Không phải cứ ép con học nhiều là tốt, quan trọng là phải giúp đỡ con đúng cách, giáo dục đúng hướng thì con mới phát huy tốt.

Nhiều phụ huynh cứ đổ thừa con ham chơi game, tập tành yêu đương sớm khi lên cấp 3 nên mới học kém. Nhưng lại quên mất, lý do cơ bản nhất là càng lên lớp lớn, chương trình càng khó, con theo không nổi. Thay vì chấp nhận khả năng con chỉ tới đó, cha mẹ lại đi đổ lỗi cho những thứ xung quanh. Vì tâm lý chung là không chấp nhận con mình thua kém.

Nhân nói chuyện về vấn đề học kém, theo không kịp chương trình khi lên lớp lớn, em có đọc được một bài chia sẻ trên QQ. Theo đó, họ phân tích trẻ lên THPT mà học yếu đi có thể do sự chuẩn bị không tốt từ cấp 2. Muốn con là học sinh giỏi cấp THPT, đòi hỏi cha mẹ phải bồi dưỡng cho con từ năm đầu tiên vào cấp THCS.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ

Các phụ huynh có công nhận không, ở tiểu học, chỉ cần con chăm chỉ là có thể đạt điểm cao. Hầu như em nào cũng dễ dàng có được điểm 9, 10 khi ở tiểu học. Điều này khiến một số phụ huynh lầm tưởng con mình là học sinh giỏi nên đặt ra yêu cầu cao hơn cho con.

Nhưng sau đó lại thất vọng ngay khi con vào lớp 6, tự nhiên điểm tụt, từ học sinh giỏi xuống học sinh khá, thậm chí trung bình. Chưa hết, nhiều em trượt dài, tiểu học đạt loại giỏi, cấp 2 loại khá, cấp 3 có thể xuống tận trung bình yếu kém. Thầy cô cảnh báo coi chừng rớt tốt nghiệp, con thì nản chẳng muốn học nữa.

Nguyên nhân là do ngay từ bước đầu vào cấp THCS đã không chuẩn bị kỹ cho con, khiến con hụt kiến thức đó mọi người. Trường hợp em từng gặp ở quê đây, thằng bé cháu mới lớp 7 đã nghỉ học vì con nói “học không nổi”. Nguyên nhân là lên cấp 2, chương trình nhiều và nhanh.

Trong khi đó, con vẫn vào lớp 6 với tâm thế của một đứa trẻ tiểu học. Chép bài cô giảng không kịp, không biết chép gì vì đã quen ở tiểu học, cô toàn đọc cho chép. Học qua hơn cả tuần mà mấy cuốn vở trắng trơn. Mọi kiến thức đều quá tải với con, cộng thêm cha mẹ không đủ năng lực kèm con như ở tiểu học.

Năm đầu thằng bé ở lại lớp, khó lắm năm sau mới lên được lớp 7, lại lưu ban tiếp. Xấu hổ với bạn bè, thế là thằng bé trốn học, dần dần bỏ học luôn. Thấy con học không nổi thật, cha mẹ cũng đành thuận theo, cho nghỉ. Thật sự tiếc cho đứa nhỏ, nghỉ học sớm quá.

Vậy làm sao có thể giúp những đứa trẻ tiểu học non nớt lên cấp 2 có thể vững vàng và vẫn có thể làm đứa con học giỏi khi vào THPT. Theo những gì em đọc trên QQ, họ bảo phụ huynh cần làm đủ cho con 2 chuyện ngay từ năm đầu THCS.

1. Đầu năm học, trước hết phải giúp trẻ thích nghi với môi trường mới

Sau khi lên THCS, trẻ đã bước vào một môi trường học tập mới, khác với những gì trẻ đã gặp ở trường tiểu học. Trẻ em cần một quá trình thích nghi và một số trẻ không thể làm quen mà cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Nếu không, trẻ chưa quen ở môi trường mới sẽ dễ ảnh hưởng đến kết quả học tập.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: toutiao

Điều phụ huynh nên làm trong năm học đầu cấp THCS là trao đổi kịp thời với giáo viên để quan tâm hỗ trợ con nhiều hơn. Đặc biệt cần đốc thúc con học trong giai đoạn này, vì con vẫn giữ tư tưởng nhởn nhơ như ở tiểu học.

Điều này đòi hỏi cha mẹ phải giám sát con, giúp con đặt ra những mục tiêu nhỏ. Đồng thời cố gắng tạo cho con động lực tiến lên càng sớm càng tốt. Ví dụ lúc này cha mẹ có thể hứa hẹn trao phần thưởng nếu năm học đầu tiên cấp THCS con được loại giỏi chẳng hạn.

2. Tạo nền tảng học tập vững chắc từ những ngày đầu tiên

Giai đoạn đầu của cấp THCS là một rào cản, độ khó của các môn học đã tăng lên rất nhiều. Nếu một đứa trẻ có nền tảng tiểu học không tốt sẽ rất dễ không theo kịp. Do đó, cha mẹ cần theo sát xem con có đang gặp khó khăn với môn học nào hay không. Nếu môn nào con không theo kịp thì phải trao đổi với cô giáo để tìm cách khắc phục gấp. Nếu để lâu, càng lên lớp trên con sẽ càng bị hụt kiến thức.

Một điểm mấu chốt khác là giúp các em hình thành thói quen học tập, có kế hoạch thời gian học tập. Điều chỉnh tâm trạng học tập của con, tránh bị chán nản khi không theo kịp bài như trường hợp bé cháu ở trên. Nếu con nản mà không có cha mẹ động viên thì xác định con buông xuôi luôn đó mọi người.

Năm học đầu tiên THCS rất quan trọng, học sinh THPT có giỏi hay không phụ thuộc nhiều vào bước chuyển đặt nền móng này. Các bậc phụ huynh phải quan tâm, chú ý. Đừng chỉ bắt mỗi con cái phải cố gắng mà chính cha mẹ cũng cần thay đổi thái độ. Cứ la mắng bắt con học bài là vô nghĩa, chỉ khiến con áp lực.