Một đứa trẻ 13 tuổi thì vẫn luôn là đứa trẻ 13 tuổi. Nhưng ở tuổi này, cậu bé thay vì được đi học, tận hưởng màu sắc cuộc sống thì chỉ biết quanh quẩn chăm sóc cho 5 đứa trẻ còn nhỏ dại.
Cha mẹ vô trách nhiệm, phạm tội và bị kết án đã đẩy những đứa con vô tội của mình vào tình cảnh khốn khó, sống vất vưởng và chỉ biết trông chờ ai đó rủ lòng thương. Thế nhưng khi không còn ai để bấu víu, những đứa trẻ bơ vơ chỉ còn biết nương tựa và người anh, người chị lớn của mình. Thương thay những người anh, người chị đó dù trách nhiệm nặng nề nhưng suy cho cùng cũng chỉ là những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới.
Cậu bé Pan Jianglong 13 tuổi ở Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam, bất đắc dĩ phải trở thành “cha” của 5 đứa trẻ.
Ảnh: kknews
Cha phạm tội bị kết án, mẹ phải đi làm xa để lại 5 đứa em nheo nhóc ở nhà, Jianglong là anh lớn nên “quyền huynh thế phụ”, cậu bé phải đảm đương thay cha mẹ trách nhiệm chăm sóc các em. Từ ăn uống, đi lại, mặc ở... tất cả mọi thứ đều phải một tay cậu bé lo liệu.
Trong trọng trách nhiệm nuôi nấng một đứa trẻ, đối với người trưởng thành có sự giúp sức của vợ chồng việc này vốn không hề đơn giản. Thế nên, với một cậu con trai đang tuổi lớn, một tay nuôi 5 đứa em là điều vượt khả năng và sức chịu đựng.
Ảnh: kknews
Nếu người lớn phải cố gắng gấp 10 để nuôi một đứa trẻ thì một đứa trẻ 13 tuổi nuôi 5 miệng ăn phải nỗ lực gấp trăm để các em được no bụng, mặc ấm mỗi ngày.
Còn nhớ, trong một bài phỏng vấn, Jianglong kể lại một ngày của mình bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Cậu bé phải thức trước khi trời sáng để lo nấu nướng cho các em trên một chiếc bếp đơn giản, không có nồi chảo tươm tất, mà chỉ là vài viên gạch xếp quây lại do tự tay cậu làm.
Ảnh: kknews
Bữa sáng của các em cũng rất đơn giản, chỉ là hấp một ít cơm, rau rừng mà Jianglong hái từ trên núi vào đêm hôm trước.
Sau bữa sáng, các em đến trường, băng qua một con sông nhỏ và Jianglong đảm bảo an toàn cho các em của mình trên chặng đường.
Ảnh: kknews
Khi các em đi học, cậu bé lại lên ruộng, bục mặt xuống đất, ngửa lưng lên trời. Nhưng cậu không chỉ đi một mình bởi trong số 5 đứa em, có một em út chỉ vừa mới tròn 3 tuổi. Vậy là không thể để em một mình, cậu bé phải cõng em theo cùng mỗi lúc đi làm ruộng.
Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Jianglong đã phải tính toán làm sao có thể nhét đầy các em mỗi ngày. Không học hành, không sức lực, chỉ còn cách ra đồng làm ruộng thì mới có thể giúp các em không phải mang bụng đói đến lớp.
Làm lụng vất vả cả ngày lẫn đêm nhưng có những lúc cơm không đủ ăn, Jianglong phải giả vờ đã no để nhường phần ăn của mình cho các em. Chỉ khi các em no bụng, còn dư được miếng nào thì miếng đó sẽ là khẩu phần của cậu bé.
Ảnh: kknews
Nhiều lúc sự chịu đựng vượt quá giới hạn, nỗ lực mãi vẫn không thể làm được gì hơn cho các em, Jianglong đau khổ chỉ còn biết trốn dưới gốc cây và khóc thầm. Có lẽ đó là những lần duy nhất đứa trẻ đáng thương có cơ hội được xả hết mọi lo sợ trong lòng. Cỏ cây, đồi núi sẽ là những nhân chứng duy nhất biết được những giọt nước mắt bất lực của cậu bé.
Rất nhanh thôi, Jianglong sẽ lau đi những đau buồn, uất ức của mình để trở về căn nhà lụp xụp, trống trơn, nơi các em đang đợi anh nấu cho bữa ăn lót bụng.
Những ngày tháng khốn khổ này cứ thế kéo dài qua nhiều năm, bào mòn sức lực của một đứa trẻ đang tuổi lớn. Điều may mắn duy nhất trong nỗi bất hạnh của gia đình là các em của Jianglong đều ngoan ngoãn, hiểu chuyện và rất thương anh trai. Bất cứ việc gì làm được đều phụ anh làm. Khi Panjianglong muốn các em phải học tập và làm bài tập nhiều hơn... các em cũng vâng lời và ra sức học tập.
13 tuổi, đứa trẻ phải thổi phồng cho mình lớn hơn so với tuổi thật để chịu được áp lực mà các em không thể gánh.
Ảnh: kknews
Cuộc sống của các em nằm trong tay anh trai nhỏ, nước mắt không thể mang lại điều gì tốt đẹp hơn, Panjianglong chỉ còn một lựa chọn là phải sinh tồn. Phải mạnh mẽ vực dậy bản thân, không thể bị nỗi buồn đánh chìm và không bao giờ quên ý định ban đầu của mình là bảo vệ các em trai, em gái, đây là sức mạnh đến từ sâu trong ý chí kiên cường của chàng trai nhỏ.
Một sự thật đắng cay hơn nữa là khi được phỏng vấn về các em của mình, cậu bé 13 tuổi cho biết thật ra 5 đứa em nhỏ không phải tất cả đều là em ruột mà còn có cả con của dì. Cha và chú đều cùng bị kết án nên con của chú cũng rơi vào tình cảnh giống như anh em của Jianglong. Không còn ai để đùn đẩy, cậu bé không nỡ đẩy các em họ của mình đi trong tình cảnh bơ vơ như vậy nên gom hết về một nhà để tiện chăm sóc.
Căn nhà lụp xụp, cũ kỹ, ẩm mốc và trống trơn trở thành chốn che mưa, che nắng cho 6 đứa trẻ không có cha mẹ ở bên. Chúng không phải là những đứa trẻ mồ côi nhưng lại không khác gì những đứa trẻ mồ côi.
Đáng trách nhất là những người mẹ nỡ lòng bỏ con lại, nhẫn tâm trút gánh nặng của phụ huynh lên đứa trẻ chỉ mới 13 tuổi.
Khi mà cuộc sống chỉ lo được bữa cơm no đã khiến chúng luẩn quẩn thì còn đâu tâm trí và thời gian để mơ ước và sống cuộc đời của chính mình?
Tuổi thơ ngay từ khi mới bắt đầu đã nhuốm màu buồn của chia xa; quặn bụng của những buổi đói ăn; thiếu thốn của những ngày vui vầy... tương lai của những đứa trẻ này liệu sẽ đi về đâu.
Sinh con là một trách nhiệm lớn lao đòi hỏi cả tình yêu thương và khả năng nuôi dạy. Người cha, người mẹ phải ý thức được mình sẽ phải làm gì, mang đến những gì cho con, yêu thương con cách nào. Còn nếu không, cứ sinh con ra rồi hồn nhiên bỏ mặc mà không chút day dứt thì đó còn hơn cả vô trách nhiệm mà là một cái tội, tội rất lớn.