Quà cáp, phong bì đôi khi khiến cô khó xử, cha mẹ tốn hao, nhiều lúc chỉ cần lời nói đẹp lòng cô giáo là đủ để con được quan tâm hơn trên lớp.
Nhiều bậc phụ huynh lo sợ thầy cô thiên vị, ít quan tâm con nên đã lén tặng quà, phong bì cho giáo viên để con nhận được sự ưu ái hơn. Tuy nhiên việc quà cáp biếu xén đôi khi khiến thầy cô gặp rắc rối, ít ít thì quan tâm nhưng nhiều quá lại sinh áp lực. Thay vì cứ chăm chăm đi tặng quà, giao lưu tình cảm với các cô, có 3 câu cha mẹ nói sẽ khiến giáo viên quan tâm con nhiều hơn và có cảm tình với phụ huynh hơn.
Nhận phong bì, quà cáp thì cô sẽ thương con mình hơn
Không biết bao giờ việc quà cáp, biếu xén, phong bì trở thành nấc thang đánh giá độ quan tâm của thầy cô với học trò của mình. Thực tế có những giáo viên rất quan tâm học sinh mà không hề cần đến quà cáp của cha mẹ học sinh.
Ảnh: QQ
Ngược lại, việc nhận phong bì, quà cáp sẽ khiến thầy cô cảm thấy gánh nặng, áp lực, vì lỡ nhận quà thì phải thể hiện chút tấm lòng, nếu không phụ huynh sẽ khó chịu. Có 3 lý do không nhất thiết phải tặng quà thầy cô thường xuyên:
- Không phải thầy cô nào cũng tham của, ham biếu xén và không quan tâm học sinh.
- Sự quan tâm của giáo viên nằm ở việc học của học sinh, thành tích tốt hay yếu kém cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học, thành tích thi đua của thầy cô nên bình thường thầy cô vẫn quan tâm học trò của mình.
- Không phải đứa trẻ nào cũng muốn được thầy cô quan tâm quá mức, cha mẹ quá nhiệt tình sẽ khiến con cảm thấy không thoải mái khi học tập trên lớp.
Vì vậy, khi nói đến việc tặng quà cho thầy cô, nếu là thầy tốt thì tặng hay không cũng không ảnh hưởng đến việc quan tâm học sinh. Nếu đã là thầy xấu thì tặng cũng chưa chắc thu lại được sự quan tâm đầy đủ từ thầy dành cho con. Nói thế này không phải chỉ trích việc tặng quà thầy cô, thỉnh thoảng tặng thầy cô ngày Nhà giáo biểu hiện tấm lòng vẫn được, nhưng thường xuyên quá thì nên xem lại.
3 câu cha mẹ nói với giáo viên để con được quan tâm hơn trên lớp
1. Bé nhà em vẫn còn thụ động trong việc học
Nếu cha mẹ nói ra câu này sẽ để lại ấn tượng với cô giáo vì thể hiện sự “có trách nhiệm” của cha mẹ trong việc học của con. Những bậc cha mẹ như vậy rất quan tâm đến việc học tập của con cái, và giáo viên đương nhiên hy vọng rằng những đứa trẻ mà họ dạy là xuất sắc, vì vậy họ cũng rất sẵn lòng trao đổi với phụ huynh về phương pháp học tập phù hợp cho con.
Ảnh: kknews
Việc học của con cái là trách nhiệm chung của cha mẹ và giáo viên, bất kỳ vấn đề nào con gặp phải trong học tập, cha mẹ có thể trao đổi thẳng thắn với giáo viên, giúp thầy cô hiểu và bám sát con hơn, quan tâm và giúp đỡ con đúng hướng hơn.
2. Bé nhà em còn nhỏ nghịch ngợm, cô cứ nghiêm khắc dạy dỗ cháu
Nghịch ngợm là bản chất của trẻ, nhưng nếu con nghịch ngợm quá đà và trở thành "chiêu trò" thì cha mẹ không thể tùy ý bênh vực hay bỏ qua. Dù ở nhà hay ở trường, trẻ em cần phải tuân theo một số quy tắc ứng xử nhất định.
Việc cha mẹ nói câu này với giáo viên thể hiện cha mẹ tin vào các cô, đồng thời không chiều hư, bênh vực con, giáo viên thường rất vui khi có phụ huynh suy nghĩ như vậy và cũng sẽ thoải mái, dễ chịu khi dạy dỗ con hơn.
3. Ở lớp có chuyện gì mong cô giáo báo cho cha mẹ càng sớm càng tốt
Việc giáo dục trẻ không bao giờ là chuyện riêng của thầy cô mà cần sự phối hợp, hỗ trợ từ gia đình. Việc tạo mối quan hệ giao tiếp, trao đổi thường xuyên giữa thầy cô và cha mẹ sẽ rất tốt cho việc học của con. Một khi thông tin được thông suốt giữa cô và phụ huynh, việc học ở trường của con mới trôi chảy và tiến bộ.
Ảnh: hk
Đặc biệt những cha mẹ luôn quan tâm, phản hồi kịp thời khi cô giáo ra thông báo sẽ thể hiện cha mẹ coi trọng việc học của con, đồng thời tôn trọng cô giáo. Tự nhiên, với cha mẹ nhiệt tình thế này, cô giáo cũng sẽ quan tâm, chăm sóc con ở lớp nhiều hơn.
Sự quan tâm quá mức của cô giáo sẽ không tốt cho trẻ
Nói đi thì phải nói lại, cái gì quá nhiều sẽ không tốt, bao gồm việc mong muốn cô quan tâm nhiều đến con khi ở lớp. Nhiều cha mẹ không tiếc bất cứ điều gì để lấy lòng các thầy cô mong sao họ quan tâm con nhiều hơn. Nhưng một đứa trẻ dù ở nhà hay ở trường đều được bao bọc quá kỹ sẽ khó tự lập, trưởng thành.
Tốt nhất cứ để thuận theo tự nhiên, con được học theo nhịp chung của các bạn, không cần bất cứ sự thiên vị hay hậu thuẫn nào. Chỉ khi việc học con có vấn đề, trì trệ, cần ý kiến từ cô giáo thì lúc đó cha mẹ có thể trao đổi thẳng thắn để tìm ra cách. Hoặc nếu cô thầy có những biểu hiện thiếu quan tâm, lơ là với con ở trên lớp thì lúc đó cha mẹ hãy hành động cũng chưa muộn.