phát hiện bị xấu tướng.
Nhiều mẹ thấy con ngồi mấy kiểu lạ lạ như chữ W chẳng hạn thì thấy dễ thương và nghĩ nó rất bình thường. Tuy nhiên, những cách ngồi con cảm thấy thoải mái đôi khi lại ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, sự phát triển chiều cao của con. Mà những hậu quả này thường phát hiện khi đã quá muộn, theo con đến tận lúc lớn.
Những đứa trẻ có vấn đề về dáng đi đứng, dáng ngồi như gù lưng, cong vẹo cột sống thường dễ mặc cảm, còn hay bị bạn bè chọc ghẹo, cô lập. Để con không phải hứng chịu những hậu quả nặng nề, mẹ cần chú ý cách con ngồi từ bé. Dưới đây là 4 kiểu ngồi sai của trẻ, mẹ cần sửa cho con. Đừng để con qua 6 tuổi, lúc đó muốn uốn nắn lại cách ngồi cho con thì đã muộn.
Ngồi khòm lưng
Một trong những kiểu ngồi sai của trẻ là ngồi không thẳng lưng, lúc này lưng bị khòm, một số trường hợp nặng, lưng có thể cong thành vòng cung. Cách ngồi này sẽ khiến trẻ bị cong vẹo cột sống, gù lưng. Nó sẽ tạo thành tướng đi xấu, khom người khiến trẻ mất tự tin.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
Ngoài ra, kiểu ngồi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của trẻ. Để tránh con bị gù lưng, cận thị do ngồi sai, mẹ cần điều chỉnh từ lúc bé tập ngồi. Sau đó là giai đoạn con bắt đầu vào tiểu học, giai đoạn này rất quan trọng. Mẹ nên hướng dẫn con ngồi học thẳng lưng, không cúi quá sát đọc sách, không nằm ra mặt bàn để viết.
Ngồi kiểu quỳ xếp gối
Một số trẻ từ lúc tập ngồi đã thích ngồi kiểu quỳ xếp gối còn gọi là quỳ xổm. Cách ngồi này giúp trẻ có thể chủ động kiểm soát khoảng không trước mắt. Con sẽ thoải mái nghịch và dễ dàng lấy món đồ chơi mình muốn. Tuy nhiên, ngồi kiểu quỳ xổm sẽ dồn hết trọng lượng cơ thể lên phần bắp chân.
Nếu nặng có thể khiến xương chân chấn thương, biến dạng, lệch khỏi quỹ đạo. Những đứa trẻ ngồi kiểu quỳ xếp gối thời gian dài thường bị cong vẹo xương chân, đi đứng không thể ngay hàng thẳng lối, rất mất thẩm mỹ. Ngoài ra, ngồi kiểu quỳ xếp gối cũng khiến cơ thể có xu hướng đổ dồn về phía trước nhiều hơn. Đây là một trong những nguyên nhân tăng nguy cơ gù lưng.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: sohu
Ngồi hai chân xếp hình chữ W
Các mẹ thấy con ngồi kiểu chữ W thì cứ bảo dễ thương. Các bé cũng rất thích ngồi kiểu này vì làm trẻ thoải mái. Nó tạo cảm giác thăng bằng nhưng lại ảnh hưởng đến cấu trúc phần dưới cơ thể, từ hông đến chân. Từ đó ảnh hưởng đến dáng đi, về lâu dài có thể gây nhiều tác hại cho trẻ.
Khi trẻ ngồi ở tư thế chữ W, trọng lượng dồn vào cơ chân, khớp, hông và đầu gối. Phần trên cơ thể lúc này lại kém phát triển vì ít vận động. Do đó, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phối hợp hoạt động của các cơ, yếu về kỹ năng vận động. Kiểu ngồi W ảnh hưởng đến cấu trúc xương, làm căng cơ chân và khiến khớp bị lỏng, ảnh hưởng đến liên kết xương, dáng đi của bé.
Dáng đi chữ X, chân vòng kiềng cũng do ngồi kiểu W mà ra. Chưa kể tình huống bất ngờ, trẻ bật dậy quá gấp sẽ gặp chấn thương. Kiểu ngồi này còn ảnh hưởng đến việc học tập, khiến trẻ giảm tập trung, chậm tiếp thu khi đi học.
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: ltn - kintec
Ngồi vắt chéo chân
Vắt chéo chân là tư thế ngồi vô cùng phổ biến và quen thuộc của nhiều người. Tuy nhiên lại là thói quen ảnh hưởng sức khỏe xương chậu. Ngồi vắt chéo chân lâu ngày khiến xương chậu bên cao bên thấp, phát triển lệch, nhất là tuổi dậy thì. Ngồi vắt chéo chân còn có nguy cơ đau lưng và cổ.
Nguy hiểm nhất là trẻ em lại có khả năng bắt chước rất mạnh mẽ. Khi con thấy cha mẹ ngồi vắt chéo chân, con sẽ ngồi theo. Điều này gây hệ lụy nặng nề cho hệ xương chưa phát triển của trẻ. Tư thế ngồi vắt chân không chỉ khiến chân trẻ bị biến dạng mà còn có thể gây tê, phù chân, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của chân.
Cha mẹ phải kịp thời uốn nắn kiểu ngồi sai của trẻ sao cho đúng. Bản thân cha mẹ cũng cần làm gương và cố gắng duy trì tư thế ngồi đúng trước mặt trẻ. Có thể lúc đầu con chưa quen, sẽ thấy khó chịu khi bị cha mẹ sửa cách ngồi. Nhưng vì sức khỏe và sự phát triển về sau của con, cha mẹ nhất định phải sửa cho bằng được giúp con.