Bạn bắt đầu tập trung học tập và đang tìm cách để học giỏi toàn diện? Bạn muốn tìm ra bí kíp học tập thần thánh mà các “học bá” đang nắm giữ? Bạn muốn trở thành con ngoan, trò giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến? Dưới đây là 21 bí kíp giúp bạn học giỏi toàn diện, nhanh chóng đứng đầu lớp trong năm học tới.
1. Đặt Mục Tiêu Rõ Ràng
Đây sẽ là động lực để bạn phấn đấu mỗi ngày. Bạn có thể nói mục tiêu của mình với bố mẹ, bạn bè hoặc dán một tờ giấy ghi chú tại góc học tập ở nhà để luôn nhắc nhở bản thân.
2. Luôn Chú Ý Nghe Giảng
Khi đi học trên lớp, sẽ có lúc bạn muốn thả trôi tâm hồn mình treo ngược cành cây ngoài cửa sổ? Hoặc chỉ muốn ngủ gục trước các môn học mà bản thân thấy rất nhàm chán. Nhưng với mục tiêu học giỏi toàn diện, bạn nên chăm chú lắng nghe thầy cô giảng bài, tập trung cao độ để hiểu bài ngay trên lớp.
3. Học Và Làm Bài Tập Đầy Đủ
Không được chủ quan phần kiến thức này mình đã hiểu rồi mà bỏ qua các bài tập giao về nhà. Đọc, học thuộc kiến thức trước khi bắt tay làm bài tập sẽ giúp bạn hiểu và nhớ bài hơn.
4. Ưu Tiên Những Môn Học Yếu Hơn
Ví dụ bạn học kém môn văn thì hãy dành thật nhiều thời gian đọc sách tham khảo, luyện viết các bài văn. Hay nếu bạn yếu môn toán thì hãy học kỹ công thức rồi giải thật nhiều các dạng bài tập cho quen.
5. Xác Định “Không Gian - Thời Gian Vàng”
Có bạn thích đi cafe học nhóm, có bạn dậy sớm học dễ vào hơn, có bạn chỉ khi ban đêm yên tĩnh ở nhà mới có thể học được,... Mỗi người sẽ có một “khoảng vàng” khác nhau dành cho việc học. Bạn có thể thử nhiều lần để biết mình học dễ nhất ở địa điểm, thời gian nào nhé.
6. Hỏi Thầy Cô Và Bạn Bè
Đừng ngại phát biểu những chỗ mình chưa hiểu để được giảng lại ngay nhé. “Dấu dốt” chỉ khiến kiến thức bị hổng ngày một nhiều thêm. Nếu có phần kiến thức chưa hiểu, hãy hỏi ngay bạn bên cạnh của mình. Nếu đó là vấn đề khó, đừng ngại ngần mà tham khảo ý kiến của thầy cô.
7. Học Các Mẹo Ghi Nhớ Nhanh
Bạn có thể chuyển kiến thức khô khan thành những liên tưởng hình ảnh, âm thanh,... Có rất nhiều phương pháp ghi nhớ cho bạn tìm hiểu và áp dụng. Việc ghi nhớ nhanh bằng mẹo giúp bạn rèn luyện khả năng phản xạ và tư duy đối với vốn kiến thức mà mình học được.
8. Hiểu Bản Chất Trước Khi Học Thuộc
Học vẹt chỉ lưu được kiến thức ở dạng trí nhớ ngắn hạn. Hãy tìm hiểu sâu, học hiểu bản chất vấn đề để nhớ tốt hơn và áp dụng được kiến thức đã học trong mọi bài tập.
9. Sử Dụng Sơ Đồ Tư Duy Mindmap
Đây là cách rất hay để bạn hệ thống lại kiến thức của mình. Khi cần ôn lại bài cũng sẽ dễ nhớ hơn rất nhiều. Việc hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy giúp bạn nhìn nhận mọi thứ theo góc độ bao quát đến cụ thể, từ đó đưa ra được lộ trình học tập rõ ràng, chi tiết.
10. Học Đúng Trọng Tâm Kiến Thức
Trước khi học bất kỳ môn nào cũng nên đọc qua những nội dung mình sẽ học. Tìm hiểu đâu là kiến thức trọng tâm của chương trình để học kỹ, đủ và đúng những phần đó nhé.
11. Tìm Cho Mình “Đôi Bạn Cùng Tiến”
Một người bạn đồng hành cùng chung chí hướng học tập sẽ giúp bạn có thêm niềm vui và động lực khi học. Vì thế, rất khuyến khích những đôi bạn cùng tiến, thậm chí là nhóm bạn cùng tiến giúp đỡ nhau học tập.
12. Hạn Chế Làm Việc Riêng Lúc Học
Một số bạn rất hay có thói quen làm nhiều việc trong lúc học như xem TV, lướt điện thoại, ăn uống,... Việc làm này không chỉ gây mất thời gian mà còn rất mất tập trung. Khi ấy, não bộ sẽ bị quá tải thông tin và từ chối tiếp nhận kiến thức.
13. Đảm Bảo Sức Khỏe Tốt
Ăn uống lành mạnh, tập luyện điều độ và ngủ đủ giấc là những điều bạn cần thực hiện để luôn có một thể trạng tốt cho việc học. Ngoài ra, việc cung cấp đủ dưỡng chất cũng giúp não bộ của bạn hoạt động nhanh nhạy hơn, dễ dàng tiếp thu vốn kiến thức khổng lồ mỗi ngày.
14. Chủ Động Tiếp Thu Kiến Thức
Không ai có thể hiểu việc học của bạn bằng chính bạn. Vì vậy, hãy tự xây dựng một lộ trình tiếp thu kiến thức hiệu quả, chủ động tìm kiếm thông tin trong sách, báo, đài,...
15. Vui Vẻ, Thoải Mái Khi Học
Sự áp lực sẽ khiến việc học nặng nề và để lâu dài sẽ sinh ra tâm lý chán nản. Bạn có thể tự đề ra cho mình những mức thưởng nhỏ để khích lệ bản thân và làm việc học trở nên hứng thú.
16. Giảng Bài Cho Các Bạn Khác
Việc làm này vừa giúp tình bạn trở nên thắm thiết mà ta có thêm một lần ôn bài. Trong khi giảng giải lại những kiến thức đã học, chúng ta sẽ biết được mình đã thật sự hiểu bài chưa. Hơn nữa còn học được cách diễn đạt dễ hiểu, logic.
17. Sắp Xếp Thời Gian Học Hợp Lý
Não bộ chúng ta cũng cần được nghỉ ngơi. Sắp xếp một thời gian biểu phù hợp sẽ giúp bạn sạc đầy năng lượng, lên dây cót tinh thần để chinh chiến những kiến thức thú vị.
18. Rèn Thói Quen Tiếp Thu Kiến Thức “Đa Kênh”
Có nghĩa là bạn hãy làm quen với việc học ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Ví dụ bạn có thể học các cấu trúc tiếng anh mới qua bộ phim, bài nhạc yêu thích. Có thể học các hiện tượng vật lý qua những sự kiện thường ngày diễn ra xung quanh.
19. Sắp Xếp Gọn Gàng Góc Học Tập
Một góc học tập ngăn nắp, gọn gàng sẽ cho bạn nhiều hứng khởi hơn để học. Hơn nữa nó còn giúp bạn rút ngắn thời gian tìm sách vở, đồ dùng học tập khi cần.
20. Ôn Lại Bài
Hãy đề ra một kế hoạch ôn lại bài cũ xen lẫn với việc học bài mới để tránh tình trạng “học trước quên sau” nhé! Ôn lại bài không chỉ giúp bạn củng cố kiến thức đã học mà còn phát hiện ra nhiều khía cạnh mới của vấn đề, từ đó bạn mở rộng được vấn đề hơn.
21. Kiên Trì
Không có con đường thành công nào lại trải đầy hoa hồng cho chúng ta đi. Mọi thành quả đều được gặt hái nhờ vào công lao cố gắng, nỗ lực không ngừng, thấy bài khó không nản chí.
Tổng Kết
Việc học là việc cả đời. Vì thế, bạn nên cân bằng được giữa học tập và vui chơi, nghỉ ngơi cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác để phát triển toàn diện. Hy vọng với những cách để học giỏi toàn diện mà chúng tôi chia sẻ, bạn sẽ sớm đạt được kết quả như ý muốn!
Bài viết thuộc tác giả thegioinho8x12 - thành viên Cộng đồng Phụ nữ lớn nhất Việt Nam Webtretho! Nếu bạn sử dụng bài viết cho mục đích cá nhân, vui lòng ghi rõ! Xin cảm ơn!
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Có thể bạn quan tâm: