Hơn chục năm trước, người phụ nữ tên Phố Trại Hồng bắt đầu làm việc tại siêu thị tiện lợi. Cô chịu trách nhiệm kiểm soát các loại sinh vật có hại như muỗi và ruồi. Cô Phố khi đó không còn trẻ, học vấn không cao nên chỉ được nhận mức lương khá thấp.
Công cụ làm việc mà siêu thị phát cho cô lúc bấy giờ là một chiếc vợt bằng nhựa. Các nhân viên khác dùng dụng cụ thô sơ này vung qua vung lại, miễn đảm bảo không có con ruồi muỗi nào lởn vởn trước mặt khách hàng. Nhưng Phố không hài lòng với cách làm đó.
"Chống muỗi tuy đơn giản nhưng xua đuổi không phải là căn nguyên, tôi muốn ngăn chặn từ nguồn bệnh", cô nói. Việc đầu tiên nữ nhân viên này làm là nghiên cứu về loài muỗi. Từ sáng sớm đến đêm khuya, Phố quan sát quỹ đạo di chuyển và hành vi của muỗi rồi ghi chép cẩn thận.
Sau một thời gian, cô đúc kết được bộ quy tắc làm việc và nghỉ ngơi của loài sinh vật này. "Lúc 6h muỗi tràn đầy năng lượng, khó đuổi. 9h, chúng tụ tập ở nơi nước đọng để sinh sản. 15h, chúng trốn ở nơi râm mát để ngủ trưa...".
Cứ như vậy, thói quen của loài muỗi được tổng hợp lại, đủ các mùa trong năm. Ngay cả nhiệt độ và độ ẩm ưa thích của loài muỗi cô cũng nắm rõ như lòng bàn tay. Sau khi tìm hiểu kĩ, Phố Trại Hồng bắt đầu nghiên cứu chế tạo công cụ.
Từ cái vợt muỗi đầu tiên, cô đã thử không dưới 50 dụng cụ lớn nhỏ khác nhau. Thấy chưa đủ hiệu quả, cô làm theo ý tưởng của riêng mình: Cho dung dịch trừ muỗi vào chậu nước, sau đó thoa mật ong lên miệng chậu. Muỗi bị thu hút bởi mật ngọt và nhanh chóng mắc kẹt trong làn nước sủi bọt.
Cô cũng nhận thấy muỗi thích nhất màu vàng tươi nên đã cắt giấy dính côn trùng màu vàng thành hình trái cây. Đám muỗi tự lao vào đó. Nắm vững quy luật, cô triển khai mạng lưới chống muỗi trong và ngoài siêu thị. Cứ thế, hầu như không một con muỗi nào có thể xâm nhập thành công.
Tuy nhiên, việc này vẫn chưa kết thúc. Phố luôn suy nghĩ về việc ngăn chặn và kiểm soát loài sinh vật gây hại trong tương lai. Cô đã nghiên cứu 4 giai đoạn phát triển của muỗi và phát hiện ra ngay cả mùa đông, việc phòng và tiêu diệt muỗi cũng không thừa.
Phố Trại Hồng còn quản lý cả khu vực bên ngoài siêu thị. Cô chủ động chống côn trùng gây hại tại các thùng rác ở khách sạn kế bên, bốn phía đường, vườn hoa quanh siêu thị cũng được đặt bẫy. Nhiều người cho rằng việc làm này của cô là thừa vì đó là những khu vực không thuộc trách nhiệm của cô.
Phố cho biết, nếu bên ngoài không được vệ sinh sạch sẽ, chắc chắn trong siêu thị sẽ gặp nguy hiểm. Nhiều người gọi Phố Trại Hồng bằng biệt danh "Quý cô diệt muỗi". Những người dân sống quanh siêu thị cũng đến hỏi kinh nghiệm của cô mỗi khi nhà nhiều muỗi.
Sự thành công của Phố Trại Hồng khiến nhiều người ngưỡng mộ (Ảnh: The Paper)
Thậm chí "Binh pháp chống muỗi" của Phố còn xuất hiện trên danh sách tìm kiếm nóng của trang mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Với phong cách làm việc theo đuổi sự xuất sắc và tạo ra chất lượng hàng đầu, gần đây Phố Trại Hồng còn được mời đến buổi nói chuyện với tân sinh viên Viện Quản lý kinh tế, Đại học Thượng Hải.
Mã Lương, Hiệu phó của Viện này cho biết, sở dĩ nhà trường mời một nữ nhân viên bình thường như Phố Trại Hồng đến nói chuyện là bởi cô ấy đã không ngừng học tập, nắm vững kỹ năng làm việc để phục vụ xã hội trong nhiều năm.
Từ An Lan, sinh viên năm thứ nhất, người trực tiếp ngồi nghe kinh nghiệm của Phố nói rằng: "Để làm nên một sự nghiệp phi thường, một người cần phải tích lũy kinh nghiệm". Các sinh viên khác thừa nhận sự nổi tiếng và cách làm việc của người phụ nữ này đã dạy một bài học: "Người ta có thể trở thành chuyên gia, trở nên nổi tiếng từ những việc làm tưởng chừng như tầm thường, nhỏ bé."
Đúng là trong cuộc sống này, dù công việc hay tình yêu thì mỗi người đều cần sự nghiêm túc. Nghiêm túc không đơn thuần chỉ là đi làm đúng giờ, tuân lệnh cấp trên, hoàn thành nhiệm vụ được giao mà quan trọng hơn là sự hết mình, sáng tạo và năng nổ trong mọi việc.
Như câu chuyện của bà Phố Trại Hồng là minh chứng rõ ràng nhất. Dù trong quan điểm của nhiều người, công việc của bà là công việc thấp bé, chân tay, ai làm cũng được. Nhưng với bà, sự tận tụy và yêu nghề đã khiến người phụ nữ này được mọi người trân trọng, vươn đến thành công.
Có lẽ trên đời này, không ai dành 13 năm để nghiên cứu về ruồi muỗi ngoại trừ những nhà sinh vật học. Thời điểm khởi đầu, bà làm âm thầm và nếu ai đó biết được chắc họ cũng cười thầm trong bụng rằng người phụ nữ này rảnh quá hoặc khùng rồi.
Nhưng với Phố Trại Hồng, dù không được ăn học đến nơi đến chốn, dù không phải là người nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học thì bà vẫn quan sát đối tượng như một chuyên gia. Mỗi ngày, bà làm việc tỉ mỉ, chuyên cần, làm một cách đầy đam mê dù chẳng ai trả bà thêm được đồng nào.
Phố Trại Hồng được mời đến trường Đại học để giảng dạy cho sinh viên (Ảnh: The Paper)
Ngẫm nhiều bạn trẻ ngày nay, lao động chân tay thì than mệt mỏi, lao động trí óc thì chê lương thấp, bèo. Bị sếp mắng thì đùng đùng xin nghỉ việc, giá trị của bản thân không cao nhưng luôn đòi hỏi thu nhập phải trên trời.
Trong khi những người thuộc thế hệ bà Phố Trại Hồng, tức là thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta lại vô cùng khiêm tốn. Chỉ cần có việc làm là lao động hăng say, họ sinh ra trong đói nghèo và khổ hạnh nên những vất vả trong công việc chẳng thấm là gì.
Thế nên các bạn trẻ phải học hỏi tinh thần ấy, mỗi công việc chân chính dù lớn hay nhỏ, dù cao cả hay giản dị cũng đều mang lại lợi ích cho mọi người, cho xã hội. Hi vọng câu chuyện về người phụ nữ tên Phố Trại Hồng mà tôi đọc được trên trang VNE trên đây sẽ là động lực, tấm gương để mọi người làm việc hết mình, làm nó bằng đam mê, nhiệt huyết, làm tròn trách nhiệm của bản thân, hoàn thành xuất sắc công việc được giao phó.