Các chị em bầu bí trong thời 'cô vy' đừng lo lắng. Theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai (từ 13 tuần trở lên) đã được phép tiêm các loại vắc xin nCoV, ngoại trừ Sputnik-V.
Điều thật sự quá tuyệt vời vì sẽ giúp bảo vệ cả 2 mẹ con trước virus. Bởi vì bà bầu chính là đối tượng có khả năng cao sẽ trở nặng hơn khi bị nhiễm virus so với những người bình thường. Các mẹ nên tìm hiểu thông tin để được tiêm chủng sớm nhé, đừng chần chừ.
Dù vậy đây là giai đoạn nhạy cảm, nên nhiều mẹ vẫn lo lắng không biết thời điểm này tiêm vắc xin có an toàn cho thai nhi không, tiêm rồi thì cả 2 đều có kháng thể từ vắc xin hay chỉ mỗi cơ thể người mẹ, và tiêm xong bị sốt thì làm thế nào?
Tất cả những những điều này đã được thông tin đầy đủ trên 1 tờ báo rồi nhé.
Bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin nCoV. Ảnh minh họa, internet
Đầu tiên: Bác sĩ khuyên phụ nữ trước và trong thai kỳ nên tiêm vắc xin nCoV
Theo Bác sĩ Đinh Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, WHO đã khuyến cáo sử dụng vắc xin nCoV cho phụ nữ mang thai vì lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin nCoV. Theo đó, xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm chủng, trong đó có phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên.
Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần sẽ được hoãn tiêm.
Điều thứ 2: Phụ nữ mang thai sốt sau tiêm vắc xin nCoV phải làm thế nào
Nếu phụ nữ có thai sau khi tiêm mũi đầu tiên của vắc xin nCoV, nên tiêm tiếp mũi thứ 2 để được bảo vệ nhiều nhất có thể. Nếu bị sốt sau khi tiêm, có thể dùng acetaminophen (Tylenol) để hạ sốt, điều này giúp giảm các ảnh hưởng bất lợi của sốt trong thời gian thai nghén.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc, cần được bác sĩ thăm khám, chỉ định và kê đơn. Khi uống thuốc cần chú ý theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường hoặc chuyển biến xấu, cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Điều thứ 3: Mang thai ngay sau tiêm vắc xin nCoV có sao không?
Theo TT Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, tiêm vắc xin nCoV cho phụ nữ mang thai an toàn và hiệu quả trong quá trình mang thai.
Hoàn toàn không có kết quả bất lợi nào liên quan đến thai nghén xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng cùng một nền tảng vắc xin.
Các vắc xin được sử dụng cùng một vectơ virus đã được tiêm cho phụ nữ mang thai trong các tam cá nguyệt: Tam cá nguyệt thứ 1 (3 tháng đầu thai kỳ), tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa thai kỳ) và ở tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ).
Hơn nữa, cũng không có kết quả bất lợi nào liên quan đến thai nghén, bao gồm cả những kết quả không tốt ảnh hưởng đến thai nhi, liên quan đến việc tiêm chủng trong những thử nghiệm này.
Vắc xin nCoV cũng không gây nhiễm trùng, kể cả ở mẹ và thai nhi: Không có vắc xin nCoV nào chứa virus sống gây ra SARS-CoV-2 nên vắc xin nCoV không thể làm cho bất kỳ ai bị bệnh này, kể cả phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh.
Phụ nữ mang thai từ 13 tuần đã được phép tiêm các loại vắc xin nCoV. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Điều thứ 4: Tiêm phòng vắc xin nCoV cho phụ nữ mang thai tạo ra các kháng thể có thể bảo vệ thai nhi
Cụ thể là khi phụ nữ mang thai được tiêm vắc xin mRNA nCoV trong thời kỳ mang thai, cơ thể của họ sẽ tạo ra kháng thể chống lại nCoV, tương tự như những người không mang thai.
Các kháng thể được tạo ra sau khi một người mang thai được tiêm vắc xin mRNA nCoV được tìm thấy trong máu dây rốn. Điều này có nghĩa là tiêm chủng trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại virus SARS-CoV-2.
Lịch tiêm vắc xin nCoV cho bà phụ nữ mang thai như sau:
Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, lịch tiêm vắc xin nCoV cho thai phụ từ 13 tuần thai, nên hoàn tất mũi 2 của vắc xin trước 36 tuần 6 ngày. Nếu không kịp hoàn tất lịch tiêm, mũi 2 sẽ được tiêm trong thời kỳ hậu sản.
- Với vắc xin AstraZeneca: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tốt nhất là 8 - 12 tuần.
- Với vắc xin Moderna: Hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần.
- Với vắc xin Pfizer: Hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần.
Sau những điều vừa được báo chí chia sẻ ở trên mọi người cũng đã rõ việc tiêm vắc xin nCoV khi mang thai quan trọng thế nào rồi đấy. Đây là giai đoạn khả năng cao sẽ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm virus, nên mọi người nhớ cẩn thận nha.
Nguồn: Tổng hợp