Mùa hè tới, người người nhà nhà rủ nhau đi tắm sông, tắm biển, vừa mát mẻ lại vừa thư giãn. Mà theo em thấy, hình thức phổ biến nhất là bạn bè rủ nhau đi chơi, các gia đình ‘liên hiệp’ lại để làm cuộc dã ngoại nho nhỏ cuối tuần.

Nhưng đúng là sự đời có nhiều trường hợp oái ăm lắm các chị ạ. Như câu chuyện mà em được biết dưới đây khiến bản thân em phải suy ngẫm lại, tự cân nhắc địa điểm để gia đình đi “nghịch nước” an toàn, nếu lỡ có gì không may, lại hối hận cả đời.

Theo báo chí Đài Loan đưa tin, vào ngày 9/5 vừa qua, gia đình anh Lý và vợ chồng anh Trần đã rủ nhau đi cắm trại bên bờ suối Biện Khanh. Cả nhóm bạn chơi với nhau vô cùng vui vẻ, nướng thịt, tắm sông. Tuy nhiên, đây là khu vực nước sâu và được gắn bảng cấm bơi lội, nghịch nước nhưng vẫn nhiều người cố tình phớt lờ.

hình ảnh

Khu vực suối có biển hiệu "cấm" nhưng nhiều người vẫn đi tắm (Ảnh: ChinaTimes)

Chị Lý cho biết, ban đầu chồng mình và anh Trần xuống suối chơi trước. Nhìn thấy bố xuống nước thì con trai chị cũng đòi xuống theo. Khi bé trai trèo lên những phiến đá chơi thì không ngờ lại bị đạp phải rêu, trượt ngã xuống nước. Bé trai đã hét lên: "Bố ơi cứu con", rồi chới với giữa dòng nước.

Lúc này anh Lý vội lao đến để cứu con trai nhưng không ngờ lại nhìn thấy một nửa đầu của anh Trần đang ngụp lặn bên dưới suối, có vẻ như anh ta cũng đang bị đuối nước. Trong lúc vật lộn trong nước, anh Trần đã vô ý kéo luôn con trai anh Lý xuống. Dù rất cố gắng những người bố đành bất lực tận mắt nhìn con trai bị dìm xuống sâu.

Đau đớn trước cái chết của con trai, vợ chồng anh Lý kiên quyết phải làm rõ mọi chuyện. Anh Lý cho biết nếu như không bị anh Trần kéo chân thì con trai anh sẽ không phải chết. Anh cho rằng trên chân của con trai có nhiều vết trầy xước do bị anh Trần cào cấu trong lúc vật lộn. Ông bố đau đớn nói rằng cái chết của con trai anh thật không đáng và sẽ yêu cầu gia đình anh Trần phải bồi thường, chịu trách nhiệm.

hình ảnh

Cảnh sát đang làm rõ nguyên nhân vụ án (Ảnh: ChinaTimes)

Chuyên gia giám định pháp y cho biết, ngoài việc làm rõ nguyên nhân chết đuối của nạn nhân nhỏ tuổi, họ cũng sẽ tìm hiểu xem trong thời gian xảy ra sự việc, bố mẹ của nạn nhân có uống rượu hay không. Khi nồng độ cồn trong cơ thể vượt ngưỡng quy định sẽ khiến cho hành vi của một người khó mà kiểm soát được.

Ngoài ra phía công tố viên cũng cho biết, vùng nước nơi hai gia đình vui chơi là khu vực cấm bơi lội, nghịch nước và có gắn bảng thông báo rõ ràng ngay trên bờ. Chính vì điểm này mà trong cái chết của các nạn nhân, bản thân hai gia đình, bố mẹ nạn nhân cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn.

Trước cáo buộc này của anh Lý, vợ anh Trần đã công khai bức ảnh chụp cuối cùng trên điện thoại của mình, trong đó là cảnh anh Lý, con trai anh Lý và anh Trần ngay thời điểm xảy ra tai nạn. Cô cho biết vì gia đình anh Lý kiên quyết đổ lỗi cho chồng cô trong cái chết của con trai họ nên cô hy vọng nhờ bức ảnh này, mọi việc sẽ được sáng tỏ.

Trong hình cho thấy anh Lý đang ôm con trai mình trên người. Anh Trần trong tình trạng chới với, có vẻ như đang đuối nước. Cô cũng đau đớn nói rằng khi chụp bức ảnh này, cô chỉ nghĩ đơn giản là 3 người họ đang đùa giỡn với nhau. Ai ngờ chỉ vài phút sau nhìn lại, cô đã không nhìn thấy chồng và con trai anh Lý đâu nữa.

hình ảnh

 (Ảnh: ChinaTimes)

Thương tâm quá các mẹ ạ, sinh mạng của hai con người, một lớn một bé, đi mãi mãi, gây ra nỗi ám ảnh cả đời cho cả hai gia đình, tình bạn xem như tri kỷ bấy lâu…coi như tan vỡ. Bây giờ đổ lỗi cho nhau, nói qua nói lại thì có cứu vãn được gì nữa đâu. Ngẫm người xưa đã nói thế này, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Cái sai lớn nhất của cả hai gia đình đi bơi ở nơi bị cấm, là cắm trại ở nơi vắng người, không có nhân viên bảo vệ hỗ trợ.

Suy cho cùng, câu chuyện này xảy ra ở nước bạn nhưng chính chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm cho bản thân mình, nhất là khi mùa hè đang tới, là quãng thời gian mà người người nhà nhà đều muốn tắm sông, tắm biển, cắm trại thư giãn cùng gia đình.

Các mẹ nên nhớ, nước có mặt ở khắp nơi nhưng không phải cứ nơi nào có nước là nơi đó bơi được. Ao, hồ, sông, suối, kênh rạch, hố nước, … không phải là hồ bơi. Nó khác hồ bơi vì nó có dòng chảy, có nước xoáy, có lún sụt, có độ sâu không rõ ràng, không có chổ bám, không có ai trông coi, hỗ trợ.

Vì thế, người lớn nên dạy trẻ con và tự răn chính mình “KHÔNG BAO GIỜ ĐI BƠI MỘT MÌNH”. Bơi không bao giờ là một hoạt động đơn lẻ. Cho dù con bạn giỏi đến đâu, bơi một mình cũng nguy hiểm, vì một lý do đơn giản: chúng ta không thể giải quyết sự cố linh hoạt khi ở dưới nước.

hình ảnh

Thậm chí, ngay cả những người bơi tốt cũng có thể gặp phải những nguy hiểm trong nước. Họ có thể bị lạnh hoặc bị chuột rút khiến họ không thể bơi. Họ có thể bị vướng vào cỏ dại dưới nước hoặc các mối nguy hiểm khác. Họ có thể bị nước kéo ra quá xa bờ và không đủ sức bơi trở vào. Họ có thể bị sa vào vùng nước xoáy và bị kéo tuột xuống dưới nước. Nếu không có ai xung quanh, mọi thứ có thể biến thành tai họa ngay tức khắc.

“Không đi bơi một mình” cũng không có nghĩa là chúng ta đi với một nhóm bạn hoặc rủ thêm gia đình khác thì sẽ an toàn hơn. Vì khi đã lội xuống dòng nước mát mẻ, con ít để ý đến chuyện gì khác ngoài chuyện vui đùa, té nước vào nhau, còn người lớn thì mải mê nấu ăn, chụp ảnh, nhậu nhẹt. Vậy nên, muốn đi chơi ở những nơi có sông, có biển, hãy chọn vùng an toàn, chọn những khu du lịch có nhân viên bảo vệ, có kiểm chứng về độ sâu. Đừng đợi khi sự cố xảy ra, muốn ân hận cũng muộn lắm các mẹ ạ!

Nguồn: ChinaTimes