Điều âm ỉ diễn ra lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cả những gì lồ lộ ra ngoài. Trẻ đi học mẫu giáo vẫn có thể phải chịu những kiểu bạo lực âm thầm mà không dám kể ra.
Lớp học ở trường mẫu giáo là môi trường xã hội đầu tiên mà con được tiếp xúc. Ở đó sẽ có rất nhiều bé là con của những gia đình có nền sinh trưởng khác nhau. Các bé vốn đã mang trong mình những khác biệt về cá tính, lại lớn lên và chịu ảnh hưởng giáo dục từ những kiểu mẫu gia đình khác nhau nên chắc chắn sẽ có những khác biệt khó dung hòa.
Ảnh minh họa
Hôm trước, một người đồng nghiệp cũ gọi điện hỏi han công việc có cho tôi biết tin con của em ấy sắp vào mẫu giáo. Bé chỉ mới 2 tuổi, chưa đủ tuổi đi mẫu giáo nhưng vì em ấy là mẹ đơn thân, phải đi làm kiếm tiền nên không thể cứ ở nhà ôm con mà sống qua ngày mãi được. Nghe vậy, tôi mới theo phản ứng tự nhiên hỏi: “Mới 2 tuổi mà trường đã nhận rồi sao?”
Có vẻ như đã bị gãi đúng chỗ ngứa nên em ấy than với tôi luôn: “Nếu có người đỡ đần cùng thì em cũng ráng cho con ở nhà thêm 1 năm nữa cho an tâm. Chứ chắc gì đi học gặp được cô giáo tốt, có tâm và biết kiên nhẫn với trẻ nhỏ được chị.”
Đúng là trẻ con đi mẫu giáo không cần đặt nặng vấn đề học kiến thức, chỉ cần có môi trường tập thể cho bé tương tác với bạn, mở mang những điều mới mẻ và hoàn thiện những kỹ năng khác là bố mẹ đã hài lòng. Nhưng khó mà chắc chắn được trẻ sẽ không bị bắt nạt hoặc không gặp bất kỳ nguy hiểm nào khi ở trên trường. Bé còn quá nhỏ có thể sẽ không phân biệt được chuyện xấu, tốt gì đang đến với mình để diễn đạt lại cho bố mẹ hiểu.
Thông thường, đối với trẻ 3-4 tuổi, khi gặp phải những tình huống tổn hại đến bản thân từ thế giới bên ngoài, cảm thấy bị đối xử bất công, trẻ thường chỉ biết buồn bã, chịu đựng chứ hoàn toàn bất lực trong việc tự giải quyết. Chỉ cần nghĩ đến điều này thôi, có thể bố mẹ sẽ rụt rè mà ngần ngại với lựa chọn của mình ngay.
Tuy nhiên, con nhỏ rất cần được rời xa cha mẹ để lớn lên trong xã hội mà trẻ là một phần trong số đó. Nếu lo lắng cho con đi học mẫu giáo phải chịu cảnh bị ức hiếp, bố mẹ hãy quan sát xem con mình có biểu hiện lạ không nhé! Nếu có, rất có thể bé đang là nạn nhân của 2 kiểu bạo lực lạnh lùng sau:
Bị bạn cùng lớp cô lập và chế giễu
Nói về bạo lực trong trường, hiếm khi mọi người kể đến trường mẫu giáo nhưng không gì là không thể. Ở mẫu giáo, có một kiểu bạo lực lạnh lùng diễn ra âm thầm mà các chuyên gia gọi là chiến tranh tâm lý.
Ảnh minh họa
Trong nhóm hoặc trong lớp, nếu có bé không thích một bạn nào đó, bé sẽ trợn trừng mắt và nói những câu gây khó chịu: “Đừng có mà lại gần tôi, nghe thấy không?” hoặc “Nhìn cái mặt là thấy không ưa rồi, xê ra đi!”
Những đứa trẻ còn lại khi nghe bạn nói như vậy sẽ lập tức bắt chước như một hành động bản năng. Chúng sẽ chỉ vào đứa trẻ đó và lặp lại giống như những gì người bạn kia nói hoặc nguyên văn hoặc tương tự, chẳng hạn như: “Tớ không thích cậu ngồi gần, nghe không?”
Từ chỗ bắt chước, những đứa bé khác sẽ dần hình thành một nhóm bè phái và loại trừ, cô lập những đứa trẻ nào chúng thấy không vừa mắt. Những cách xua đuổi lạnh lùng nhưng rủ nhau cùng nghỉ chơi hoặc đưa cha mẹ ra làm trò trêu ghẹo sẽ khiến đứa trẻ kia phải chịu ấm ức.
Bị chế nhạo vô cớ nhưng lại không biết nói với ai, trẻ sẽ rất khó chịu và nảy sinh những tranh đấu tâm lý trong lòng.
Có thể đến đây một số bố mẹ sẽ nghĩ rằng “trẻ con giận đó rồi hòa đó, nghỉ chơi nhau hôm trước hôm sau lại làm bạn” nên không cần phải đặt nặng vấn đề. Nhưng không phải mọi đứa trẻ đều có sức chịu đựng như nhau. Nếu thật sự hoàn cảnh đứa trẻ là một yếu điểm bị đưa ra trêu ghẹo, khó có thể nói là bé sẽ thấy bình thường như không có gì mà trái lại, trong trái tim yếu đuối, đó không khác gì một kiểu bạo hành tinh thần.
Nhìn bên ngoài, có thể khó mà phát hiện ra được nhưng sâu bên trong, trẻ đang phải chịu áp lực tâm lý rất lớn. Dần dần từ chỗ không thích gặp một, hai bạn, trẻ sẽ rất sợ đến lớp và không muốn đến trường nữa.
Bị giáo viên phớt lờ và bỏ mặc
Phải rào trước rằng vẫn có nhiều giáo viên mầm non có tâm, kiên nhẫn và nhất là yêu thương trẻ nhưng với số lượng lớn các bé được xếp vào một lớp, rất có thể cô sẽ thiếu sót.
Ngoài ra, không thể không thừa nhận sự thật là có những cô giáo mầm non không có đạo đức nghề nghiệp. Dù được đào tạo bài bản qua trường lớp nhưng không phải giáo viên mầm non nào cũng yêu nghề và yêu trẻ.
Ảnh minh họa
Sự mặc định, dán nhãn cho trẻ ở một số cô giáo mầm non có thể khiến cô đối xử thiên vị giữa trò này với trò khác. Cô giáo có thể thích những bé trắng trẻo, ăn mặc sạch đẹp hơn những bé đen đuốc, quần áo có vẻ cũ kỹ, không hợp mốt; hoặc có những cô giáo lại chỉ thích trẻ nào thông minh, ngoan ngoãn, chịu ngồi yên một chỗ và rất khó chịu với những bé hay chạy nhạy, nghịch ngợm, chậm tiếp thu.
Các bé chưa ngoan có thể bị đẩy vào góc khuất camera để cô dễ "dạy dỗ", thậm chí giờ trưa mà không chịu ngủ trưa sẽ bị hất khỏi giường ngay.
Một kiểu bạo hành khác nữa là giáo viên lạnh lùng, phớt lờ nhu cầu của trẻ. Khi các bé đến mở lời nhờ cô giúp, cô sẽ hoặc tiếp tục lướt mạng xem linh tinh, coi như không nghe biết; hoặc sẽ nạt nộ lại rất lớn tiếng để uy hiếp tâm lý của trẻ.
Những hành vi này nếu không có camera ghi lại, rất có thể sẽ được giấu giếm. Do đó, cách duy nhất để bố mẹ theo dõi là phải để ý đến những biểu hiện lạ mà trước đây bé chưa từng có, chỉ xuất hiện sau khi được gởi đi mẫu giáo. Có thể bé sẽ lo lắng đến mức đau bụng, cứ nhắc đến trường là xua tay và khóc hoặc ngủ mơ van xin, giật mình nhiều lần trong đêm. Nếu bé nào lanh lẹ hơn, có thể sẽ gởi thông điệp cho mẹ bằng những câu mách chuyện: “Mẹ ơi, ở trường không vui, con không đi học nữa.”
Đừng lúc nào cũng nghĩ con lười học, muốn trốn học nên bày ra đủ chuyện để kể xấu cô giáo và các bạn mà không chịu lắng nghe và thấu hiểu cho trẻ mẹ nhé!
Hành động ngay khi biết con chịu bạo hành nguội
Không phải lúc nào cũng có thể chắc chắn mọi nhận định của mình là đúng, những lần phát hiện con bất thường cũng cầu đến trí tuệ và sự nhạy cảm linh tính của người mẹ. Nếu chắc chắn con mình bị bạo hành nguội trên trường, mẹ có thể liên hệ trực tiếp với người có trách nhiệm cao nhất trong trường và báo cho người này biết những suy nghĩ hoặc cung cấp bằng chứng cứ nếu có.
Điều quan trọng là đừng bao giờ vì lo lắng cho con quá mức mà sinh ra nghi ngờ tất cả hành vi, biểu cảm của giáo viên. Trẻ đến trường mẫu giáo là để cô giáo hướng dẫn. Trong quá trình đó, bé phải hợp tác cùng cô thì mọi việc mới có thể suôn sẻ.
Đối với riêng con, bố mẹ phải động viên, an ủi khi có cơ hội, phải cho con thấy rằng xung quanh con còn rất nhiều người khác quan tâm và yêu thương hoặc những bạn khác cùng chơi chung.
Một lời giải thích đơn giản nhưng có thể hóa giải những khó chịu trong lòng và khiến trẻ có niềm tin trở lại với bạn bè, cô giáo và trường học.
Còn trường hợp phụ huynh chắc chắn về những gì cô giáo làm với con mình, sự tố cáo là cần thiết để ngăn chặn kịp thời những hành vi vô lương tâm của cô giáo.